Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Đức, thuộc Tập đoàn tư vấn hoạch định chiến lược bền vững hàng đầu châu Âu, lãnh đạo doanh nghiệp với nhiều kinh nghiệm thực tiễn nhằm chia sẻ những bài học điển hình, cũng như nhận diện các rủi ro cho doanh nghiệp khi yêu cầu phải chuyển đổi để đáp ứng các quy định về giảm phát thải đang ngày một bức thiết hơn bao giờ hết.
Hiện nay, việc thực hiện các cam kết đã được xác định tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 được nhận định là xu thế tất yếu; việc triển khai thực hiện kịp thời các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước. Doanh nghiệp cần lưu ý nghĩa vụ bắt buộc báo cáo phát thải KNK đã được quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP cũng như Quyết định 01/2022/QĐ-CP
Bên cạnh đó, mỗi thị trường còn có thể áp dụng những quy định khác nhau nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giảm phát thải riêng của từ quốc gia đó, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận thị trường, sản xuất, kinh doanh, phân phối, tiêu thụ và xử lý sản phẩm sau tiêu dùng của doanh nghiệp. Gần đây, châu Âu cũng đã ban hành Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM). CBAM sẽ áp giá các-bon cho hàng nhập khẩu dựa trên cường độ phát thải KNK của quy trình sản xuất, bao gồm Phạm vi 1 (Phát thải trực tiếp từ cơ sở sản xuất và phương tiện của doanh nghiệp) và Phạm vi 2 (Phát thải từ các nguồn năng lượng mà doanh nghiệp trực tiếp sử dụng). Đầu tiên, các ngành điện, sắt thép, phân bón, nhôm và xi măng sẽ được đưa vào CBAM. Tuy nhiên, EU có thể mở rộng phạm vi này. Ngoài EU, trong tương lai, các thị trường mạnh như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc ... đều có thể thiết lập những quy định riêng để đạt mục tiêu giảm phát thải. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin về các quy định, nguy cơ và giải pháp liên quan đến giảm phát thải KNK.
Nhận biết hiểu về các nguồn phát thải KNK trong quy trình hoạt động và đo lường lượng phát thải KNK là những bước đầu tiên doanh nghiệp nên thực hiện trong công cuộc chuyển đổi và hướng tới giảm phát thải. Doanh nghiệp cũng cần phải xác định đây là hướng đi phục vụ lợi ích của chính doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và tính tuân thủ các yêu cầu pháp lý, đồng thời góp phẩn bảo vệ môi trường. Một số giải pháp giảm phát thải ở Việt Nam có thể được kể đến là chuyển đổi sang năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời áp mái); sử dụng hóa chất, vật liệu bền vững; tái chế rác thải; sử dụng các hình thức giao thông vận tải các-bon thấp. Các giải pháp bù đắp phát thải như tín chỉ các-bon không nên là ưu tiên hàng đầu, và các doanh nghiệp sản xuất vẫn nên tập trung vào mục tiêu cuối cùng là hành động để giảm phát thải KNK.
Văn phòng HHCSVN (Hương Giang)
Xem thêm nội dung được trình bày tại hội thảo tại đây