Hoạt động

Hội nghị quốc tế ngành cao su tại Việt Nam: “Xu hướng và triển vọng ngành cao su: Thích ứng với những biến động trong tương lai”

10/01/2023

Ngày 09/12/2022, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã tổ chức Hội nghị quốc tế ngành cao su tại Việt Nam với chủ đề “Xu hướng và triển vọng ngành cao su: Thích ứng với những biến động trong tương lai” trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia đến từ các tổ chức nghiên cứu quốc tế và đông đảo doanh nghiệp (DN) ngành cao su. 


Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch VRA – cho biết, trải qua hơn hai năm chống chọi với đại dịch COVID-19, nền kinh tế nói chung và ngành cao su nói riêng còn phải đối mặt với những thách thức và khó khăn. Tuy vậy, nền kinh tế Việt Nam đã từng bước thích ứng linh hoạt và hiệu quả sau đại dịch COVID-19 cũng như trước các biến động khôn lường từ tình hình khu vực và thế giới. Dự kiến đến hết năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cao su ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 8,5% so với năm trước. Thành quả này là nhờ nỗ lực của cộng đồng DN ngành cao su trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức trong năm 2022.
Đứng trước bối cảnh đầy khó khăn trong năm 2023, một trong những thách thức đặt ra là thay đổi để đáp ứng được các chính sách mới về phát triển bền vững, hướng tới sản xuất xanh, thân thiện với môi trường, tuân thủ trách nhiệm xã hội. Đồng thời, các DN cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như giảm chi phí nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu đang có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch VRA phát biểu tại Hội nghị
 
  Tiến sĩ Leksmi Nair, Chuyên gia Kinh tế cao cấp IRSG

 

Tiến sĩ Leksmi Nair, Chuyên gia Kinh tế cao cấp, Tổ chức Nghiên cứu Cao su quốc tế (IRSG) đã có chia sẻ tại Hội nghị với báo cáo “Xu hướng và các tác động đối với ngành cao su toàn cầu tương lai”. Sau khi điểm qua những yếu tố về tăng trưởng kinh tế, số liệu tiêu thụ và sản lượng của CSTN, lốp xe và găng tay, theo Tiến sĩ Leksmi, việc triển khai các công nghệ mới, nâng cấp các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và tập trung vào các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp (ESG) đang dần trở thành yếu tố quan trọng đối với chiến lược ngành cao su. Ngoài ra, sự hợp tác giữa Chính phủ và DN ngành cao su là điều cần thiết, trong đó có vai trò quan trọng của hộ tiểu điền cao su, nhằm xây dựng các kế hoạch hành động thích ứng và giảm thiểu với việc biến đối khí hậu..
Ông Zheng Wenrong, Phó Chủ tịch điều hành, Hiệp hội Cao su thiên nhiên Trung Quốc (CNRA) cho biết hiện nay việc trồng và quản lý vườn cây cao su ở Trung Quốc đang được đẩy mạnh cơ giới hóa, nhưng việc cạo mủ và thu hoạch vẫn được thực hiện thủ công. Ông cho biết thêm những cải tiến trong sản xuất và ứng dụng công nghệ, bao gồm: Thúc đẩy toàn diện công nghệ khai thác cao su: dao cạo mủ không mài – giảm cường độ lao động hơn 30%, máy cạo mủ cao su bán tự động đang được sử dụng và máy khai thác cao su tự động thông minh bắt đầu được sản xuất thử nghiệm; Đã có bước đột phá trong công nghệ chế biến sản phẩm cao su: Phát triển thành công lốp xe cao su cho ngành hàng không. Hiện nay, Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực để chống lại ô nhiễm môi trường bằng các mô hình sản xuất dễ vận hành và thành lập một số siêu thị nguyên liệu cũng như dịch vụ chuyên nghiệp cho các nhà máy chế biến cao su.
Bà Marry Xu, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Cao su Trung Quốc (CRIA) cũng có chia sẻ về tình hình và dự báo ngành lốp xe Trung Quốc. Theo đó, ước tính tổng sản lượng lốp xe của Trung Quốc vào năm 2022 tương đương hoặc ít hơn không đáng kể so với năm ngoái. Tình trạng dư thừa công suất sản xuất lốp xe ở Trung Quốc đang đối mặt với áp lực rất lớn khi nền kinh tế quốc gia đang trên đà suy thoái. Hiện tại, dù vẫn duy trì ở mức cao, nhưng tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu lốp xe của Trung Quốc đã bắt đầu chậm lại. Ngành công nghiệp lốp xe của Trung Quốc cũng đang tích cực ứng phó, với hy vọng nắm bắt các cơ hội do cuộc cách mạng khoa học công nghệ và cải cách công nghiệp mới mang lại, đồng thời đẩy nhanh việc nâng cấp toàn bộ chuỗi công nghiệp và mở rộng thị trường mới. Trong đó, xu hướng chuyển sang xe điện là một trong những cơ hội. Hiện Trung Quốc vẫn có một số chính sách hỗ trợ cho xe điện như miễn giảm thuế cho xe điện và một số chính sách khuyến khích địa phương. Xe điện dự kiến ​​sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây, điều này cũng buộc các DN lốp xe Trung Quốc phải nghiên cứu và phát triển. Nhiều DN đã nhắm đến thị trường xe điện và tung ra các loại lốp đặc biệt dành cho xe điện. Đây là một cơ hội lớn cho ngành lốp xe của Trung Quốc.
Chia sẻ về chủ đề xu hướng giá thế giới năm 2023, ông Jom Jacob, Chuyên gia phân tích và Nhà đồng sáng lập, WhatNext Rubber Media International cho biết giá CSTN được kỳ vọng sẽ tăng và duy trì đà tăng trong suốt 6 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, mức tăng sẽ bị hạn chế do tồn kho tích lũy trong nửa cuối năm 2022. Điều này còn phụ thuộc vào bốn yếu tố rủi ro đối với triển vọng giá, bao gồm: (1) Nếu tình hình COVID-19 trở nên xấu đi và Trung Quốc quay trở lại áp dụng các biện pháp phong tỏa; (2) Nếu Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ thay vì giảm tốc độ; (3) Diễn biến xung đột ở Ukraine hoặc các rủi ro địa chính trị khác trở nên xấu đi. (4) Nếu giá đồng USD tăng mạnh trở lại. Ông cho biết thêm, trong khoảng thời gian nửa cuối năm 2023, sản lượng CSTN của thế giới dự kiến sẽ vẫn cao hơn đáng kể so với mức tiêu thụ. Điều này có nghĩa là các yếu tố cơ bản về cung – cầu được dự báo sẽ là yếu tố không thuận lợi cho giá cao su trong giai đoạn này. Tóm lại, giá CSTN có thể sẽ tăng với mức độ hạn chế ngay cả trong nửa cuối năm 2023 nếu Trung Quốc dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng ngừa COVID-19 và mở cửa biên giới. Dự báo trên đồng thời cũng cân nhắc bối cảnh địa chính trị khả quan và đồng USD yếu hơn.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu tham dự đã đặt câu hỏi cho các diễn giả. Giải đáp những thắc mắc về nhu cầu mủ cao su trong ngành y tế và thị trường gỗ cao su, Tiến sĩ Leksmi cho biết yêu cầu về mủ cao su sản xuất găng tay khá là cao và nguồn cung vẫn còn hạn chế ở các nước sản xuất CSTN. Hiện tại, các hộ tiểu điền trồng cao su đang dần phục hồi và tăng năng suất để sớm đáp ứng nhu cầu này. Đối với gỗ cao su, Malaysia là thị trường tiêu thụ hàng đầu, việc xuất khẩu gỗ cao su và sản phẩm làm từ gỗ cao su có thể xem xét là nguồn thu tốt hơn cho các hộ tiểu điền, bên cạnh mủ cao su, để thúc đẩy tái canh. Cũng ngay tại phiên tham luận, ông Jom Jacob giải đáp thắc mắc về hàng tồn kho trên thế giới tăng mạnh sẽ ảnh hưởng giá cao su. Ông cho rằng nửa sau năm 2022, nguồn cung thặng dư như vậy có những tác động tiêu cực đối với giá cao su nửa đầu năm 2023. Trong trường hợp Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm, lệnh hạn chế COVID-19 vẫn khó có thể kỳ vọng sẽ có mức tăng giá ngay lập tức vì còn ảnh hưởng bởi nguồn cung thặng dư của năm 2022.
Văn phòng HHCSVN (Thanh Vân)
 


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>