Tin tức >> Tin cao su trong nước

“Thủy chung” cùng cây cao su

07/06/2016

 Thời gian qua, giá mủ cao su hạ thấp đã làm rộ lên những tin đồn nhiều người ở huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên chặt phá vườn cao su để lấy đất sản xuất hoặc trồng cây khác. 


 Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy, người dân tại Sông Hinh vẫn một lòng gắn bó với cây trồng này.

Là một trong những người gắn bó với cây cao su ngay từ những năm tháng đầu tiên, một thời “vàng trắng” đã giúp gia đình ông Trần Công Quyền (xã Ea Trol) không những thoát được nghèo mà còn là đòn bẩy để gia đình ông vươn lên giàu có. Những năm qua, giá mủ xuống “tận đáy”, đôi lúc vườn cao su gần như phải tạm dừng cạo mủ, có người khuyên ông nên chuyển sang trồng cây tiêu vì lợi nhuận cao. Bỏ qua tất cả, từng hàng cao su của ông vẫn vươn dài thẳng tắp, cành lá tốt tươi. Ông Quyền nói: “Cho dù giá cao su có xuống thấp đi nữa thì tôi cũng không thể phá bỏ nó được, không bao giờ rời xa cây công nghiệp này”.
Gắn bó với cây cao su muộn hơn, mãi đến năm 2014, ông Nguyễn Văn Tưởng (thôn Hòa Sơn, xã Sông Hinh) mới được thu hoạch mủ 1,5 ha cao su, đây là thời điểm giá mủ thấp nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, với việc tận dụng công nhà, cứ hai ngày cạo mủ một lần, 1,5 ha cao su vẫn giúp ông thu về trên 6 triệu đồng/tháng. Theo ông Tưởng, khoản thu nhập trên đều đặn 8 tháng trong năm, trừ tiền phân bón, mỗi năm gia đình có thêm 30 triệu đồng, không thua kém gì so với các cây trồng khác. Hơn 2 năm qua, vườn cao su của ông Tưởng vẫn không ngừng mở rộng và đến nay đã tăng lên 14 ha, nhiều nhất ở xã vùng sâu này. Chia sẻ suy nghĩ của mình về cây cao su, ông Tưởng nói: “Dù mủ cao su thấp, nhưng nếu bỏ công làm lời thì một đêm tôi cũng kiếm được 700.000 đồng. Bao nhiêu đó cũng đã quá ngon so với các loại cây trồng khác”.
Huyện Sông Hinh hiện có hơn 3.600 ha cao su, chiếm gần 20% tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm, trong đó 2.000 ha đang trong thời kỳ khai thác mủ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về giá cả, nhưng đa phần người trồng cao su huyện Sông Hinh vẫn duy trì và phát triển vườn cao su. Ông Nguyễn Khắc Sự – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sông Hinh – khẳng định: “Qua điều tra của cơ quan chuyên môn thì diện tích người dân chặt bỏ cây cao su rất nhỏ lẻ, không đáng kể. Những hộ chặt bỏ đa phần là trồng sai quy hoạch hoặc chăm sóc không thực sự tốt”. Theo ông Sự, cao su tương lai là một cây có giá trị kinh tế cao và là một cây được định hướng của huyện. Vì vậy bà con không nên vội vàng chặt bỏ cây cao su. Hiện dự báo thị trường cao su có chiều hướng ấm lên, đây là tin vui với người trồng cao su.
Trên đường liên xã Ea Trol – Ea Bar dài khoảng 15 km cắt ngang “thủ phủ” vùng đất cao su của huyện Sông Hinh, những cây cao su nay đã cao lớn thành rừng trải dài ngút tầm mắt. Trên thân, những vết cạo năm trước nay đã liền vỏ; bộ lá vàng úa sau kỳ nghỉ đông đã chuyển sang màu tươi rói tràn đầy nhựa sống. Những chiếc chén được lau chùi sạch sẽ đặt gọn gàng trên giá đỡ sẵn sàng đợi mủ. Khó khăn có thể sẽ còn, nhưng niềm tin và sự thủy chung đã và đang là động lực để người trồng cao su vươn tới những thành quả mới trong những mùa vụ mới. Lão nông Nguyễn Sự – người sở hữu 4 ha cao su 15 năm tuổi ở xã Ea Bar – bày tỏ: “Tôi hy vọng sắp tới giá mủ cao su sẽ tăng lên. Vì thời gian qua tôi vẫn chăm sóc đều đặn vườn cao su của mình”.
Theo ông Nguyễn Khắc Sự, hiện giá cao su thu mua tại vườn là 13.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với vụ trước. Nếu duy trì mức giá trên, mỗi ha cao su sẽ có lãi trung bình trên 70 triệu đồng/vụ. Với giá cao su như vậy, bà con không nên chặt bỏ cao su để trồng cây trồng khác.
V. Thùy – N. Chương, nguồn: http://www.baophuyen.com.vn/82/155525/-thuy-chung--cung-cay-cao-su.html, ngày 07/6/2016 (Thanh Danh trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>