Tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Lê Hoàng Thế, Giám đốc VOS, với vai trò là chuyên gia tư vấn, nhấn mạnh rằng trước khi tham gia thị trường tín chỉ các-bon, DN cần được khảo sát kỹ lưỡng về năng lực; xác định rõ mục tiêu, khả năng tạo tín chỉ và đánh giá hiệu quả đầu tư so với chi phí là điều kiện tiên quyết; đồng thời nắm vững các nguồn vốn xanh hiện hành, hiểu rõ yêu cầu về hồ sơ cũng như biết cách “xanh hóa” hồ sơđể gia tăng cơ hội tiếp cận nguồn tài chính. Hoàn chỉnh trong khâu chuẩn bị sẽ đóng vai trò then chốt, giúp DN tiếp cận hiệu quả các cơ chế tài chính xanh và tham gia sâu hơn vào tiến trình chuyển đổi hướng tới PTBV.
Tiến sĩ Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, nhận định rằng tài chính xanh đang phát triển với tốc độ vượt bậc và đang trở thành một công cụ cạnh tranh chiến lược trong bối cảnh toàn cầu hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Ông nhấn mạnh sự đa dạng của các hình thức tài chính xanh như tín dụng xanh, trái phiếu xanh và quỹ khí hậu. Theo ông, tài chính xanh hiện là một trong những công cụ huy động vốn phổ biến nhất cho các dự án môi trường, và nếu DN không kịp thời thích nghi, sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn và rủi ro lớn hơn trong dài hạn.
Ông Nguyễn Huy, Tổng Giám đốc ngành Chứng nhận và Thực phẩm của Intertek Việt Nam, cho rằng ba rào cản lớn DN Việt Nam hiện đang gặp phải là: thiếu bằng chứng xanh rõ ràng cho các hoạt động PTBV; đội ngũ nhân lực chưa được đào tạo bài bản về các tiêu chuẩn và quy trình liên quan; cùng với hạn chế về nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng hệ thống giám sát và báo cáo đạt chuẩn. Ông khuyến nghị DN nên chủ động xây dựng đội ngũ nội bộ có kiến thức chuyên sâu về tài chính xanh, đồng thời tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đơn vị tư vấn giàu kinh nghiệm nhằm xây dựng chiến lược dài hạn một cách hiệu quả và bền vững.
Tại buổi tọa đàm, câu hỏi được đặt ra là liệu các vườn cao su đã đạt chứng chỉ FSC có cần thiết tham gia thị trường tín chỉ các-bon, và đơn vị nào phù hợp để chứng nhận cho ngành cao su. Tiến sĩ Trần Minh Hải cho rằng, chứng chỉ FSC là lợi thế lớn vì thể hiện rừng được quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời doanh nghiệp đã có bước kê khai và minh chứng phương pháp luận về các-bon. Tuy nhiên, với đặc thù ngành cao su, việc xây dựng tín chỉ các-bon nên tập trung vào khâu chế biến và sản xuất – nơi có thể đo lường, cải tiến công nghệ và giảm phát thải hiệu quả. Khi doanh nghiệp chứng minh được quy trình sản xuất bền vững và giảm phát thải rõ ràng, hoàn toàn có thể tham gia thị trường tín chỉ các-bon. Một số tổ chức như IDH và SNV (Hà Lan) hiện đang hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn cho DN trong quá trình chuyển đổi xanh.
Văn phòng HHCSVN tổng hợp (Diệu Bùi)