Ngày 26/5/2022, đại diện Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã tham gia Hội thảo trực tuyến về ngành cao su Mỹ Latinh trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Cao su thế giới 2022. IRSG đã chia sẻ một số thông tin tổng quan về thị trường Mỹ Latinh, từ đó cho thấy tổng sản lượng cao su thiên nhiên (CSTN) năm 2021 của khu vực này ước đạt 370 ngàn tấn, chiếm 2,6% nguồn cung CSTN toàn cầu. Mỹ Latinh cũng là thị trường sản xuất cao su tổng hợp (CSTH) với tổng sản lượng ước đạt 477 ngàn tấn vào năm 2021, chiếm 3,1% nguồn thị phần toàn cầu.
Về phía nhu cầu, khu vực này đã tiêu thụ lượng CSTN và CSTH là khoảng 1,58 triệu tấn trong năm 2021, chiếm 5% tổng lượng tiêu thụ toàn cầu. Cán cân cung – cầu tại Mỹ Latinh chênh lệch khá lớn khi một nửa nhu cầu được đáp ứng bởi nhập khẩu và thị trường ghi nhận mức thiếu hụt bình quân mỗi năm so với sản xuất khoảng 250 ngàn tấn CSTN và 400 ngàn tấn CSTH. Brazil, Mexico và Argentina là các nước tiêu thụ và nhập khẩu nhiều nhất khu vực, chủ yếu để phục vụ nhu cầu của các nhà máy lốp xe ô tô con và lốp xe thương mại. Trong khi đó, Brazil và Guatemala sản xuất 85% lượng CSTN trong khu vực, với Guatemala là nhà xuất khẩu lớn. Với diện tích 116 ngàn ha và sản lượng năm 2021 đạt 118,5 ngàn tấn, 99% lượng CSTN sản xuất tại đây được xuất khẩu làm nguyên liệu thô cho các ngành sản xuất. Guatemala cũng rất chú trọng vào công cuộc phát triển bền vững và thực hiện chứng chỉ FSC, đồng thời tích cực ứng dụng, nghiên cứu các biện pháp thực hành nông nghiệp tốt phù hợp với yêu cầu quốc tế cũng như điều trong khi năng suất bình quân dự kiến sẽ ngày càng cải thiện khi diện tích cây cao su trưởng thành tăng lên.