.jpg)
Nội dung chính của phiên một sẽ tìm hiểu cách các chính sách của chính phủ Indonesia tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực tuân thủ quy định mới, trong khi PISAgro, với tư cách là một nền tảng hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) và các hộ tiểu điền trong việc thích ứng với các quy định mới cũng như trang bị các công cụ và kiến thức cần thiết.
Ông Manfred Borer – CEO và Nhà đồng sáng lập Koltiva cho biết nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với sinh kế của 75% nhà sản xuất ở châu Á, nhưng cũng khiến họ dễ bị tổn thương trước những biến động kinh tế và môi trường. Với sự thay đổi của bối cảnh pháp lý, đặc biệt là Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR), các doanh nghiệp, chính phủ và hộ tiểu điền cần hợp tác để đáp ứng yêu cầu mới. Tuy nhiên, những hạn chế về tài chính, nguồn lực và công nghệ khiến việc truy xuất nguồn gốc trở thành thách thức lớn đối với hộ tiểu điền. Vì vậy, bằng cách lập bản đồ chuỗi cung ứng và thực thi khả năng truy xuất nguồn gốc, Koltiva không chỉ bảo vệ rừng mà còn trao quyền cho những hộ tiểu điền để tiến hành thực hiện từng bước tuân thủ tính bền vững.
Theo Bà Diah Suradiredja – Ban Thư ký Phát triển Bảng thông tin Quốc gia thuộc Bộ Kinh tế Điều phối (CMEA), Bộ Nông nghiệp Indonesia nhấn mạnh rằng sáng kiến Bảng điều khiển quốc gia không chỉ giúp đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc mà còn tạo điều kiện để các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Indonesia tuân thủ các quy định quốc tế. Chính phủ cũng cam kết hỗ trợ tài chính cho các hộ tiểu điền thông qua trợ cấp và giảm thuế, giúp họ thích ứng với các yêu cầu mới. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Quỹ Dầu cọ sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để nâng cao năng lực sản xuất bền vững. Một trọng tâm khác là xây dựng hệ sinh thái dữ liệu nhằm tăng cường minh bạch và quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả hơn. Chính phủ Indonesia đang nỗ lực hài hòa chính sách quốc gia với các tiêu chuẩn toàn cầu, đảm bảo rằng các nhà sản xuất nội địa không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các rào cản thương mại mới.
Ông Insan Syafaat cho biết PISAgro đang tích cực thúc đẩy tuân thủ quy định và tiêu chuẩn quốc tế trong nông nghiệp Indonesia. PISAgro tạo điều kiện hợp tác giữa các bên liên quan để phát triển chiến lược toàn diện, đồng thời nâng cao năng lực cho nông dân và doanh nghiệp thông qua đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật. Các chương trình này giúp triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và tiêu chí phát triển bền vững. Ngoài ra, PISAgro hỗ trợ phát triển hệ thống thu thập dữ liệu nhằm giám sát việc tuân thủ và xác định lĩnh vực cần cải thiện trong chuỗi cung ứng. Indonesia cũng đã áp dụng hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ quốc gia SVLK (Sistem Verificasi Legalitas Kayu), một chứng nhận bắt buộc được xây dựng dựa trên sự đồng thuận của nhiều bên liên quan.
Kết luận phiên thứ nhất, ông Manfred Borer nhận định rằng bất kỳ sự hỗ trợ tài chính nào từ các tổ chức, DN, chính phủ đều sẽ giúp ích và tạo động lực rất nhiều trong quá trình thực thi EUDR và các quy định khác. Dựa trên nền tảng SVLK đã đạt được trước đó, ông Manfred Borer tin rằng đây sẽ là bước đệm tốt để Indonesia tự tin thực hiện tốt các tiêu chí để đáp ứng tốt quy định sắp tới đối với các ngành như dầu cọ, cà phê, ca cao, cao su.
Tại phiên thứ hai của hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ thêm về tác động của EUDR đến chuỗi cung ứng các ngành dầu cọ, cao su và ca cao Indonesia, cũng như tình hình thích ứng và tồn tại mà các bên trong ngành, đặc biệt là tiểu điền, đang phải đối mặt.
Bà Rukaiyah Rafik, Tổng Thư ký Yayasan Fortasbi Indonesia – nền tảng được một số tổ chức phi chính phủ và hộ nông dân độc lập Indonesia thành lập nhằm mở rộng phạm vi sản xuất dầu cọ bền vững và là thành viên của Hội nghị bàn tròn về dầu cọ bền vững (RSPO) – cho biết EUDR yêu cầu đảm bảo tuân thủ luật pháp và truy xuất nguồn gốc, điều này đã thúc đẩy chính quyền Indonesia quan tâm hơn đến các chương trình hỗ trợ tiểu điền đáp ứng các nội dung trên. Tuy nhiên, nhiều tiểu điền chưa tiếp cận hay có hiểu biết rõ ràng về tầm quan trọng của truy xuất nguồn gốc, vì vậy chưa hoàn toàn phối hợp trong các hoạt động thu thập thông tin. Ngoài ra, khi có quá nhiều chương trình và hệ thống thu thập thông tin được triển khai, sẽ dẫn đến việc trùng lặp giữa các cơ sở dữ liệu.
Theo bà Ani Setiyoningrum, Giám đốc Thu mua bền vững tại Indonesia của Tập đoàn Ca cao MARS, từ những năm 2010, các DN ca cao đã triển khai các sáng kiến bền vững và tác động tích cực đến chuỗi cung ứng. Các chương trình trên đã thu hút lượng lớn tiểu điền tham gia và hiện 70 – 80% sản lượng ca cao của Indonesia đã đáp ứng các yêu cầu về sản xuất bền vững. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển chuỗi cung, bên cạnh các hoạt động thích ứng với các quy định mới, cần chú trọng tới các mắt xích dễ bị tổn thương, như những tiểu điền không tham gia các chương trình phát triển bền vững – đối tượng có khả năng cao không thể tiếp cận với các thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe.
Bà Karmila Parakkasi, Trưởng Bộ phận Bền vững của Royal Lestari Utama (RLU) – một liên doanh hoạt động trong ngành cao su thiên nhiên (CSTN) được tập đoàn Michelin tham gia đầu tư tại Indonesia – cho biết 80% nguyên liệu cho các vườn cây và xưởng chế biến của công ty đến từ các hộ tiểu điền. Trước khi EUDR được ban hành, cao su tiểu điền tại Indonesia đã đối mặt với nhiều thách thức như năng suất thấp, giá cả không ổn định, chuỗi cung ứng phức tạp với nhiều khâu trung gian và hạn chế trong việc tiếp cận các phương pháp canh tác hiệu quả. Việc xác minh tính hợp pháp của đất đai cũng gặp khó khăn do chồng chéo với đất rừng do Nhà nước quản lý. Để khắc phục và thích ứng với EUDR, từ năm 2023, RLU đã tăng cường kết nối với tiểu điền bằng cách lập bản đồ chuỗi cung ứng tại một số vườn cây nhỏ ở đảo Kalimantan, hiện đã lập bản đồ cho khoảng 30.000 lô đất của 15.000 nông dân bản địa.
Các diễn giả cũng lưu ý do nhiều diện tích tiểu điền ở vùng sâu vùng xa nên mạng lưới điện, internet chưa thể tiếp cận hết và là một thách thức trong việc thu thập thông tin. Tuy nhiên, khoa học công nghệ được đánh giá là yếu tố quan trọng hỗ trợ lập bản đồ các vườn cây, giám sát rừng, thu thập lượng thông tin ngày càng nhiều và chi tiết theo yêu cầu của các nước nhập khẩu. Cần lưu ý công nghệ không thể thay thế hoàn toàn yếu tố con người. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao nhận thức và vận động chia sẻ thông tin, cần hỗ trợ tiểu điền tiếp cận công nghệ, đảm bảo lợi ích cho tiểu điền (ví dụ, sau khi khảo sát và thu thập thông tin về diện tích, giống, tuổi cây, … đơn vị chia sẻ khuyến nghị về phương pháp chăm sóc phù hợp, tăng năng suất cho tiểu điền) nhằm tiếp tục tiếp cận và thu hút mắt xích này tham gia các hoạt động nâng cao tính minh bạch của chuỗi cung ứng.
Văn phòng HHCSVN tổng hợp (Thanh Ngân, Hương Giang)