Tin tức >> Tin cao su trong nước

Cần chính sách kết nối để ngành gỗ phát triển bền vững

03/06/2016

 Các doanh nghiệp ngành xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro do sự thiếu đồng bộ về chính sách. Hiện các ngành từ trồng rừng, chế biến, xuất khẩu vẫn tương đối hoạt động độc lập với nhau. 


 Chưa có một chính sách mang tính kết nối, xâu chuỗi các khâu lại với nhau tạo thành chuỗi sản xuất mang tính thống nhất.

Nhận định trên được đưa ra tại buổi lấy ý kiến các doanh nghiệp gỗ tại phía Nam về nội dung của Báo cáo nghiên cứu về Thực trạng và giải pháp chính sách cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU. Chương trình do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Quỹ châu Á và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) tổ chức ngày 30/5/2016.
Theo kết quả nghiên cứu, phân tích của ban tổ chức, hiện nguồn gốc gỗ nguyên liệu không rõ ràng, nhất là nguyên liệu các loại gỗ nhập khẩu từ Lào, Campuchia luôn bị cảnh báo về tính pháp lý nguồn nguyên liệu khi xuất khẩu. Nguyên nhân là do việc khai thác, chế biến và xuất khẩu gỗ của Lào, Campuchia còn nhiều tranh cãi, gây phát sinh nhiều vấn đề khi nhập khẩu vào Việt Nam cho các doanh nghiệp sử dụng để sản xuất thành phẩm xuất khẩu. Theo thống kê, năm 2015, ngành gỗ Việt Nam đã nhập 4,8 triệu m3 gỗ nguyên liệu, trị giá 1,7 tỷ USD từ 70 – 90 quốc gia với 150 – 160 loại gỗ các loại.
Cùng với đó, theo ông Tô Xuân Phúc – Chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trend – việc xác định nguồn gốc của gỗ cao su khai thác trong nước cũng chưa được chặt chẽ. Do đó, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có kế hoạch cụ thể để đáp ứng cho vấn đề truy xuất nguồn gốc gỗ cao su khai thác trong nước bởi gỗ cao su là một trong những thế mạnh của ngành gỗ Việt Nam.
Ngoài ra, theo Báo cáo, các doanh nghiệp cho rằng họ không kiểm soát được thị trường xuất khẩu do chỉ tập trung bán hàng cho đối tác, làm sản xuất theo yêu cầu của đối tác. Đây sẽ là vấn đề ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển bền vững của chính các doanh nghiệp và của toàn ngành. Theo xu hướng, các thị trường luôn yêu cầu rất cao về chất lượng, mẫu mã của sản phẩm và yêu cầu khắt khe về các tiêu chuẩn sử dụng lao động.
Do vậy, các ý kiến tại buổi họp cho rằng, các doanh nghiệp cần thay đổi để đáp ứng các yêu cầu của thị trường hội nhập thì mới mong phát triển. Tuy nhiên, việc sửa đổi không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện. Những doanh nghiệp siêu nhỏ không có nguồn lực, kỹ năng, trình độ quản lý sẽ khó thay đổi, như vậy khó tránh khỏi đối mặt với các khó khăn. Trong khi đó, chỉ cần 1 công ty xuất khẩu sang một thị trường bị phán quyết là vi phạm các quy định, cả ngành chế biến gỗ Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Theo thống kê, ngành gỗ hiện có 4.000 doanh nghiệp tham gia, trong đó khâu chế biến có 3.000 doanh nghiệp và 1.000 doanh nghiệp làm thương mại. 14% trong số này do doanh nghiệp FDI nắm giữ, số công ty của doanh nghiệp tư nhân trong nước quản lý là 80%. Xét về quy mô theo nguồn vốn, 93% doanh nghiệp ngành gỗ là nhỏ và siêu nhỏ.
Theo đó, các doanh nghiệp đang đối mặt với những bất lợi tiềm ẩn từ quy mô và lợi ích lại chủ yếu dựa vào nguồn nhân công giá rẻ. Theo ông Huỳnh Quang Thanh – Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương – lợi thế về nhân công giá rẻ sẽ dần bị thu hẹp trong tương lai, đến một lúc không thể cạnh tranh bằng giá lao động thì năng suất lao động sẽ là yếu tố thay thế. Do vậy, các doanh nghiệp cần quan tâm đến năng suất lao động, song vấn đề này cần sự đồng hành, giúp sức của Nhà nước. 
Khải Kỳ, nguồn: http://www.baohaiquan.vn/pages/can-chinh-sach-ket-noi-de-nganh-go-phat-trien-ben-vung.aspx, ngày 31/5/2016 (Thanh Danh trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>