Tin tức

Cao su Tây Ninh tiết giảm 31% suất đầu tư nông nghiệp

03/03/2016

 Để có vườn cây sinh trưởng đồng đều, ổn định ngay từ năm trồng đầu tiên trong điều kiện tiết giảm chi phí đầu tư theo chủ trương của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Công ty CP Cao su Tây Ninh đã tìm ra giải pháp. 


 Năm 2015, suất đầu tư cho cả chu kỳ trồng và chăm sóc cao su kiến thiết cơ bản xuống còn dưới 70 triệu đồng/ha, giảm hơn 30,7 triệu đồng so năm 2014, tương đương 31%.

Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thực hiện chủ trương tiết giảm chi phí suất đầu tư nông nghiệp, ông Hồ Thiện Nhơn – Giám đốc Nông trường (NT) Cầu Khởi – chia sẻ bằng cách áp dụng cơ giới hóa, cho trồng xen tăng hiệu quả sử dụng đất đồng thời giảm chi phí đầu tư, kết hợp khoanh bồn, tủ gốc, cày tấp gốc giữ ẩm… đã mang lại hiệu quả.
“Chúng tôi chuẩn bị cây giống có tầng lá chất lượng và khỏe mạnh; cơ cấu giống phù hợp với thổ nhưỡng và thời tiết của đơn vị; thực hiện đào, lấp hố bằng cơ giới, giảm chi phí công lao động; sử dụng cơ giới hóa trong vận chuyển, rải bầu tại vị trí hố trồng tiết giảm công lao động và thời gian rải bầu. Sau khi hoàn chỉnh trồng mới, chúng tôi cho trồng xen canh cây họ đậu với mục đích sử dụng nguồn dây họ đậu thu từ trồng xen để tủ gốc chống hạn cho cây cao su, giảm chi phí 1 lần cày chăm sóc do trồng xen đã cày…”, ông Nhơn trình bày những biện pháp giúp đơn vị giảm đến 31% chi phí suất đầu tư nông nghiệp.
Ghi nhận những kết quả đạt được, tại Hội nghị Đại biểu Người lao động Công ty CP Cao su Tây Ninh, ngày 29/02/2015, Phó Tổng Giám đốc (TGĐ) VRG – Hứa Ngọc Hiệp – đánh giá cao những giải pháp giúp tiết giảm chi phí đầu tư trong công tác trồng và chăm sóc cao su tái canh của Công ty.
Ngoài ra, Phó TGĐ Hứa Ngọc Hiệp còn biểu dương một điểm sáng khác của Cao su Tây Ninh, đó là lợi nhuận bình quân đạt hơn 2,4 triệu đồng/tấn mủ cao su trong năm 2015. Có thể khẳng định, Cao su Tây Ninh là một trong những công ty đứng đầu VRG đạt được lợi nhuận bình quân trên tấn sản phẩm cao trong tình hình giá bán mủ liên tục giảm sâu từ đầu đến cuối năm 2015.
Năm qua, với 4.787 ha cao su khai thác, Công ty thu hoạch được 10.579 tấn mủ, đạt 100,9% kế hoạch; năng suất bình quân 2,21 tấn/ha; tiêu thụ được 10.965 tấn mủ; tổng doanh thu hơn 415 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hơn 57 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trước thuế/doanh thu 13,8%; chia cổ tức 15%/mệnh giá; thu nhập bình quân đạt hơn 6 triệu đồng/người/tháng.
Ông Lê Văn Chành – Tổng Giám đốc Công ty – cho biết, năm 2016 dự báo còn rất nhiều khó khăn cho ngành cao su, giá tiếp tục ở mức thấp và xu hướng còn kéo dài, thu nhập, đời sống công nhân lao động có thể giảm so năm 2015. Nhận thức được khó khăn, ban lãnh đạo Công ty và toàn thể CBCNVC-LĐ đòi hỏi phải nỗ lực nhiều để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
“Công ty sẽ nâng cao vai trò quản lý của cán bộ các cấp, tiến tới rà soát và cải tiến các định mức kinh tế kỹ thuật; tiếp tục tiết giảm suất đầu tư từ 20% trở lên; ứng dụng các tiến bộ công nghệ vào quản lý sản xuất; triệt để thực hành tất cả các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí; tập trung các nguồn lực tiết kiệm được để đưa vào lương nhằm nâng cao thu nhập cho công nhân; tăng cường thu mua, gia công để bù đắp sản lượng, đảm bảo công suất chế biến và tăng thu nhập cho người lao động; tái cấu trúc nội tại Công ty theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, hiệu quả nhằm giảm chi phí hành chánh…”, ông Chành cho hay.
Năm 2016, Cao su Tây Ninh có kế hoạch khai thác 9.017 tấn mủ; năng suất bình quân 1,9 tấn/ha; sản lượng tiêu thụ 10.610 tấn mủ; tổng doanh thu hơn 338 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hơn 37 tỷ đồng.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>