Theo thống kê của Công ty chứng khoán Đông Nam Á, trên thị trường niêm yết có 6 doanh nghiệp cao su thiên nhiên tập trung chủ yếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE). Trong đó có 3 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất, đạt trên dưới 1.000 tỷ đồng, gồm Công ty CP Cao su Đồng Phú (DPR) với vốn điều lệ 1.388,3 tỷ đồng, Công ty CP Cao su Phước Hòa (PHR) vốn điều lệ 1.248 tỷ đồng và Công ty CP Cao su Hòa Bình (HRC) vốn điều lệ 942,4 tỷ đồng.
Năm 2015, 3 doanh nghiệp này gặp khó khăn khi giá cao su tự nhiên giảm mạnh, khiến doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm so với năm 2014. Tuy nhiên, do đặt kế hoạch kinh doanh ở mức thấp nên các doanh nghiệp đều vượt kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, các hoạt động khác như thanh lý vườn cây cao su, lợi nhuận từ các công ty liên kết cũng đóng góp một phần lớn lợi nhuận cho 3 doanh nghiệp này.
Đơn cử là trường hợp DPR với doanh thu thuần năm 2015 đạt 853,7 tỷ đồng (giảm 7,6% so với năm 2014), lợi nhuận gộp biên ở mức 23,6% do giá mủ cao su giảm mạnh. Mặc dù lợi nhuận sụt giảm nhưng DPR vẫn vượt kế hoạch năm nhờ thanh lý vườn cây cao su. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đạt 192,5 tỷ đồng (giảm 24,9%, đạt 140% kế hoạch năm). Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2015 đạt 3.635 đồng/cổ phiếu (CP) (giảm 29%). Tương tự, nhờ thanh lý vườn cao su nên HRC lãi trước thuế đạt 38,8 tỷ đồng (giảm 46,1% và đạt 117,6% kế hoạch năm). EPS năm 2015 đạt 1.455 đồng/CP (giảm 44,4%). Đáng chú ý là trường hợp PHR. Nhờ thanh lý vườn cao su và lãi từ công ty liên kết nên PHR cũng vượt kế hoạch năm dù lợi nhuận sụt giảm mạnh. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của PHR đạt 261,4 tỷ đồng (giảm 23,9% và đạt 180,9% kế hoạch năm). EPS năm 2015 đạt 2.697 đồng/CP (giảm 19,8%).
Theo thống kê, sản lượng cao su của Việt Nam năm 2015 đạt khoảng 1 triệu tấn, xếp thứ 3 toàn cầu. Xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 1,138 triệu tấn, tăng nhẹ khoảng 6,7% về lượng, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,53 tỷ USD, giảm khoảng 13,9% về giá trị so với năm 2014. Theo nhận định của các chuyên gia, lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam tăng chủ yếu nhờ sự phục hồi của thị trường Trung Quốc.
Về viễn cảnh của giá cao su thiên nhiên, theo nhận định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), giá cao su chạm đáy vào quý IV/2015 trước khi phục hồi trở lại kể từ năm 2016. Trong khi đó, Ngân hàng thế giới (WB) dự báo giá cao su sẽ phục hồi từ nay đến năm 2020. Cụ thể, theo dự báo mới nhất của WB vào tháng 01/2016, giá cao su RSS 3 sẽ đạt 1,4 USD/kg trong năm 2016 và đến năm 2020 đạt 1,75 USD/kg.
Những tín hiệu về sự hồi phục của giá cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới đã ít nhiều tác động đến giá thanh khoản của doanh nghiệp cao su đang niêm yết. Mặc dù giá CP vẫn chưa thay đổi nhiều so với thời điểm đầu năm 2016 nhưng theo nhận định của các chuyên gia, khả năng bật tăng của nhóm CP cao su rất lớn khi giá cao su trên thị trường thế giới bắt đầu bước vào chu kỳ hồi phục sau thời gian sụt giảm.