Tin tức

Tái cơ cấu nông nghiệp Đắk Nông: Tập trung cây trồng thế mạnh

03/03/2016

 Theo ông Hồ Gấm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông – hiện nay cơ cấu nông nghiệp của Đắk Nông cơ bản vẫn tập trung vào những loại cây chủ lực có lợi thế là ngô, hồ tiêu, cà phê, cao su…


 Định hình cây chủ lực

Với lợi thế về đất đai, Đắk Nông có đến trên 535.000 ha đất đỏ vàng, chiếm 82,14% diện tích tự nhiên, trong đó nhóm đất nâu đỏ trên đá mácma có 315.000 ha, chiếm 48,46% diện tích tự nhiên, phù hợp cho sự phát triển của các cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, cao su… Đây là các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, đóng góp lớn cho tỷ trọng ngành nông nghiệp của tỉnh.
Trong những năm gần đây, diện tích cà phê không ngừng tăng lên, ngay cả những nơi không đủ điều kiện như thiếu nước tưới, đất có độ dốc lớn, đất bạc màu, tầng canh tác mỏng... Cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh đã và đang mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân. Với diện tích 117.000 ha, sản lượng khoảng gần 290.000 tấn/năm, cây cà phê chiếm đến trên 50% giá trị sản xuất nông lâm thủy sản của Đắk Nông.
Bên cạnh đó, cây hồ tiêu cũng được hàng ngàn hộ nông dân trong tỉnh ra sức phát triển. Đến tháng 02/2016 diện tích hồ tiêu của tỉnh đã đạt 17.188 ha, tăng 4.098 ha so với cùng kỳ năm 2015. Vùng sản xuất tiêu chủ yếu tập trung ở huyện Đắk Song 4.587 ha, chiếm 31% và Đắk R’Lấp 3.311 ha, chiếm 24% diện tích. Ngoài việc trồng tiêu thuần là chủ yếu, người trồng tiêu ở Đắk Nông còn có tập quán xen tiêu với các loại cây trồng khác như cà phê, cây ăn quả… để tận dụng che bóng và tăng thu nhập.
Tiếp đến là cây cao su, đến năm 2015, diện tích cao su trên địa bàn tỉnh khoảng 32.000 ha, sản lượng 22.000 tấn sẽ là đóng góp không nhỏ cho GDP của tỉnh.
Trong nhóm cây công nghiệp ngắn ngày, ngô là cây chủ lực do chi phí thấp, hiệu quả kinh tế cao, nhu cầu nước tưới ít. Những năm qua, do thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển những diện tích lúa nước bấp bênh sang trồng ngô nên diện tích và sản lượng ngô liên tục tăng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản lượng lương thực của tỉnh.
Với thế mạnh của các loại cây trồng phổ biến của tỉnh, trong thời gian tới, Đắk Nông sẽ xây dựng ngành nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, có khả năng cạnh tranh dựa trên nền tảng công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chuyển đổi để tăng giá trị
Hiện nay, lĩnh vực trồng trọt chiếm giá trị rất lớn trong toàn ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông. Tuy vậy, tăng trưởng của ngành còn thiếu ổn định, mấy năm gần đây có xu hướng chậm lại. Theo Sở NN&PTNT Đắk Nông, những năm qua giá trị sản xuất của lĩnh vực trồng trọt so với toàn ngành nông nghiệp của tỉnh đã giảm từ 92,95% (2011) xuống chỉ còn 88,48% (2015). Chính vì tăng trưởng của khối trồng trọt chậm lại đã làm giảm tăng trưởng chung. Giá trị sản xuất khối nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 51,02% năm 2015, so với 57,81% năm 2011.
Trước thực tế này, Sở NN&PTNT đã phê duyệt kế hoạch “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh” theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững để phát huy hết tiềm năng của lĩnh vực này. Với mục tiêu thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, sản xuất các sản phẩm chủ lực quy mô lớn, tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thay đổi căn bản từ khâu giống, sử dụng giống chất lượng cao, đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.
Việc tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt phải được thực hiện mạnh mẽ trên nhóm cây công nghiệp dài ngày và sản phẩm chủ lực là cà phê, hồ tiêu, cao su và điều. Theo đó, nông dân và doanh nghiệp giữ vai trò trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn...
Theo ông Hồ Gấm, để thực hiện đạt hiệu quả, trước hết ngành nông nghiệp tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp như tổ chức quy hoạch chi tiết phát triển nhóm cây trồng chủ lực và quy hoạch chi tiết nông nghiệp cho 8 huyện, thị xã trong tỉnh.
Ngành cũng sẽ kiện toàn, bổ sung và tăng cường năng lực tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về trồng trọt, tổ chức kiện toàn chức năng nhiệm vụ của Chi cục Bảo vệ thực vật về lĩnh vực trồng trọt. Triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành liên quan đến khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân, tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tham gia đầu tư lĩnh vực nông nghiệp.
Ngoài ra, việc ban hành chính sách hỗ trợ người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái canh cà phê, khuyến khích doanh nghiệp liên kết trong sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, 4C, UTZ… trên một số cây trồng chủ lực của tỉnh cũng cần được quan tâm hơn. Đặc biệt là công tác kiểm tra chất lượng giống, chú ý đối với giống cây công nghiệp dài ngày và cây ăn trái phải đảm bảo nguồn gốc, chất lượng.
Thanh Sa, nguồn: http://nongnghiep.vn/tap-trung-cay-trong-the-manh-post157741.html, ngày 02/3/2016 (Thanh Danh trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>