Tại buổi làm việc, đại diện VRA đã chia sẻ những thông tin tổng quan về ngành lốp cao su Việt Nam. Trong năm 2021, xuất khẩu lốp xe đạt 1,8 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu lốp xe vào Việt Nam đạt 386,7 triệu USD trong năm 2021, giảm 9,1% so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu lốp xe chính của Việt Nam là Hoa Kỳ và thị trường nhập khẩu chính là Thái Lan. Về mảng lốp đắp lại, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 58,5 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 8,5 triệu USD.
Ông Muhammad Syazwan Muhamad Najmi – Quản lý cấp cao bộ phận Tiếp thị và Phát triển của MRC cũng chia sẻ những con số ấn tượng về hợp tác ngành cao su Việt Nam – Malaysia. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cao su từ Malaysia sang Việt Nam đạt 123,3 triệu USD vào năm 2021, tăng 12,9% so với năm 2020. Cũng trong năm 2021, kim ngạch nhập khẩu cao su của Malaysia từ Việt Nam đạt 202,1 triệu USD, tăng 9% so với năm 2020. Hiện nay, Malaysia có hơn 195 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cao su dùng trong lĩnh vực y tế với các sản phẩm rất đa dạng như găng tay cao su, túi thở, ống bọc y tế… Các sản phẩm cao su y tế của Malaysia có chất lượng cao và được xuất khẩu tới hơn 130 quốc gia. Malaysia còn là một trong những quốc gia đi đầu về sản xuất các sản phẩm cao su được ứng dụng trong việc xây dựng các công trình giao thông. Các sản phẩm như gờ giảm tốc hay miếng đệm cao su chịu lực có nguồn gốc từ Malaysia được sử dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, Malaysia cũng có hơn 100 doanh nghiệp chuyên sản xuất các linh kiện, phụ tùng cao su được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp ô tô. Ông Syazwan cũng chia sẻ thông tin về ngành sản xuất lốp đắp lại tại Malaysia – một trong những sản phẩm góp phần phát triển ngành cao su bền vững và giảm gánh nặng cho môi trường.
MRC cũng dự định sẽ tổ chức một chuyến công tác đến Việt Nam trong năm 2022 với đại diện doanh nghiệp sản xuất lốp đắp lại của Malaysia nhằm giới thiệu sản phẩm mẫu và hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho các DN Việt Nam. Ông cũng chia sẻ, nhiều DN cao su Malaysia đang rất nỗ lực để các sản phẩm đạt được chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn môi trường toàn cầu. Ngoài ra, những công nghệ và phát kiến mới như công nghệ nhựa đường cao su hiện cũng đang bắt đầu được ứng dụng rộng rãi tại quốc gia này.
Đại diện cho VRG, ông Huỳnh Tấn Siêu – Trưởng Ban Công nghiệp cho biết, ngành lốp tại Việt Nam còn non trẻ và phụ thuộc vào Trung Quốc khá nhiều về mặt kỹ thuật, máy móc. Tuy nhiên, ngành còn có nhiều tiềm năng để khai thác và cũng đóng góp vào công cuộc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hỗ trợ sự phát triển cho nền kinh tế xanh trong tương lai. Việc phát triển và đa dạng hóa về mặt kỹ thuật cũng như hợp tác với các đối tác tiềm năng, trong đó có Malaysia, sẽ có thể mở ra cơ hội phát triển cho lĩnh vực này tại Việt Nam.
Văn phòng HHCSVN (Khánh Linh)