Tin tức >> Tin cao su trong nước

Ngành cao su nỗ lực vượt khó

22/04/2016

 Giá mủ cao su liên tục giảm trong 3 năm trở lại đây. Giá bán giảm, nguyên liệu tồn kho nhiều đã ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của người lao động.


 Ðể tìm lối ra bền vững hơn, hàng loạt các giải pháp đã được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai mạnh mẽ trong năm 2016.

Thắt lưng, buộc bụng
Năm 2015, trước tình trạng giá bán mủ giảm sâu, lượng mủ cao su tồn kho nhiều, VRG đề ra chủ trương yêu cầu tất cả các đơn vị thành viên cắt giảm 30% chi phí đầu tư (từ 102 triệu đồng xuống còn 70 triệu đồng/ha). Việc cắt giảm chi phí được thực hiện ở các khâu: nhân công, phân bón, thuốc trừ sâu; chi phí quản lý chung và cả các chi phí đầu tư khác.
Ðể đảm bảo cây cao su vẫn có thể sinh trưởng và phát triển tốt, song song với việc cắt giảm chi phí đầu tư, hình thức xen canh cây công nghiệp ngắn ngày trên đất cao su được lãnh đạo Tập đoàn xác định là hướng đi mới trong bối cảnh giá bán ngày càng thấp. Tính đến nay, trên cả nước đã có hàng chục ngàn ha cao su đang được trồng xen canh các loại cây như mía, đậu phộng, bắp, mì, nghệ, thậm chí cả cà phê, keo… Bước đầu, mô hình xen canh trên đất cao su đem lại hiệu quả tích cực, cây cao su sinh trưởng và phát triển bình thường, hiệu quả sử dụng đất được nâng cao, đáp ứng được chủ trương giảm suất đầu tư.
Ðơn cử như tại Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Ðồng Nai, năm 2015 trồng xen được 2.200 ha, trong đó Công ty mía đường Biên Hòa – Trị An thuê gần 1.800 ha trồng mía, Công ty Sentic thuê hơn 46 ha trồng khoai lang, hơn 350 ha còn lại do công nhân ở các nông trường cao su thuê trồng xen canh nghệ, đậu, bắp, mì… với mức thuê hơn 2,4 triệu đồng/ha/năm. Theo tính toán của Tổng công ty, so với việc trồng thảm phủ lâu nay, việc trồng xen canh trên đất cao su giúp tiết giảm suất đầu tư khoảng 10,8 triệu đồng/ha.
Năm 2016, thực hiện chủ trương của VRG tiếp tục giảm thêm suất đầu tư so với năm 2015, Tổng công ty Cao su Ðồng Nai đưa ra giải pháp tự cứu mình như: tăng cường sử dụng cơ giới hóa và hóa học hóa thay cho lao động thủ công; giảm định mức lao động còn 130,5 công/ha, so với 166 công của suất đầu tư năm 2015, tức giảm 21%, tương đương hơn 5 triệu đồng/ha; giao phần dọn đất cho nhà thầu cưa cắt cao su, giảm được 600.000 đồng/ha; chia phần cày bừa cho bên nhận xen canh cùng chia sẻ, bình quân 50% chi phí; giảm phân bón vườn cây kiến thiết cơ bản từ năm thứ 4 xuống còn gần 2 triệu đồng/ha…
Theo ông Trần Ngọc Thuận – Tổng Giám đốc VRG, chủ trương tiết giảm suất đầu tư mà VRG đưa ra là đúng đắn, phù hợp với giá bán mủ cao su và thực tiễn ngành cao su hiện nay. Năm 2016, VRG chủ trương tiếp tục tiết giảm suất đầu tư khoảng 20 – 30% so với năm 2015. “Việc tiếp tục cắt giảm suất đầu tư là rất khó cho các đơn vị, nhưng trong bối cảnh giá cao su chưa có dấu hiệu phục hồi, để ổn định sản xuất và kinh doanh có lời thì tiết giảm suất đầu tư là yêu cầu bắt buộc”, Tổng Giám đốc VRG nói. Cũng theo ông Thuận, trên cơ sở mức giảm mà VRG đề ra, các đơn vị phải triệt để thực hiện theo hướng chủ động, linh hoạt để cây cao su phát triển với chi phí hợp lý. VRG giao quyền tự chủ dự toán đầu tư cho các đơn vị trực thuộc, cân đối theo từng năm, tùy theo đặc thù của từng đơn vị, nhưng việc tự chủ phải theo quy định của VRG, trừ một số địa phương đặc thù như miền núi phía Bắc, Lào, Campuchia.
Cùng với cắt giảm chi phí đầu tư, đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Hiệp hội Cao su Việt Nam xin miễn tiền thuế sử dụng đất đối với diện tích cao su trồng mới trong 5 năm (2015 – 2020). Ðây được xem là sự hỗ trợ kịp thời giúp ngành cao su sớm vượt qua thời kỳ khó khăn.
Tăng chế biến sâu, giảm xuất khẩu thô
Theo lãnh đạo VRG, bên cạnh những giải pháp như giảm suất đầu tư, xin miễn thuế đất trồng mới, các đơn vị thành viên cần chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ; nâng cao chất lượng sản phẩm và chuyển đổi cơ cấu chủng loại theo nhu cầu của thị trường; đẩy mạnh tiêu thụ mủ cao su trong nước, giảm xuất khẩu mủ thô.
Nhà máy chế biến chỉ sợi cao su SADO được coi là một trong những dự án tiêu biểu cho định hướng mới này. Cuối tháng 3/2016, Công ty CP Chỉ sợi cao su VRG SA DO (liên doanh giữa Tổng công ty Cao su Ðồng Nai, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn và Công ty CP Cao su Bến Thành) đã chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến chỉ sợi cao su tại Khu công nghiệp Dầu Giây (xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất). Với công suất tiêu thụ trên 8.000 tấn mủ latex mỗi năm, nhà máy chỉ sợi này được hy vọng góp phần quan trọng giải quyết nguồn nguyên liệu cao su trong nước; sản phẩm làm ra không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường chỉ sợi cao su trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu.
Giai đoạn 1 dự án có tổng vốn đầu tư trên 637 tỷ đồng với tổng công suất 5.962 tấn sản phẩm/năm tương đương 8.100 tấn mủ, giai đoạn 2 sẽ nâng công suất tiêu thụ lên 10.000 tấn sản phẩm/năm.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Văn Thọ – Tổng Giám đốc Công ty CP Chỉ sợi cao su VRG SADO – cho biết, mục tiêu của dự án nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm cao su thô, thông qua đầu tư công nghiệp chế biến sâu để tăng kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra còn giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực cho ngành khai thác mủ cao su khi giá thị trường thế giới giảm mạnh, góp phần giải quyết bài toán nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày phát triển bền vững, gia tăng sức cạnh tranh sản phẩm từ cao su của Việt Nam trên thương trường quốc tế.
Tuy mới đi vào hoạt động nhưng Công ty đã ký nhiều hợp đồng dài hạn đến năm 2020. Cụ thể, Công ty ký hợp đồng cung cấp chỉ sợi cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam và 4 công ty dệt trong nước với gần 1.500 tấn sản phẩm/năm. Công ty cũng ký hợp đồng với các đối tác nước ngoài như Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Tunisia, Angeria, Maroc, Mexico, Hồng Kông, Hàn Quốc. Trong đó hợp đồng dài hạn với Công ty Equipment & Products – International Trading & Consulting của Ý trong năm 2015 là 1.500 tấn, năm 2016 là 3.000 tấn, năm 2017 là 4.500 tấn, năm 2018 là 6.000 tấn sản phẩm/năm.
Hoàng Lộc, nguồn: http://laodongdongnai.vn/Kinh-te/Doanh-nghiep/2FB61F/nganh-cao-su-no-luc-vuot-kho.aspx, ngày 22/4/2016 (Thanh Danh trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>