Hoạt động >> Hoạt động khác

Tham dự cuộc họp về Hiệp định CPTPP tại Hà Nội

07/03/2019

 Để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ngày 19/02/2019 tại Hà Nội, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã tổ chức cuộc họp với các hiệp hội ngành hàng nông, lâm, thủy sản để thảo luậntrao đổi thông tin


 Về phía Cục Xuất Nhập khẩu, có sự tham dự của ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng cùng với sự hiện diện của các đại diện phòng ban chuyên môn.Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam đã cử đại diện tham dự.

Đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam đã báo cáo tóm tắt tình hình ngành hàng. Trong những năm qua, ngành cao su Việt Nam, gồm 3 nhóm sản phẩm chính là cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su và gỗ cao su, đã có những bước phát triển, tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu. Năm 2018, toàn ngành cao su ước tính đã đóng góp trên 6 tỷ USD vào tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Trước bối ảnh các cơ hội, tiềm năng cùng với triển vọng, thách thức từ Hiệp định CPTPP, Hiệp hội đã có những đánh giá bước đầu như sau:
- Đối với cao su thiên nhiên, CPTPP cùng với Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ đưa thuế nhập khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam từ thuế suất 3% giảm còn 0%. Điều này tạo thuận lợi rất lớn cho các nhà chế biến lốp xe đang phát triển lốp radial bố thép và có nhu cầu nhập khẩu những chủng loại phù hợp nhưng Việt Nam sản xuất ít như TSR 20, TSR 10, RSS. Đồng thời, các nhà chế biến sản phẩm từ latex có cơ hội nhập khẩu cao su ly tâm của Mã Lai, Thái Lan với thuế suất 0% để tránh thiếu hụt nguồn nguyên liệu, đặc biệt vào mùa khô. Nhưng chính sách thuế nhập khẩu này dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt cho cao su thiên nhiên Việt Nam ngay trên “sân nhà” với cao su nhập khẩu từ các nước trong khu vực, trong khi việc xuất khẩu cao su Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do giá thấp và cung vượt cầu trên thế giới.  
- Đối với sản phẩm cao su, CPTPP tạo cơ hội cho sản phẩm cao su Việt Nam mở rộng thị trường đến các nước mà công nghiệp sản phẩm cao su chưa phát triển nhiều như Peru, Chile,Brunei. Đồng thời, Việt Nam có thể nhập khẩu cao su tổng hợp, máy móc thiết bị hiện đại từ các nước có thế mạnh như Nhật Bản, Canada, Singapore với mức thuế ưu đãi, nhờ vậy sẽ giúp doanh nghiệp giảm giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của những nước có ngành công nghiệp chế biến cao su phát triển mạnh như Nhật Bản, Canada, Malaysia với sản phẩm giá rẻ hơn khi thuế nhập khẩu được ưu đãi. Ngoài ra, hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu có yêu cầu chất lượng cao cũng sẽ là rào cản cần vượt qua để tận dụng cơ hội giảm thuế.
- Đối với sản phẩm gỗ cao su, nhu cầu của thị trường đang tăng nhanh khi xu hướng sử dụng rừng trồng được khuyến khích ở nhiều nước. Được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với nguyên vật liệu và thiết bị cao cấp cần cho công nghiệp chế biến gỗ, sẽ giúp ngành gỗ cao su Việt Nam giảm giá thành, chuyển đổi sang công nghệ tiến bộ và nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhưng trong tương lai, lợi thế về giá sẽ không còn thu hút khách hàng nhiều nếu không có giấy chứng nhận nguồn gốc hợp pháp và quản lý bền vững cho gỗ cao su.
Tại cuộc họp này, đại diện Cục Xuất Nhập khẩu và các hiệp hội ngành hàng đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP cũng như một số vấn đề mang đậm tính thời sự như ảnh hưởng, tác động về sản xuất và xuất nhập khẩu của ngành hàng trước diễn biến xung đột thương mại Hoa  Kỳ Trung Quốc….
Bên cạnh đó, đại diện Phòng Xuất xứ Hàng hóa trực thuộc Cục đã thông tin đến các hiệp hội về việc sẽ tổ chức hội thảo về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP vào cuối tháng 02/2019 để các hiệp hội cùng doanh nghiệp Hội viên đăng ký tham dự.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Ngọc Thúy)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>