Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Ngành sản xuất, chế biến gỗ trước nguy cơ mất khách hàng

04/10/2021

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã gây nhiều khó khăn cho ngành sản xuất đồ gỗ của Việt Nam. Sản xuất đình trệ, nhiều nhà máy phải giảm công suất, thậm chí tạm ngừng sản xuất để phòng, chống dịch. Câu hỏi lớn đặt ra là liệu ngành chế biến đồ gỗ có vượt khó để duy trì, phục hồi sản xuất, hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2021, đồng thời bảo đảm mục tiêu tăng trưởng trong thời gian tới?


Liệu có vượt khó thành công?

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Từ đầu năm 2021 đến nay, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 11,2 tỷ USD, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,4 tỷ USD, tăng 41,9%; lâm sản ngoài gỗ đạt 0,79 tỷ USD, tăng 54,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Năm 2021, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản được dự báo sẽ có mức tăng trưởng tương đương so với năm 2020, khoảng trên 15% do có nhiều thuận lợi như tác động của các hiệp định thương mại tự do, hiệp định thương mại song phương... Ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp ngành gỗ đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ những đối tác đề nghị cung cấp sản phẩm đến cuối năm 2021, tạo nhiều hứng khởi cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm. Do vậy, 5 tháng đầu năm, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ đã tăng trưởng đột phá, giá trị xuất khẩu đạt 7,1 tỷ USD, tăng 62,9% so với cùng kỳ năm 2020.Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp ngành gỗ, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương những nơi tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ (hơn 70% tổng số doanh nghiệp ngành gỗ, giá trị xuất khẩu chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước).
Sản xuất tại một doanh nghiệp chế biến gỗ ở tỉnh Đồng Nai trước thời điểm dịch COVID-19
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, các doanh nghiệp ngành gỗ đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các đối tác với số lượng tăng rất cao so với năm trước, nhiều đơn hàng, hợp đồng được đề nghị cung cấp sản phẩm đến cuối năm 2021. Tuy nhiên, từ giữa tháng 7/2021 đến nay, hơn 50% doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ phải ngừng, đóng cửa và giảm sản xuất. Với những doanh nghiệp còn hoạt động, chi phí để duy trì sản xuất tăng khoảng 20 30%, do phải chi phí ăn, ở tại chỗ, test nhanh COVID-19, xét nghiệm PCR cho người lao động (tăng thêm bình quân khoảng 5 6 triệu đồng/tháng/lao động). Đồng thời, giá cước vận tải đường biển liên tục tăng thời gian qua cũng gây khó cho doanh nghiệp. Do vậy, trị giá xuất khẩu đồ gỗ tháng 7, đặc biệt là tháng 8 vừa qua sụt giảm mạnh. Ông Lập cũng cảnh báo: "Nếu tình hình không được cải thiện, doanh nghiệp ngành gỗ tạm dừng sản xuất quá lâu hoặc sản xuất không đủ sản phẩm có thể phải đối diện với nguy cơ mất khách hàng, mất các thị trường chiến lược, mất khả năng tham gia hiệu quả vào các chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ đã có uy tín trên thị trường thế giới nhiều năm qua".
Tìm "cơ" trong "nguy"
Mặc dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của đợt bùng phát dịch COVID-19: Sản xuất bị đình đốn, cước vận tải tăng cao... nhưng ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ của Việt Nam vẫn có cơ hội để phát triển do thị trường tiêu thụ sản phẩm đồ gỗ trên thế giới tiếp tục tăng. Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết: "Vấn đề nằm ở chỗ các doanh nghiệp có sớm phục hồi sản xuất để cung ứng sản phẩm ra thị trường hay không? Giải pháp trước mắt từ 3 đến 6 tháng tới, các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ cần cố gắng giữ chân khách hàng và giữ nguồn thu, bảo vệ nguồn đầu vào, đầu ra".Để doanh nghiệp có thể sớm phục hồi sản xuất, ông Nguyễn Quốc Khanh đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan chức năng có thể cho doanh nghiệp tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, thuế doanh nghiệp, giảm lãi suất ngân hàng, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tái sản xuất...
Ông Đỗ Xuân Lập cũng kiến nghị nâng hạng ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người lao động ngành gỗ từ mức 13/16 lên mức 8/16 trong bảng xếp hạng của Bộ Y tế. Các địa phương tạo điều kiện nhanh nhất và bảo đảm nhu cầu tiêm vaccine cho công nhân ngành gỗ, trước tiên, ưu tiên 100% cho lao động vùng dịch và các nhà máy đang duy trì sản xuất cả ở trong và ngoài các khu công nghiệp. Cho phép doanh nghiệp tự test nhanh COVID-19 và lao động tại các doanh nghiệp được di chuyển đến địa phương khác để làm việc sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine...


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>