Tham quan nhà máy cao su Lao Thai Hua
Đoàn đại biểu tham quan và làm việc tại Lao Thai Hua Rubber
Ngày 14/11/2024, Hiệp hội Cao su Lào đã chủ trì và tổ chức chuyến tham quan đến nhà máy của công ty Lao Thai Hua Rubber. Tại đây, đại diện Thai Hua đã giới thiệu về dự án Cơ chế phát triển sạch (CDM) và Tiêu chuẩn các-bon tự nguyện (VCS) được công ty triển khai tại quận Pakkading, tỉnh Bolikhamsay, Lào. Dự án được khởi động từ năm 2008 trên tổng diện tích hơn 660 ha. Trong khuôn khổ dự án, người dân là phía cung cấp đất đai canh tác và sức lao động, còn nhà đầu tư cung cấp vốn, hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ tiếp cận thị trường. Ngoài ra, đây cũng là dự án đầu tiên về nông lâm kết hợp tại Lào được đăng ký vá cấp phép bán tín chỉ các-bon từ các vườn cao su. Tới thời điểm hiện tại, dự án đã hoàn thành hai đợt bán tín chỉ giảm phát thải tự nguyện (Voluntary Emission Reduction – VER) cho công ty tư vấn tài chính các-bon South Pole (Thụy Sĩ). Doanh thu từ việc bán tín chỉ các-bon được chia thành ba phần: (1) đóng góp quỹ của làng dân cư trong diện tích dự án với mức 10.000 kip/ha/năm (0.45 USD/ha/năm), (2) chủ vườn cây tham gia dự án được chia sẽ 10% thu nhập từ bán tín chỉ các-bon, (3) lợi nhuận của doanh nghiệp/nhà đầu tư chiếm khoảng 80%, một phần lợi nhuận sẽ được dùng để thuê chuyên gia giám định (hoạt động sẽ phải được tiến hành mỗi 3 năm) và chi trả một số chi phí hành chính khác.
Buổi trao đổi thông tin về hoạt động hỗ trợ đáp ứng Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR)
Buổi trao đổi thông tin về hoạt động hỗ trợ đáp ứng EUDR
Cùng trong ngày 14/11/2024, Tổ chức Forest Trends và Hiệp hội Cao Su Việt Nam phối hợp tổ chức Buổi trao đổi thông tin về hoạt động hỗ trợ đáp ứng EUDR. Buổi trao đổi đã là cầu nối để các bên nắm bắt tình hình khó khăn, thách thức, nhu cầu tiếp cận thông tin, phương pháp thích ứng và các kiến nghị của Hội viên, doanh nghiệp ngành cao su tại Lào trong quá tình chuẩn bị thích ứng với EUDR. Ngoài ra, đại diện Forest Trends cũng chia sẻ về các cơ hội hợp tác, hoạt động từ các tổ chức quốc tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tại các nước sản xuất đáp ứng với quy định trên.
Hội thảo: “Thúc đẩy sản xuất, thương mại và đầu tư bền vững vào ngành cao su thiên nhiên khu vực Đông Nam Á”
Ngày 15/11/2024, Hội thảo: “Thúc đẩy sản xuất, thương mại và đầu tư bền vững vào ngành cao su thiên nhiên khu vực Đông Nam Á” đã diễn ra với sự tham dự của gần 100 đại biểu qua hình thức dự trực tiếp và trực tuyến nhằm chia sẻ thông tin và tăng cường kết nối giữa các quốc gia sản xuất cao su về phát triển bền vững và đầu tư có trách nhiệm.
Theo chia sẻ của các diễn giả tại Hội thảo, điểm chung của ngành cao su trong khu vực Đông Nam Á là tỉ lệ diện tích cao su tiểu điền lớn, chuỗi cung có nhiều thành phần kinh tế và nhiều trung gian tham gia. Ngành cao su Đông Nam Á, với tỷ lệ diện tích cao su tiểu điền lớn và chuỗi cung ứng phức tạp, đang đối mặt với những yêu cầu khắt khe từ thị trường quốc tế về truy xuất nguồn gốc và kinh doanh có trách nhiệm. Bên cạnh nguồn cung nội địa, nhiều quốc gia trong khu vực còn nhập khẩu mủ cao su, tạo áp lực lớn trong việc xây dựng hệ thống trách nhiệm giải trình.
Một thách thức đáng kể là vấn đề trộm mủ cao su. Tại Lào, khoảng 20% sản lượng mủ bị ăn trộm và xuất khẩu trái phép với giá cao hơn trong nước, gây rủi ro pháp lý cho các doanh nghiệp nhập khẩu sử dụng nguồn nguyên liệu này. Ngoài ra, vấn đề nguồn gốc đất đai cũng đáng lo ngại, đặc biệt tại Campuchia, nơi nhiều diện tích cao su nhượng điền được lấy từ đất của cộng đồng bản địa hoặc qua hoạt động phá rừng kéo dài nhiều năm. Những vấn đề này có thể dẫn đến tranh chấp pháp lý liên quan đến quyền của người bản địa và tính hợp pháp của đất trồng cao su.
.png)
Tại phiên thảo luận, các đại biểu nhận định chuỗi cung ứng cao su Đông Nam Á còn nhiều hạn chế, đòi hỏi sự tham gia mạnh mẽ của Chính phủ để giải quyết. Doanh nghiệp và các bên liên quan cần tiếp tục lên tiếng về thách thức, từ đó thúc đẩy Chính phủ trao đổi và hành động nhằm minh bạch hóa chuỗi cung ứng. Hiện có nhiều bộ tiêu chí phát triển bền vững, song thiếu sự phù hợp với đặc thù địa phương hoặc quốc gia. Việc xây dựng tiêu chí chung cho khu vực hoặc toàn cầu sẽ hỗ trợ phát triển bền vững, nhưng cần xem xét các ưu tiên khác nhau và cấp quyền ra quyết định trong chuỗi cung ứng.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh rằng mặc dù các chứng chỉ như FSC, PEFC chưa đáp ứng trực tiếp các quy định như EUDR, nhu cầu đối với sản phẩm có chứng nhận này đang gia tăng. Việc đạt chứng chỉ không chỉ tăng cơ hội bán hàng mà còn giúp doanh nghiệp triển khai nông nghiệp bền vững và minh bạch hóa chuỗi cung ứng. Các sáng kiến về đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm và kết quả thực hiện giữa các quốc gia trong ngành cao su được đánh giá là cần thiết. Đề xuất thành lập nhóm công tác hoặc diễn đàn chung quy tụ tổ chức, hiệp hội trong khu vực cũng nhận được sựủng hộ cao.
Một nội dung khác cũng nhận được ý kiến thống nhất cao là các nguồn lực hỗ trợ cần tập trung vào tiểu điền nâng cao năng lực, được giá bán cao hơn, thị trường tốt hơn, được tư vấn về bảo vệ môi trường, bảo đảm quá trình chuyển đổi sang các định hướng phát triển bền vững đem lại lợi ích cho tiểu điền. Việc xây dựng bộ hướng dẫn theo hướng đơn giản hóa các quy định để hỗ trợ cho các nhóm hộ tiểu điền, doanh nghiệp nhỏ chưa có khả năng tự thích ứng ngay với các quy định mới và ngày càng khắt khe của thị trường (như EUDR) được đánh giá là hoạt động có thể triển khai ngay trong ngắn hạn và mang lại hiệu quả cho các bên dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng.