Hoạt động

Tham dự Hội thảo “Chuyển đổi số ngành gỗ - Sản xuất thông minh & Phát triển bền vững”

07/10/2022

Ngày 23/9/2022, đại diện Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã tham dự Hội thảo “Chuyển đổi số ngành gỗ - Sản xuất thông minh & Phát triển bền vững” do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) phối hợp với Quỹ châu Á tổ chức với các nội dung bao gồm Tổng kết và định hướng cho dự án “Phát triển mạng lưới CIO (Giám đốc thông tin) ngành gỗ, chế biến gỗ”, ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác giữa ba bên là HAWA, công ty Microsoft VN và công ty FPT Digital nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất và tiếp tục duy trì mạng lưới CIO ngành gỗ, cùng các bài tham luận, gian hàng cung cấp thông tin về các giải pháp chuyển đổi số cho ngành.


 

Sau thời gian thực hiện, Dự án “Phát triển mạng lưới CIO ngành gỗ, chế biến gỗ” đã triển khai chương trình huấn luyện tập trung nhằm đào tạo lãnh đạo, CIO các doanh nghiệp (DN) về phương pháp chuyển đổi số, từ đó xây dựng mạng lưới hạt nhân thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số trong toàn ngành, đồng thời, tổ chức tham quan học hỏi, trao đổi về kinh nghiệm quản lý, tầm nhìn, hướng đi và ứng dụng chuyển đổi số vào thực tế sản xuất từ các DN như AA Tây Ninh, Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành. Các chuyên gia tham dự hội thảo cũng cho biết, với xuất phát điểm là ngành nghề thủ công, sau công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thích ứng liên tục với các thay đổi của thị trường, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch COVID-19, các DN từ quan hệ cạnh tranh nên chuyển đổi sang các định hướng hợp tác để cùng đề xuất các giải pháp nhằm cùng đóng góp vì sự phát triển chung của ngành.
Chuyển đổi số được xem là phương tiện để DN ngành gỗ tiến đến sản xuất thông minh và phát triển bền vững, tối ưu chi phí, tăng hiệu suất lao động, xây dựng thương hiệu/tăng doanh thu cũng như tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng bên cạnh việc nâng cao năng lực quản trị, đơn giản hóa quy trình quản lý. Tuy nhiên, không có một giải pháp chuyển đổi số nào tối ưu cho tất cả và mỗi DN phải dựa trên thực tế quy trình sản xuất, quản trị riêng của đơn vị để có lựa chọn phù hợp. Tùy thuộc vào tầm nhìn, định hướng, chiến lược cùng các mục tiêu ngắn hạn/dài hạn, mỗi DN cần xác định những nhiệm vụ hoặc ưu tiên trọng tâm, từ đó xây dựng lộ trình chuyển đổi số phù hợp. Với sự phát triển liên tục, chuyển đổi số có tiềm năng giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân công, tuy nhiên, DN cũng cần phải đánh giá khả năng ứng dụng của từng giài pháp trước khi sử dụng trong thực tế.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đánh giá, yếu tố con người vẫn là một phần thiết yếu của công cuộc chuyển đổi số, việc xây dựng nhận thức, đào tạo năng lực cho nhân sự từng DN nhằm rút ngắn khoảng cách, nhận thức giữa đội ngũ lãnh đạo với những người trực tiếp phụ trách chuyển đổi số trong DN là vô cùng quan trọng nhằm nâng cao năng lực nội tại và khả năng thích ứng của lực lượng lao động trong bối cảnh mới.
Các chuyên gia cũng nhận định, chuyển đổi số là phương tiện để DN đạt được các mục tiêu về chất lượng quản trị, sản xuất và tiết kiệm chi phí, hiệu quả đạt được của từng đơn vị phụ thuộc vào nhận thức của đội ngũ lãnh đạo, giải pháp cũng như mức độ kết nối các nguồn lực trong và ngoài DN. Vì vậy, DN nhạy bén, linh hoạt trong việc lựa chọn lộ trình, giải pháp phù hợp sẽ đạt được hiệu quả cao.
Văn phòng HHCSVN tổng hợp (Hương Giang)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>