Ngày 02/12/2024, cuộc họp Hội đồng Thẩm định (HĐTĐ) Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” (NHCN) lần 2 năm 2024 đã được tổ chức. Cuộc họp có sự tham dự của 07/11 thành viên HĐTĐ, 09/12 thành viên Tổ Chuyên gia đánh giá cao su thiên nhiên (Tổ Chuyên gia) cùng Tổ Thư ký Nhãn hiệu chứng nhận (Tổ Thư ký).
Quang cảnh buổi họp
Tại cuộc họp, ông Huỳnh Tấn Siêu – Ủy viên HĐTĐ, Tổ phó Tổ Chuyên gia – báo cáo Tổng kết công tác NHCN năm 2024. Một số công tác trọng tâm gồm: (i) Điều chỉnh tỷ lệ và cơ cấu điểm để phù hợp với mục tiêu đánh giá chất lượng sản phẩm; (ii) Ban hành Bộ tiêu chí (sửa đổi lần 1) hướng dẫn cách thức đánh giá theo hướng rút gọn NHCN; (iii) Ban hành Quy trình (sửa đổi lần 3) thẩm định quyền sử dụng NHCN; (iv) Xây dựng phiếu khảo sát khách hàng sử dụng sản phẩm được cấp quyền sử dụng NHCN. Phần lớn các đơn vị đáp ứng các tiêu chí đánh giá và có những ý kiến tích cực về quy trình thẩm định là cơ sở để đơn vị cải tiến, nâng cao chất lượng các sản phẩm đã đăng ký. Hầu hết các đơn vị cũng đã có sự cải thiện, khắc phục các khuyến nghị trong năm 2023. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế do chưa bám sát yêu cầu của Bộ tiêu chí trong khi khắc phục, cải tiến và một số đơn vị không sản xuất sản phẩm đăng ký trong năm 2024 do thiếu nguyên liệu hoặc không có đơn hàng.
Trong thời gian tới, Tổ Chuyên gia đề xuất phối hợp với Tổ Thư ký thực hiện các công tác: Điều chỉnh mẫu đăng ký thông tin về sản phẩm và mẫu giấy chứng nhận để ghi nhận cụ thể, chính xác hơn lượng sản phẩm đơn vị đăng ký NHCN nhằm kiểm soát quá trình sử dụng; Rà soát và bổ sung Bộ tiêu chí đánh giá theo hướng rút gọn, Quy trình, Quy chế để áp dụng phương pháp giảm mẫu, giảm tải các khâu đánh giá. Đồng thời, Tổ Chuyên gia cũng đề xuất nghiên cứu, trao đổi với các tổ chức chứng nhận về việc xem xét liên kết Giấy chứng nhận quyền sử dụng NHCN là một tiêu chí cứng để làm cơ sở xem xét đánh giá ưu tiên trong quy trình đánh giá của các tổ chức chứng nhận và ngược lại.
Một sốý kiến đóng góp vàđề xuất được HĐTĐ xem xét và đồng thuận cao như: Rà soát tiêu chí, nội dung chấm điểm nhằm tiếp tục khuyến khích các đơn vị xuất khẩu vào các thị trường NHCN đã được bảo hộ cũng như các thị trường trọng điểm khác; Nghiên cứu, rà soát, cập nhật Bộ tiêu chí, Quy trình, Quy chế, đặc biệt đối với tiêu chí quản lý và kiểm tra việc thực hiện khắc phục tồn tại trong quá trình đánh giá của các đơn vị để ngày càng nâng cao chất lượng; Chấp nhận kết quả đánh giá của các chứng chỉ/hệ thống khác để giảm tải một phần hoặc toàn bộ nội dung đánh giá, từ đó giảm tải áp lực cho các đơn vị khi phải thực hiện nhiều đợt đánh giá trong năm; Thu thập phản ánh của đơn vị tiêu thụ để tăng cường công tác đánh giá chất lượng, uy tín sản phẩm được cấp quyền sử dụng NHCN.
Ông Lê Thanh Hưng – Chủ tịch VRA, Chủ tịch HĐTĐ thống nhất chủ trương và giao Tổ Chuyên gia có báo cáo đề xuất cụ thể trình HĐTĐ xem xét về việc (i) Rà soát, điều chỉnh Bộ tiêu chí đánh giá, Quy trình, Quy chế (trong đó có mẫu đăng ký thông tin về sản phẩm, giấy chứng nhận bao gồm thông tin cụ thể về số lượng đăng ký, hướng xử lý và yêu cầu khắc phục đối với các tồn tại trong quá trình đánh giá) để phù hợp với công tác thẩm định trong thực tế hiện nay; (ii) Tham mưu, đề xuất bằng văn bản các đơn vị, tổ chức có uy tín để xem xét liên kết Giấy chứng nhận quyền sử sung NHCN là một tiêu chí cứng để xem xét đánh giá ưu tiên trong quy trình đánh giá của các đơn vị, tổ chức chứng nhận và ngược lại.
Những thành quả đạt được trong năm 2024
22 DN đạt NHCN “Cao su Việt Nam” năm 2024
Năm 2024, VRA đã gia hạn cho 23 sản phẩm thuộc 12 nhà máy của 9 doanh nghiệp (DN); giám sát định kỳ cho 70 sản phẩm, 29 nhà máy thuộc 18 DN. Ngoài ra, VRA cũng đã thẩm định mới và cấp quyền sử dụng NHCN cho 7 sản phẩm của 2 nhà máy thuộc 2 DN, trong đó có một doanh nghiệp mới thuộc khu vực tư nhân tại Bình Dương và một doanh nghiệp đã đạt Nhãn hiệu trước đó có nhu cầu đăng ký thêm sản phẩm mới. Số lượng các sản phẩm đăng ký tham gia Nhãn hiệu có sự tăng trưởng qua các năm, đặc biệt mở rộng thêm ở các khu vực tư nhân cho thấy hiệu quả và chất lượng mà Nhãn hiệu mang lại cho hoạt động kinh doanh của DN. Tính đến tháng 12/2024, 100 sản phẩm của 34 nhà máy thuộc 22 DN đã được VRA cấp quyền sử dụng NHCN.
Năm 2024 là năm thứ hai VRA tiếp tục thực hiện rút gọn quy trình thẩm định, mục tiêu lấy chất lượng làm gốc, nhưng đồng thời cũng linh hoạt trong việc tinh gọn, cắt giảm những khâu phù hợp. VRA đã phối hợp với Tổ Chuyên gia triển khai quyết liệt, nhịp nhàng để tháo gỡ rào cản gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Các nội dung đánh giá được DN chuẩn bị nghiêm túc và triển khai bài bản, chất lượng và hiệu quả. Phần lớn các DN đều đáp ứng các tiêu chí đánh giá và có những khắc phục đáng kểtừ góp ý của Tổ Chuyên gia trong những lần đánh giá trước.
Năm 2024, VRA đã liên tục cập nhật các tiêu chí đánh giá của NHCN lên website cũng như gửi email trao đổi/hỗ trợ từng DN nếu có phát sinh vướng mắc. Bên cạnh việc nỗ lực thực hiện quảng bá về NHCN cũng nhưđảm bảo quyền lợi cho các DN được cấp quyền sử dụng NHCN trên các ấn phẩm định kỳ, VRA còn thiết kếấn phẩm quảng cáo; duy trì cập nhật, giới thiệu thông tin; ưu tiên kết nối giao thương cho các DN đã đạt NHCN tại các sự kiện lớn của VRA như Hội nghị quốc tế ngành Cao su Việt Nam, các đoàn Xúc tiến thương mại tại nước ngoài. Ngoài ra, trong quá trình diễn ra đánh giá, VRA luôn cố gắng kết nối với DN và Tổ Chuyên gia để đảm bảo công tác trước, trong và sau khi thẩm định phù hợp với dây chuyền sản xuất thực tế của DN, đáp ứng thời lượng và hiệu quả công việc của cả hai bên.
Nhằm duy trì và mở rộng quy mô NHCN, VRA sẽ tiếp tục nỗ lực giải quyết những vướng mắc còn tồn đọng và tìm kiếm những giải pháp quảng bá hiệu quả hơn, cũng như kiến nghị chính sách hỗ trợđến với các cơ quan Bộ, ngành có liên quan nhằm tạo động lực và giá trị tốt hơn trong công cuộc xây dựng Nhãn hiệu nói riêng và Thương hiệu quốc gia nói chung. Đồng thời, VRA cũng khuyến khích các Hội viên, DN đặc biệt là khối DN tư nhân tích cực tham gia đăng ký sử dụng NHCN với mục tiêu chung là cùng nhau hỗ trợ xây dựng Thương hiệu ngành Cao su Việt Nam phù hợp với các tiêu chí về chất lượng, uy tín về thương mại, trách nhiệm xã hội và môi trường, góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường đang dần có sự chuyển mình sang hướng phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Văn phòng HHCSVN (Thanh Ngân và Hương Giang)