Hoạt động >> Quan hệ quốc tế

Làm việc với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), Hội đồng quản lý rừng thế giới (FSC) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG)

16/05/2022

Ngày 26/4/2022, đại diện Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã tham gia buổi làm việc trực tiếp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), Hội đồng quản lý rừng thế giới (FSC) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG). VRA và VRG đã chia sẻ về tình phát triển bền vững của ngành cao su Việt Nam, trong đó có gỗ và sản phẫm gỗ cao su; đồng thời ghi nhận thông tin về hoạt động của WWF và FSC trên thế giới cũng như trong khu vực, từ đó trao đổi về cơ hội hợp tác, hỗ trợ giữa các bên trong tương lai.


Ông Sean Nyquist, Quản lý Phát triển chuỗi giá trị của FSC và ông Jason Grant, Quản lý Kết nối doanh nghiệp của WWF cho biết, các tổ chức và doanh nghiệp trên thị trường quốc tế đánh giá cao những nỗ lực của VRG nói riêng và ngành cao su Việt Nam nói chung trong công cuộc phát triển bền vững những năm gần đây. Ông Jason Grant cũng chia sẻ, trong quá trình công tác, ông ghi nhận nhu cầu thu mua nguyên liệu gỗ có chứng chỉ bền vững, bao gồm gỗ cao su, đang có chiều hướng gia tăng. Một số công ty lớn như Lowe's – doanh nghiệp hàng đầu ngành cải thiện nhà cửa tại Hoa Kỳ và thị trường toàn cầu – hay William Sonoma – nhà bán lẻ đồ dùng nhà bếp lớn của Hoa Kỳ – bày tỏ mối quan tâm đến việc thu mua gỗ cao su có chứng chỉ FSC từ Việt Nam. Đây là tín hiệu khả quan và là những cơ hội mở rộng thị trường cho ngành xuất khẩu gỗ cao su Việt Nam trong tương lai.

Ông Diệp Xuân Trường, Thành viên Ban Chỉ đạo Phát triển bền vững và Phó Trưởng Ban Công nghiệp VRG, cũng chia sẻ về tiến trình thực hiện chứng chỉ quản lý rừng bền vững của VRG. Đến tháng 01/2022, VRG đã có 12 thành viên đạt chứng chỉ quản lý rừng cao su bền vững VFCS/PEFC trên hơn 70.000 ha và 22 nhà máy chế biến mủ cao su. Đến cuối năm 2022, Tập đoàn dự kiến có 130.000 ha cao su đạt chứng chỉ VFCS/PEFC-FM và 36 nhà máy chế biến cao su thiên nhiên cùng 2 nhà máy chế biến gỗ cao su đạt PEFC-CoC. Ông Trường cho biết thêm, với việc đạt được chứng chỉ PEFC, VRG đã thành công kết nối và cung cấp cao su thiên nhiên (CSTN) cho Weber & Schaer – nhà phân phối CSTN hàng đầu có trụ sở tại Hamburg, Đức, đồng thời mảng gỗ cao su cũng bắt đầu nhận được sự quan tâm từ một số công ty châu Âu. Mặt khác, VRG cũng ghi nhận bạn hàng quốc tế vẫn rất quan tâm đến chứng chỉ FSC, đây cũng là động lực để VRG tiếp tục triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác cùng FSC để nâng cao hơn nữa tính bền vững trong chuỗi giá trị.
Đại diện WWF cũng cho biết thêm, sắp tới tổ chức này mong muốn phối hợp với VRA để thực hiện một nghiên cứu về tình hình trồng cao su tại Việt Nam, đồng thời đánh giá tiềm năng đạt chứng chỉ FSC theo các khu vực. Nghiên cứu được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp có thêm cơ sở xem xét, đánh giá rủi ro, từ đó có thể lựa chọn các diện tích phù hợp, phân bổ nguồn lực để ưu tiên triển khai các hoạt động nhằm đạt chứng chỉ bền vững.
Sau buổi làm việc, VRA đã hỗ trợ kết nối cho Đoàn WWF và FSC đến làm việc và tham quan nhà máy một số Hội viên. Đồng thời, tham quan mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mủ cao su giữa nhà máy chế biến và hộ tiểu điền tại tỉnh Quảng Trị để tìm hiểu về thuận lợi, khó khăn của các bên, từ đó, WWF sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ cần thiết nhằm tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình, hướng đến hợp tác sản xuất cao su bền vững và đạt chứng nhận quốc tế.
Văn phòng HHCSVN (Hương Giang)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>