Tin tức

Cơ quan thuế phân trần lý do chậm hoàn thuế VAT

21/08/2023

Doanh nghiệp (DN) than phiền về sự chậm trễ trong hoàn thuế VAT, thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng cơ quan thuế đưa tất cả các DN xuất khẩu gỗ vào diện rủi ro và thực hiện “kiểm tra trước, hoàn thuế sau”, đại diện Tổng cục Thuế làm rõ quá trình triển khai công tác hoàn thuế. 


Tổng cục Thuế cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế ban hành 9.990 quyết định tương ứng số thuế hoàn 71.825 tỷ đồng, bằng 39% so với kinh phí hoàn thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt và thấp hơn cùng kỳ.
Từ tháng 6/2023, số thuế hoàn tăng tới 43% so với bình quân 5 tháng đầu năm 2023 và tăng 8% so với cùng kỳ sau khi ngành thuế tháo gỡ vướng mắc trong hoàn thuế và thực hiện Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ cũng như các văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế.
Phân loại rủi ro nhờ công nghệ “soi” gian lận hoá đơn
Theo Tổng cục Thuế, trong thời gian vừa qua, ngành thuế triển khai đồng bộ công tác điện tử hóa, số hóa công tác quản lý thuế. Đối với công tác hoàn thuế VAT, ngành thuế áp dụng hoàn thuế điện tử đạt 99% với gần 80% số hồ sơ hoàn thuế VAT thuộc diện “hoàn trước – kiểm sau” khi nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị hoàn của người nộp thuế. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nhiều ý kiến than phiền ngành thuế chậm trễ trong khâu giải quyết hoàn thuế VAT đối với một số DN, trong đó có DN lĩnh vực gỗ, tinh bột sắn. Thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan thuế đưa tất cả các DN xuất khẩu gỗ vào diện rủi ro và thực hiện “kiểm tra trước, hoàn thuế sau”.
Khi phân tích dữ liệu chuỗi hóa đơn đề nghị hoàn thuế,
cơ quan thuế phát hiện nhiều điểm bất thường.
Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng Cục thuế) Lê Thị Duyên Hải cho biết trong nhiều năm qua, ngành thuế tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế cho các DN theo nguyên tắc “người nộp thuế tự tính, tự khai và tự chịu trách nhiệm”. Các hồ sơ đề nghị hoàn thuế do cơ quan thuế tiếp nhận được phân loại thành hai trường hợp: (i) hoàn trước – kiểm sau; (ii) kiểm trước – hoàn sau theo quy định của pháp luật quản lý thuế. Trong cả hai trường hợp đều quy định về thời hạn hoàn thành, tính từ khi DN trình đầy đủ các hồ sơ theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp hoàn thuế trước, quy định là 6 ngày làm việc, còn đối với kiểm tra trước hoàn thuế, quy định là 40 ngày tính từ thời điểm người nộp thuế nộp hồ sơ hoàn thuế đầy đủ, đúng quy định cho cơ quan thuế.
Để xác định hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước hay kiểm tra trước hoàn, theo bà Hải, bên cạnh các hồ sơ hoàn thuế lần đầu, hồ sơ bị xử phạt hành vi trốn thuế trong vòng hai năm thuộc diện kiểm tra trước hoàn, đối với các hồ sơ còn lại, ngành thuế căn cứ trên các hồ sơ khai thuế của DN, các thông tin về tình trạng thành lập và hoạt động sản xuất kinh doanh, lịch sử tuân thủ pháp luật thuế và các thông tin trong cơ sở dữ liệu lớn hoá đơn điện tử (big data) của ngành thuế. Hiện tại, quy định của pháp luật về thuế, cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế trên cơ sở xem xét xử lý thủ tục hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế lập và gửi đến cơ quan thuế theo nguyên tắc “tự khai, tự chịu trách nhiệm”.
Đáng lưu ý, theo đại diện Tổng cục Thuế, với việc sử dụng cơ sở dữ liệu lớn hoá đơn điện tử, qua phân tích các hoạt động mua bán hàng hóa của DN, cơ quan thuế đánh giá rất nhanh toàn bộ hóa đơn mua bán hàng hóa của DN hoàn thuế và các DN liên quan theo chuỗi. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế xác định tính tuân thủ và tin cậy của người nộp thuế trong sử dụng hóa đơn và kê khai nộp thuế để xác định DN đó có nằm trong diện rủi ro hay không, từ đó xác định hồ sơ của người nộp thuế là hoàn thuế trước hay kiểm tra trước hoàn thuế.
Nhiều DN bỏ trốn, dính líu mua bán hoá đơn bất hợp pháp
Tuy nhiên, thời gian qua, một số hồ sơ kiểm tra trước hoàn của một số DN bị kéo dài thời gian so với quy định là do trong quá trình phân tích dữ liệu chuỗi hóa đơn cập nhật thực tế tại hồ sơ của DN, cơ quan thuế phát hiện DN mua hàng hóa đầu vào, khấu trừ và đề nghị hoàn thuế có nhiều điểm bất thường. Cụ thể, DN bán đầu vào cho những DN hoàn thuế là các DN đó bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh, không kê khai, không nộp thuế, hay có những DN tạm ngừng hoạt động. Đối với các DN xuất khẩu dăm gỗ, Tổng cục Thuế có những văn bản chỉ đạo các cơ quan thuế khi tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế, phải xác minh các nguồn gốc gỗ mua vào. Đây là một bước cần thiết để góp phần cùng các DN và các đầu mối thu gom thực hiện đúng yêu cầu về công tác kê khai để thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước ngay từ khâu đầu vào.
Liên quan đến việc phân tích rủi ro đối với các DN bán hàng cho DN xuất khẩu gỗ, cơ quan thuế phân tích, đánh giá hồ sơ theo từng lô hàng để lựa chọn lô hàng có dấu hiệu bất thường thực hiện kiểm tra, xác minh chọn mẫu. “Theo thông tin báo cáo từ cục thuế, sau khi xác minh hồ sơ đến đối tượng là các hộ trồng rừng, cơ quan thuế phát hiện trường hợp có những hộ cá nhân có tên trong hồ sơ kê khai nhưng thực tế lại không được giao đất rừng, không bán gỗ cho các đầu mối thu gom hoặc DN thương mại”, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế Lê Thị Duyên Hải nêu rõ điểm bất thường.
Do đó, với những DN có các dấu hiệu rủi ro, ngành thuế triển khai rà soát toàn bộ các hoạt động mua bán hàng hóa để đảm bảo mua bán hàng hóa có thật hay không thông qua việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để tránh những rủi ro thất thoát ngân sách của nhà nước. Cũng theo bà Hải, ngành thuế thực hiện xác minh hóa đơn, xác minh nguồn gốc hàng hóa để đảm bảo hàng hóa có thật trong giao dịch DN xuất khẩu có mua của những DN mà kê khai theo đúng quy định hay không. Từ đó, xác định mối quan hệ thanh toán hàng và tiền để đảm bảo DN xuất khẩu là có xuất khẩu thật. DN mua hàng hóa của những DN tuân thủ pháp luật, tức là sử dụng hóa đơn đúng, kê khai nộp thuế đầy đủ cho ngân sách nhà nước.
Gỡ bất cập nhưng phải hoàn thuế đúng đối tượng
Theo Vụ trưởng Lê Thị Duyên Hải, từ thực trạng trên, ngành thuế có những giải pháp phù hợp với thực tiễn triển khai công tác hoàn thuế để tháo gỡ khó khăn cho DN nhưng vẫn bảo đảm hoàn thuế đúng đối tượng. Theo đó, Tổng cục Thuế đang rà soát để báo cáo Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền các quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn về đối tượng chịu thuế, không chịu thuế, thuế suất và các điều kiện về hoàn thuế VAT đối với hàng hóa xuất khẩu và rà soát quy định về thủ tục hoàn thuế tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn. Song song với đó, để kịp thời giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho DN, Tổng cục Thuế chỉ đạo các Cục Thuế tiếp tục tăng cường tổ chức đối thoại với hiệp hội, DN có hồ sơ hoàn thuế VAT tồn đọng kéo dài để làm rõ vướng mắc, chủ động xử lý, giải quyết các vướng mắc trong thẩm quyền. Trường hợp vướng mắc vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Tổng cục Thuế để được kịp thời hướng dẫn.
Cơ quan thuế địa phương cũng căn cứ yêu cầu nhiệm vụ về hoàn thuế triển khai thành lập bộ phận hoặc tổ công tác gồm các cán bộ, công chức thuế có nhiều kinh nghiệm và nghiệp vụ thuế để tập trung tăng cường công tác xử lý đối với hồ sơ hoàn thuế, phân loại hồ sơ hoàn thuế, kiểm tra hồ sơ hoàn thuế, thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về hồ sơ, thủ tục hoàn thuế để DN chủ động trong việc chuẩn bị hồ sơ; chủ động rà soát lại tính chính xác và hợp pháp đối với những hồ sơ đề nghị hoàn thuế gửi cho cơ quan thuế, từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận hồ sơ, tránh hồ sơ chưa đáp ứng thủ tục khi gửi đến cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước, đặc biệt là các quốc gia có chung đường biên giới có hoạt động xuất nhập khẩu với Việt Nam để tham vấn, xác minh về hoàn thuế VAT để bảo đảm các quy định về đối tượng, điều kiện, hồ sơ, thủ tục hoàn thuế VAT được thống nhất, chặt chẽ, giúp việc hoàn thuế VAT được kịp thời, nhanh chóng, đồng thời, tránh tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng chính sách để trục lợi, gian lận trong hoàn thuế gây thất thoát ngân sách của nhà nước.

Ánh Tuyết, nguồn: https://vneconomy.vn/co-quan-thue-phan-tran-ly-do-cham-hoan-thue-vat.htm, ngày 17/8/2023 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>