Tin tức

Vì sao USD mạnh lên?

21/08/2023

Các ngân hàng tăng mạnh giá USD. Đây là điều khá bất ngờ vì nguồn ngoại tệ trên thị trường khá dồi dào. Liệu rằng chênh lệch lãi suất giữa USD và tiền đồng dẫn đến cơn sóng lần này của đồng bạc xanh. 


“Sóng” USD nhưng trong tầm kiểm soát
Ngày 16/8/2023, giá USD trong ngân hàng (NH) đã dịu lại sau đà tăng giá mạnh. Eximbank đã thay đổi giá USD khoảng 40 lần trong ngày. Sau khi tăng thêm 10 đồng vào buổi sáng, giá mua USD tại nhà băng này lên 23.770 – 23.830 đồng, bán ra lên 24.140 đồng. Thế nhưng, đến đầu giờ chiều, đồng bạc xanh đã không thể giữ được mức cao và trượt giảm 50 đồng, xuống còn 23.700 – 23.780 đồng chiều mua vào và bán ra 24.090 đồng.
Một số nhà băng khác cũng liên tục thay đổi bảng tỷ giá ngoại tệ trong ngày. Chẳng hạn, ACB thay đổi khoảng 35 lần, giá mua 23.700 – 23.780 đồng, bán ra 24.080 – 24.200 đồng; Vietcombank mua vào 23.755 – 23.785 đồng, bán ra 24.125 đồng… So với đầu tháng, các NH tăng giá USD khoảng 300 đồng, tương ứng mức tăng 1,25%/năm. Đây là mức tăng khá lớn trong khoảng thời gian ngắn nếu so với từ đầu năm đến nay chỉ tăng 2%, tương ứng 480 đồng.
Giá USD tăng vọt gần đây – Ảnh: Ngọc Thắng
Ngày 16/8, trên thị trường liên NH, giá USD tiếp tục tăng thêm 65 – 85 đồng, lên 23.930 – 23.950 đồng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã tăng tỷ giá trung tâm thêm 37 đồng mỗi USD, lên 23.918 đồng/USD. Như vậy, nhà điều hành đã tăng tỷ giá trung tâm 161 đồng trong hơn 2 tuần đầu tháng 8, tương ứng mức tăng gần 0,7%. Giá bán USD tại Sở giao dịch NHNN cũng đã lên mức 25.063 đồng, trong khi giá mua vào vẫn ở mức 23.400 đồng.
Nguyên nhân khiến giá USD những ngày gần đây tăng nhanh, theo ông Đinh Đức Quang (Giám đốc điều hành khối kinh doanh tiền tệ – Ngân hàng UOB VN), thị trường ghi nhận nhu cầu mua ngoại tệ tăng lên từ khách hàng cho cả các giao dịch giao ngay và kỳ hạn. Nhu cầu mua ngoại tệ giao ngay tăng lên đến từ thanh toán hàng nhập khẩu và các nhu cầu hợp pháp khác theo tính mùa vụ. Trong khi nhu cầu mua ngoại tệ kỳ hạn được thúc đẩy một phần từ giá mua kỳ hạn hiện nay rất tốt. Đợt “sóng” tăng giá USD lần này khá bất ngờ vì nguồn ngoại tệ trong nước đang rất dồi dào. Cụ thể, từ tháng 1 – 7, VN ghi nhận xuất siêu lên 15,23 tỉ USD, kiều hối về TP. Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm đạt 4,4 tỉ USD (tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái).
Ông Đinh Đức Quang cho rằng với lượng cung ngoại tệ hiện nay hoàn toàn có đủ điều kiện cân đối các nhu cầu mua bán ngoại tệ trên thị trường. Các biến động gần đây trên thị trường ngoại tệ là bình thường từ hoạt động mua bán, đầu tư. Với quy định biên độ giao dịch của tỷ giá USD/VND là 5% quanh mức tỷ giá trung tâm như hiện nay thì thị trường sẽ luôn có những sự thay đổi theo cung cầu ngoại tệ từng thời điểm trong kiểm soát. Ngoài ra, mức giao dịch tỷ giá USD/VND quanh 24.000 đồng/USD cũng thể hiện mức biến động dưới 2% so với mức tỷ giá từ đầu năm 2023, và đây vẫn là mức biến động thấp nhất trong mức biến động của các đồng tiền mạnh trên thế giới và khu vực so với USD.
Lãi suất USD – VND cao có gây áp lực?
Trước thực trạng lãi suất (LS) USD trên thị trường liên NH tăng cao vượt qua mức 5%/năm, trong khi LS tiền đồng liên tục sụt giảm xuống sát mức 0% ở những kỳ hạn ngắn, khiến chênh lệch LS giữa USD và VND lên mức cao kỷ lục 4,8%/năm. Thông thường, LS USD cao hơn tiền đồng thường gây ra áp lực lên tỷ giá.
Ông Đinh Đức Quang cho rằng chênh lệch LS là một trong những yếu tố có thể gây tác động lên thay đổi tỷ giá ngoại tệ nhưng không phải là yếu tố duy nhất. Tỷ giá sẽ biến động ít hay nhiều tùy thuộc vào một loạt thông số vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, từ cán cân thương mại và thu hút đầu tư cũng như các hoạt động vãng lai khác. Chênh lệch LS trên thị trường liên NH có tác động đến xu hướng quản lý nguồn vốn tại các tổ chức tín dụng cho mục tiêu ngắn hạn. Tuy nhiên, trên tổng thể chung về mặt bằng LS tiết kiệm thì VND vẫn vượt trội với lợi tức trên 6%/năm so với 0% của USD khi cá nhân, doanh nghiệp nắm giữ ngoại tệ trong nước.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu thận trọng hơn khi nói cần phải chờ đợi xem liệu đà tăng của giá USD có tiếp tục để trở thành xu hướng hay chỉ là biến động tạm thời. Tuy nhiên có một số nguyên nhân dẫn đến giá USD tăng. Đó là Hoa Kỳ vẫn tăng LS, đồng thời đưa ra khả năng mở là có thể vẫn tiếp tục tăng thêm nữa trong năm nay. Thứ 2 là VN xuất khẩu nhiều nhưng cũng nhập khẩu rất nhiều nên tùy từng thời điểm, nhu cầu ngoại tệ trên thị trường cũng gia tăng. Thứ 3, kinh tế vĩ mô của cả nước vẫn còn trầm lắng, chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh nên đồng tiền VN cũng bị giảm giá. Trong trường hợp tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh, có thể NHNN sẽ sử dụng công cụ để bình ổn thị trường như bán USD.
Việc giá USD tăng cao về nguyên tắc chung sẽ có lợi cho hoạt động xuất khẩu. Dù vậy điều này cũng không thể bù đắp được cho lượng đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp đã giảm mạnh. Ngược lại, hàng hóa nhập khẩu sẽ bị tác động mạnh và từ đó có nguy cơ đẩy giá hàng hóa trong nước đi lên, góp phần làm tăng nguy cơ về lạm phát lên cao.
Tuy nhiên, dựa trên các số liệu mà Tổng cục Thống kê đã công bố, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng áp lực về lạm phát của VN sẽ không quá cao và bình quân cả năm vẫn nằm trong mục tiêu kiểm soát mà Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, giá USD lên cao cũng sẽ gây khó khăn cho mục tiêu kéo giảm LS tiền đồng của NHNN. Trường hợp Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) nâng LS thêm một lần nữa trong năm nay thì VN vẫn phải đảm bảo cân bằng giữa LS tiền đồng và tỷ giá nên từ đó khả năng giảm LS cho vay khó về như mục tiêu mong muốn.

Thanh Xuân – Mai Phương, nguồn: https://thanhnien.vn/vi-sao-usd-manh-len-185230817003705378.htm, ngày 17/8/2023 (DB trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>