Hoạt động

Tham dự Hội thảo trực tuyến “Dự án Đổi mới ngành Cao su tại Hành lang Kinh tế Phía Nam Thái Lan (SECri)”

23/08/2022

Ngày 22/7/2022, đại diện Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã tham dự trực tuyến Hội thảo về Dự án Đổi mới ngành Cao su tại Hành lang Kinh tế Phía Nam Thái Lan (SECri) do Cơ quan Quản lý Cao su Thái Lan (RAOT) tổ chức. Hội thảo đã chia sẻ thông tin, báo cáo và thảo luận của các bên tham gia về việc xây dựng vùng sản xuất tập trung và phát triển bền vững ngành cao su tại Hành lang Kinh tế Phía Nam Thái Lan.


Tại hội thảo, ông Nakorn Tangavirapat – Thống đốc Cơ quan quản lý Cao su Thái Lan (RAOT) cho biết, Dự án Đổi mới ngành Cao su tại Hành lang Kinh tế Phía Nam Thái Lan (SECri) là một phần thuộc định hướng “Trở thành một quốc gia phát triển an ninh, thịnh vượng và bền vững phù hợp với Triết lý kinh tế vừa đủ”. Hiện nay, Khu vực Hành lang Kinh tế Phía Nam Thái Lan (SEC) bao gồm 4 tỉnh: Nakhon Si Thammarat, Chumphon, Ranong, Surat Thani. SEC được xây dựng với mục tiêu trở thành trung tâm kết nối thương mại và logistics phía Nam với các khu kinh tế lớn của khác Thái Lan cũng như các khu vực kinh tế lớn khác ở vùng Biển Anadama. Đồng thời, SEC cũng được phát triển để trở thành một khu công nghiệp sinh học có giá trị cao, khu chế biến nông sản và khu du lịch quốc tế.

ROAT cũng đang tiến hành Kế hoạch Chiến lược Cao su 20 năm (2017 - 2036) với mục tiêu: Tạo giá trị gia tăng kinh tế; Tăng cường nghiên cứu và đổi mới;Nâng cao quy trình sản xuất góp phần bảo vệ môi trường. ROAT đã và đang nỗ lực để đạt được những mục tiêu kể trên bằng cách: Nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn; Tập trung vào chế biến cao su để tạo ra giá trị gia tăng; Hỗ trợ công nghệ phù hợp cho sản xuất và chế biến; Phát triển và mở rộng thị trường; Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu và phát triển, bao gồm công nghệ liên quan đến cao su/gỗ cao su; Phân bổ hiệu quả diện tích và thúc đẩy trồng cao su tổng hợp; Thúc đẩy mô hình nông nghiệp bền vững và nông nghiệp thông minh.
Theo bà Siriluk Chumchean – Quản lý Dự án, SECri được thành lập để hỗ trợ và thúc đẩy việc quản lý cao su một cách toàn diện của RAOT, trong khuôn khổ Chiến lược Quốc gia 20 năm (2018 - 2037) của Thái Lan và Chiến lược Cao su 20 năm (2017 - 2036). Dự án đặt mục tiêu cải thiện ngành công nghiệp cao su của Thái Lan bằng cách phát triển khu công nghiệp cao su với đầy đủ cơ sở vật chất sản xuất, kinh doanh, hậu cần, nghiên cứu và phát triển. Khu công nghiệp này rộng 560 ha, bao gồm 3 khu vực chính: Khu vực Văn phòng Thị trường Cao su Trung tâm Nakhon Si Thammarat, khu vực xúc tiến đổi mới cao su và khu vực khuyến nông.
Ông Sethapat Sethakarun – Cố vấn Chiến lược Kinh doanh và Tài chính của SECri cho biết, hiện nay có hai hình thức để các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào dự án . Hình thức đầu tiên là hình thức nhượng quyền. Theo đó, DN sẽ đóng các loại phí như: Phí sang nhượng (Tỷ lệ cố định/% chia sẻ doanh thu); Phí thuê đất; Phí dịch vụ tiện ích và Phí bảo trì cho ROAT. DN sẽ nhận được một số quyền lợi như quyền sử dụng đất và được toàn quyền Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như Vận hành và quản lý dự án. Đối với hình thức thứ hai, DN sẽ liên doanh với ROAT cùng đầu tư và quản lý dự án. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh sẽ được phân chia tương ứng với phần vốn góp.
Một số đặc quyền cho các nhà đầu tư đang được ban Quản lý EEC và Ủy ban đầu tư Thái Lan (BOI) dự thảo. Những DN tham gia đầu tư vào ngành cao su thuộc SECri có thể được hưởng những đặc quyền sau: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến 13 năm hoặc được giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến 5 năm; Miễn thuế nhập khẩu cho máy móc phục vụ dự án; Ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho lao động nước ngoài; Các đặc quyền khác theo BOI như quyền được thuê đất hoặc bất động sản lên đến 50 năm và xem xét gia hạn thêm 49 năm.
Năm 2024, Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ đầu tư 1,220 tỷ Baht để phát triển dự án SECri. Đây là một cơ hội tiềm năng dành cho các DN nước ngoài muốn đầu tư và phát triển ngành cao su tại miền Nam Thái Lan.

Văn phòng HHCSVN (Khánh Linh)



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>