Ông Võ Hoàng An- Tổng Thư ký Hiệp hội đã báo cáo Sơ kết hoạt động 9 tháng đầu năm 2024 và triển khai thực hiện kế hoạch 3 tháng cuối năm 2024 của Hiệp hội. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Hiệp hội đã duy trì thực hiện tốt các công tác thường xuyên và định kỳ. Hiệp hội đã thay đổi địa chỉ trụ sở làm việc và tổ chức thành công các sự kiện lớn như phối hợp với Forest Trends tổ chức Hội thảo: “Chuỗi cung ngành cao su Việt Nam: Chuẩn bị để đáp ứng quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR)” và tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại thị trường Úc và New Zealand. Ngoài ra, công tác kiến nghị chính sách được Hiệp hội đặt làm nhiệm vụ trọng tâm nhằm tháo gỡ các khó khăn mà hiện nay doanh nghiệp và ngành cao su đang gặp vướng mắc đối với các lĩnh vực: tài chính, đất đai, thuế sản phẩm gỗ cao su, logistic, môi trường.
Về hoạt động Phát triển bền vững ngành cao su, Hiệp hội đã xây dựng Chương trình hành động hỗ trợ Hội viên đáp ứng EUDR trong khuôn khổ Khung Kế hoạch hành động thích ứng với EUDR của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Theo đó, Hiệp hội đã gửi văn bản số 143/HHCS về việc khảo sát mức độ sẵn sàng đáp ứng EUDR. Kết quả khảo sát cho thấy vẫn còn một số doanh nghiệp chưa biết thông tin về EUDR và có ít doanh nghiệp khởi động bắt đầu chuẩn bị EUDR. Hiệp hội sẽ tiếp tục đề xuất Bộ Nông nghiệp ban hành tài liệu kỹ thuật hướng dẫn cho ngành cao su. Đồng thời, đề nghị Nhà nước nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao năng lực tiểu điền trong việc thích ứng với EUDR, đặc biệt là về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc.
Quang cảnh Hội thảo: “Chuỗi cung ngành cao suViệt Nam: Chuẩn bị
để đáp ứng quy định chốngphá rừng Châu Âu (EUDR)”
do Hiệp hội phối hợp với Forest Trends tổ chức
Về trọng tâm thực hiện nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024, Hiệp hội sẽ tập trung thực hiện tổ chức Hội nghị quốc tế ngành cao su tại Việt Nam kết hợp Họp mặt Doanh nhân Cao su Việt Nam 2024 vào tháng 12/2024và Lễ tôn vinh các Hội viên. Hiệp hội sẽ phối hợp với Forest Trends thực hiện các hoạt động phát triển bền vững ngành cao su Việt Nam bao gồm: (i) Thí điểm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu cao su sang EU đáp ứng EUDR và chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp khác; (ii) Hợp tác với Hiệp hội Cao su Campuchia và Lào nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư bền vững, chia sẻ thông tin pháp lý và chuỗi cung ứng; (iii) Phối hợp với ngành cao su Trung Quốc, chia sẻ thông tin về chuỗi cung ứng và thương mại nhằm tăng cường liên kết bền vững giữa hai nước.
Bà Nguyễn Thị Kiều Nương - Giám đốc Quỹ BHXKCS đã trình bày báo cáo hoạt động năm 2023, 9 tháng đầu năm 2024 và kế hoạch tài chính năm 2024 của Quỹ BHXKCS. Theo đó, Quỹ đã thực hiện các hoạt động hỗ trợ tài chính định kỳ hàng năm theo kế hoạch tài chính năm 2024. Ngoài ra, Quỹ đang thực hiện khoản hỗ trợ không định kỳ, hướng dẫn các Đơn vị lập hồ sơ đề nghị được hỗ trợ một phần chi phí khắc phục thiệt hại theo quy định. Từ năm 2024, Quỹ cũng hỗ trợ tài chính cho Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam thực hiện công tác nghiên cứu phát triển giống cây cao su. Trong 3 tháng cuối năm 2024, Quỹ tiếp tục thực hiện công tác hỗ trợ các đơn vị theo quy định, thực hiện công tác quản lý tài chính thường xuyên.
Các đại biểu tham dự họp đã tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến về tình hình và kế hoạch hoạt động của Hiệp hội và Quỹ BHXKCS. Trong đó, chương trình phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh, tín chỉ các-bon và việc thực hiện đáp ứng EUDR được đặc biệt quan tâm. Theo chia sẻ của các đại biểu tham dự, các thị trường khác như Trung Quốc, Nhật Bản cũng đã quan tâm đến hàng hóa đáp ứng quy định này. Vì vậy, các đơn vị vừa đạt các chứng chỉ bền vững (PEFC, FSC) vừa có khả năng đáp ứng EUDR sẽ có khả năng thu được nhiều lợi ích hơn trong tương lai. Bên cạnh đó, khách hàng quốc tế cũng quan tâm đến tình trạng đáp ứng EUDR của tiểu điền – đây là nội dung còn nhiều thách thức nhưng nếu thực hiện thành công có thể khẳng định năng lực của doanh nghiệp nói riêng và ngành cao su Việt Nam nói chung. Cần lưu ý, doanh nghiệp không xuất khẩu trực tiếp qua châu Âu cũng có thể là bên cung cấp nguyên liệu, hàng hóa cho khách hàng xuất sang châu Âu, vì vậy, việc thích ứng với quy định là bắt buộc để không bị loại trừ khỏi chuỗi cung ứng. Trong tương lai, khi xu hướng phòng vệ thương mại gia tăng, việc nhanh nhạy thích ứng với những quy định, diễn biến mới là cần thiết để thích nghi với thị trường thay đổi liên tục.
Một số ý kiến đề xuất Hiệp hội tiếp tục kiến nghị Bộ, ngành thực hiện các hoạt động hỗ trợ, doanh nghiệp, ngành hàng; đẩy mạnh sự phối hợp của tất cả các bên trong ngành để đảm bảo các hoạt động được triển khai hiệu quả. Ngoài ra, đại biểu còn đề xuất Hiệp hội kết nối với Bộ Công Thương, đặc biệt là Cục Xúc tiến thương mại tạo điều kiện cho Hội viên, doanh nghiệp ngành sản phẩm cao su tham gia các chương trình về hội chợ, triển lãm, quảng bá sản phẩm.
Ngoài ra, cuộc họp cũng kiện toàn các chức danh quan trọng của Hiệp hội nhiệm kỳ VI (2023 - 2028). Cụ thể là, ông Lê Thanh Hưng – Tổng Giám đốc (TGĐ) Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) được bầu làm Chủ tịch, ông Trương Minh Trung – Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội, Phó TGĐ VRG được bầu làm Phó Chủ tịch và ông Huỳnh Văn Bảo – Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội được bầu tham gia Ban Thường vụ Hiệp hội và giữ chức vụ Phó Chủ tịch. Nhân sự Ban kiểm tra Hiệp hội cũng có sự thay đổi. Theo đó, Nguyễn Ngọc Thịnh – Trưởng Ban Kế hoạch đầu tư VRG sẽ thay ông Phạm Văn Hỏi Em – Trưởng Ban Kiểm soát VRG giữ chức danh Trưởng Ban Kiểm tra Hiệp hội và ông Nguyễn Thái Bình – Phó TGĐ Cao su Bà Rịa được bầu làm thành viên Ban Kiểm tra. Về nhân sự tại Hội đồng quản lý Quỹ BHXKCS, ông Lê Thanh Hưng – Chủ tịch Hiệp hội được bầu làm Chủ tịch Hội đồng. Ông Trương Minh Trung – Phó Chủ tịch Hiệp hội được bầu làm thành viên Hội đồng.
Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam
ra mắt tại cuộc họp
Kết luận cuộc họp, ông Lê Thanh Hưng – Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ BHXKCS khẳng định Ban Chấp hành Hiệp hội sẽ cùng đoàn kết và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, cùng với Văn phòng Hiệp hội thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024 và Nhiệm kỳ VI (2023 – 2028). Trọng tâm 3 tháng cuối năm 2024, Hiệp hội tiếp tục thực hiện thu thập thông tin các vướng mắc của Hội viên và gửi kiến nghị chính sách đến các cơ quan chủ quan, góp thêm tiếng nói hỗ trợ khó khăn cho Hội viên về nhiều lĩnh vực. Hiệp hội sẽ tăng cường các công tác phát triển bền vững, trong đó trọng tâm là hoạt động hỗ trợ Hội viên đáp ứng EUDR. Ngoài ra, đảm bảo tổ chức thành công sự kiện quan trọng nhất trong năm của Hiệp hội là Hội nghị quốc tế ngành cao su kết hợp Họp mặt Doanh nhân Cao su Việt Nam năm 2024 và Lễ tôn vinh Hội viên.
Văn phòng HHCSVN (Hương Giang)