Hoạt động >> Quan hệ quốc tế

VRA phối hợp thực hiện Hội thảo “Tiềm năng chứng chỉ FSC đối với mủ và gỗ cao su Việt Nam”

07/10/2022

Ngày 08/9/2022, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Tiềm năng chứng chỉ FSC đối với mủ và gỗ cao su Việt Nam” nhằm mục đích chia sẻ thông tin và kết quả nghiên cứu khảo sát về phân tích chuỗi cung cao su cũng như tiềm năng thực hiện chứng chỉ phát triển bền vững tại Việt Nam.


Sự kiện này là một hoạt động trong khuôn khổ của Dự án hợp tác giữa VRA và WWF Việt Nam được triển khai trong năm 2022. Mục tiêu của Dự án nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất cao su thiên nhiên và gỗ cao su có trách nhiệm, hướng đến đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững trong dài hạn. Dự án đã tổ chức các buổi làm việc và trao đổi với cơ quan chính quyền, doanh nghiệp và các hộ tiểu điền cao su tại hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Sau các chuyến khảo sát thực địa, Dự án đã tổng hợp thông tin thu thập qua các phỏng vấn trực tiếp chuyên sâu để xây dựng báo cáo đánh giá về thực trạng chuỗi cung cao su thiên nhiên gắn liền với tiểu điền. Từ đó, xác định tiềm năng thực hiện chứng chỉ phát triển bền vững đối với ngành cao su Việt Nam.

Dự án trao đổi với Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước
Phát biểu khai mạc Hội thảo và trình bày báo cáo về Tổng quan về tình hình phát triển và xu hướng ngành cao su Việt Nam, ông Võ Hoàng An – Tổng thư ký VRA cho biết, trong bối cảnh nhu cầu về mủ và gỗ cao su có chứng chỉ bền vững ngày càng được ưa chuộng và mở rộng, việc thực hiện tốt phát triển bền vững sẽ tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Định hướng phát triển ngành cao su Việt Nam bền vững và có trách nhiệm thông qua việc xây dựng và phát triển thương hiệu ngành cao su Việt Nam; xây dựng tài liệu hướng dẫn; tăng cường quản lý chất lượng cao su; thực hiện các mô hình sản xuất bền vững và có trách nhiệm; phát triển hiệu quả và bền vững 3 nhóm hàng: nguyên liệu cao su thiên nhiên, gỗ cao su chế biến và sản phẩm cao su chế biến; tăng cường hợp tác quốc tế để cân đối cung cầu cao su thiên nhiên làm cơ sở ổn định giá.
Trình bày về báo cáo chuỗi cung gỗ bền vững, bà Nguyễn Bích Hằng – đại diện WWF-Việt Nam cho biết, vùng cảnh quan ưu tiên Trung Trường Sơn, WWF chủ yếu tập trung vào rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, vùng đệm và rừng xuống cấp, vườn ươm và rừng sản xuất. Với chuỗi cung bền vững ở vùng Trung Trường Sơn, WWF đã xây dựng chuỗi hỗ trợ từ phía chủ rừng đến người kết nối ở giữa (hợp tác xã lâm nghiệp bền vững), các công ty tư nhân chế biến gỗ/chế biến dăm và công ty chế biến có xuất khẩu nhằm mang lại chuỗi kết nối bền vững, mang lại lợi ích về môi trường và xã hội.
Trong báo cáo về mô hình chứng chỉ rừng FSC liên kết giữa công ty và các nhóm hộ gia đình, ông Dương Duy Khánh – đại diện WWF-Việt Nam cho biết, WWF đã hợp tác với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Lâm nghiệp Quảng Nam (QNAFOR) xây dựng năng lực cho nhân viên công ty và các bên liên quan (HTX lâm nghiệp, nhóm hộ trồng rừng quy mô nhỏ lẻ và người trồng rừng cho công ty) trong quản lý bền vững rừng trồng keo gỗ lớn và các vấn đề kỹ thuật khác nhằm đảm bảo năng lực thực hiện và tuân thủ các tiêu chuẩn của FSC. Mô hình đạt được những kết quả tích cực khi có đến hơn 2.000ha rừng được cấp chứng chỉ lần đầu vào năm 2022 với 358 hộ gia đình tham gia.
Bà Sudarat Sangkum – WWF-Thái Lan cho biết, các hộ tiểu điền trồng cao su tại Thái Lan sẵn sàng thực hiện các biện pháp thực hành nông nghiệp tốt, hướng tới đạt được các chứng chỉ và phát triển bền vững. Tuy nhiên, đây là đối tượng dễ tổn thương của chuỗi cung và cần sự hỗ trợ của các bên liên quan. Điều quan trọng là doanh nghiệp, tổ chức cần tạo điều kiện bảo đảm đầu ra sản phẩm, sinh kế và tạo được sự tin tưởng từ các hộ tiểu điền để đạt được sự phát triển chung của toàn ngành.
Quang cảnh Hội thảo
Bà Vũ Thị Quế Anh – đại diện FSC Việt Nam cho biết, đối với chuỗi liên kết mủ cao su khá phức tạp, FSC hiện nay đang có một dự án tại Indonesia để đơn giản hóa chuỗi liên kết và đảm bảo tính minh bạch của chuỗi. Về thí điểm bộ tiêu chuẩn vùng cho nhóm hộ tiểu điền có diện tích mỗi hộ dưới 20ha, đến hiện tại, bộ tiêu chuẩn cho nhóm hộ gia đình nhỏ (bao gồm cả cao su) đã được phê duyệt và sẽ có Hội thảotrong thời gian tới nhằm chia sẻ thông tin bộ tiêu chuẩn này cũng như các buổi tập huấn cho đơn vị đánh giá trong năm nay.
Tiến sĩ Trần Thị Thúy Hoa – chuyên gia của dự án cho biết, báo cáo chủ yếu sử dụng những số liệu cung cấp có sẵn và khảo sát trực tiếp một số mô hình liên kết đang hoạt động trong chuỗi cung nhằm đề xuất những mô hình liên kết có tiềm năng giữa doanh nghiệp và hộ cao su tiểu điền trong việc thực hiện chứng chỉ nhóm FSC. Báo cáo này tập trung vào giai đoạn trồng cây cao su, thu mua mủ cao su, chế biến nguyên liệu và sản phẩm đầu ra của giai đoạn này là cao su thiên nhiên hoặc gỗ cao su sơ chế.
Trong phiên thảo luận, đại diện các Công ty cho biết với việc xây dựng thành công chứng chỉ FSC cũng như chuỗi liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và hộ/nhóm hộ cao su tiểu điền sẽ mang lại giá trị về mặt xã hội, kinh tế và môi trường, tuy nhiên, tư duy của người nông dân vẫn chưa nhận thức được vấn đề khi tham gia mô hình nhóm hộ. Đây là vấn đề cần phải có thời gian để thực hiện, tạo được lòng tin đối với người nông dân cũng như chứng minh được lợi ích khi tham gia vào chuỗi cung này.
Đại diện cơ quan chính quyền, ông Trần Thanh Hiền – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, Quảng Trị đã có trên 22 ngàn ha có chứng chỉ FSC, hiện nay, tiềm năng chứng chỉ về mủ và gỗ cao su cũng là lợi thế đối với thị trường, thể hiện sự bền vững, đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định và nâng cao được giá trị kinh tế cho diện tích vườn cây cao su. Ngoài ra, chính quyền vẫn đang tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền, vận động các đơn vị doanh nghiệp và đặc biệt là cao su tiểu điền cũng cần phải tiếp cận với cách làm của mô hình liên kết này.
Kết thúc Hội thảo, ông Lê Việt Tám –Giám đốc Bảo tồn Đa dạng sinh học của WWF-Việt Nam cho biết, quản lý rừng bền vững là lộ trình lâu dài, tùy theo điều kiện của từng nơi, cần có sự xây dựng lộ trình làm thế nào đi đúng hướng. Các doanh nghiệp mới chỉ quan tâm đến phần tiêu chí của Bộ tiêu chuẩn nhưng quan trọng hơn cả là vấn đề về cách thức quản trị giám sát, xây dựng mô hình phù hợp để giảm chi phí đầu vào, nếu quản trị tốt, chi phí cấp chứng chỉ bền vững sẽ ngày càng giảm và chỉ ở mức cao đối với chu kỳ đầu tiên. Việc tạo được lòng tin với người dân trước khi ký kết hợp đồng là điều quan trọng. Ông Lê Việt Tám khẳng định nội dung báo cáosẽ được hoàn thiện chia sẻ rộng rãi nhằm tạo tiền đề cho việc tìm kiếm nguồn lực tiếp tục hỗ trợ cho ngành cao su thông qua việc hợp tác với VRA.
Văn phòng HHCSVN tổng hợp (Diệu Bùi)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>