Hoạt động >> Hoạt động khác

Đối thoại chính sách: Tiêu chuẩn lao động quốc tế về lao động trẻ em trong bối cánh các cam kết quốc tế về thương mại

26/04/2019

 Ngày 13/3/2019, Văn phòng Hiệp hội cử đại diện tham dự buổi Đối thoại chính sách về Tiêu chuẩn lao động quốc tế về lao động trẻ em trong bối cánh các cam kết quốc tế về thương mại do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức tại Hà Nội. 


 Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà và Giám đốc tổ chức ILO tại Việt Nam Chang – Hee- Lee chủ trì Đối thoại. Tham gia đối thoại có Lãnh đạo các đơn vị: Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Trẻ em, Viện Khoa học lao động và xã hội cùng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước và các chuyên gia quốc tế.

Mục tiêu của buổi đối thoại là nhằm chia sẻ và nâng cao nhận thức và năng lực của các bên liên quan về các cam kết và nghĩa vụ quốc tế liên quan đến vấn đề lao động trẻ em trong bối cảnh hội nhập, đặc biệt là các cam kết quốc tế về thương mại, đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn của quốc tế và Việt Nam về phòng ngừa lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng.
Phát biểu khai mạc Đối thoại, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho rằng khi Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với việc tham gia nhiều cam kết quốc tế về thương mại như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA), việc tăng cường và nâng cao nhận thức của các bên trong việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em còn có ý nghĩa về kinh tế- xã hội của đất nước nói chung và đối với chính cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Thực tế trên thế giới cho thấy rằng hàng hóa được sản xuất với sự tham gia của lao động trẻ em, dù được phát hiện ở bất cứ công đoạn nào cũng sẽ gây thiệt hại cả về kinh tế và uy tín của doanh nghiệp và thậm chí của cả ngành hàng trong nhiều năm.
Phát biểu tại Đối thoại, ông Chang-Hee-Lee – Giám đốc Tổ chức ILO tại Việt Nam cho rằng lao động trẻ em xuất hiện trong nhiều ngành, nguy cơ lao động trẻ em xuất hiện cao ở khu vực phi chính thức. Trong các chuỗi cung ứng, lao động trẻ em thường nằm trong các xưởng nhỏ, các hộ gia đình. Ông cho rằng nhiệm vụ ngăn ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em cũng là trách nhiệm của cả cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý đặc biệt khi Việt Nam được lựa chọn là một trong những quốc gia tiên phong đi đầu trong liên minh 8.7. Liên minh 8.7 (Alliance 8.7) là một đối tác toàn cầu cam kết đẩy nhanh hành động, thúc đẩy sự đổi mới, tạo ra kiến thức và tận dụng các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đã cam kết, trong đó có mục tiêu phát triển bền vững về xoá bỏ cưỡng bức lao động, chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại, mua bán người và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em nặng nhọc, nguy hiểm.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các chuỗi cung ứng sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ phục vụ hàng triệu người mỗi ngày có nguy cơ tồn tại lao động trẻ em. Doanh nghiệp cần phải chú ý để đảm bảo chuỗi cung ứng của họ không có lao động trẻ em, nếu không sẽ bị mất uy tín và ảnh hưởng xấu đến công việc kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều chủ doanh nghiệp chưa có nhận thức đúng về lao động trẻ em. Trong khuôn khổ hợp tác với Dự án Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia Phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam, VCCI xây dựng: Tài liệu hướng dẫn phòng ngừa lao động trẻ em tại nơi làm việc; Quy tắc ứng xử của người sử dụng lao động về phòng ngừa và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em; Tài liệu hướng dẫn giảng viên cho khóa tập huấn doanh nghiệp về phòng ngừa lao động trẻ em.
Các đại biểu dự Đối thoại cho rằng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại tự do ngày càng sâu rộng của Việt Nam, việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trong các chuỗi cung ứng sẽ ngày càng được được quan tâm hơn, đặc biệt là vấn đề lao động trẻ em. Do đó, việc phòng ngừa, giảm thiểu và tiến tới chấm dứt lao động trẻ em phải được thay đổi từ nhận thức của chính các em, gia đình, cộng đồng và của cả doanh nghiệp.
Các chuyên gia đều cho rằng cần có sự tham gia thường xuyên, liên tục, bền vững, sự liên kết, phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội, các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng. Đây cũng là một trong những mục tiêu chính thông qua 04 phiên trong khuôn khổ hội thảo hướng đến, bao gồm: vận động và nâng cao nhận thức cho các bên liên quan về các cam kết và nghĩa vụ quốc tế liên quan đến các vấn đề lao động trẻ em trong bối cảnh hội nhập kinh tế thông qua các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm và thực hành tốt trong phòng ngừa và bảo vệ lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng; và thu thập ý kiến đóng góp và các đề xuất phát triển mô hình doanh nghiệp không sử dụng lao động trẻ em.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam tổng hợp (Hồng Vân)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>