Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch VRA – cho biết, năm 2023, nền kinh tế nói chung và ngành cao su nói riêng đã phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn. Liên minh châu Âu đã ban hành Quy định chống mất rừng (EUDR), ngoài ra, không chỉ các quốc gia và vùng lãnh thổ dần đưa ra các cam kết và quy định chặt chẽ nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững mà các bên tiêu thụ, khách hàng cũng ngày càng quan tâm sát sao về vấn đề này. Điều này đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp cao su cũng phải nỗ lực chuyển đổi để thích ứng với môi trường thay đổi nhanh chóng và liên tục, duy trì thị phần lâu dài và ổn định. Việc thực hiện tốt phát triển bền vững sẽ tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong việc nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh, thu hút khách hàng, cũng như cải thiện được năng suất và giảm chi phí nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu đang có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch VRA
phát biểu tại Hội nghị và trao quà lưu niệm cho các báo cáo viên
Giáo sư Joseph Adelegan, Tổng Thư ký Tổ chức Nghiên cứu Cao su quốc tế (IRSG) và Tiến sĩ Jiang Zhengyi, Trưởng Ban Kinh tế và Thống kê IRSG đã có chia sẻ tại Hội nghị với báo cáo “Sự thích ứng của ngành cao su toàn cầu với xu hướng mới nổi: Chuyển đổi thách thức thành cơ hội”. IRSG đánh giá trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các quy định như EUDR ra đời, các sản phẩm phát thải thấp được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội tăng trưởng và tài chính là chìa khóa cho sự thích ứng và khả năng phục hồi cho các doanh nghiệp, quốc gia. IRSG cũng chia sẻ về biện pháp thích ứng của ngành cao su toàn cầu với các xu hướng mới nổi, như mô hình nông lâm kết hợp để hỗ trợ tài chính cho các hộ tiểu điền, thích ứng với biến đổi khí hậu hiện gây tác động tiêu cực đến sản lượng cao su; áp dụng khoa học công nghệ để tối ưu hóa việc quản lý cây trồng, cải thiện tính minh bạch và hiệu quả của việc phát hành trái phiếu liên kết bền vững; nâng cao năng lực chế biến cao su thiên nhiên (CSTN) để gia tăng giá trị sản phẩm; điều chỉnh nhà cung cấp và khách hàng dựa trên các cân nhắc các điều kiện về chi phí – lợi ích và địa chính trị nhằm thích ứng với sự chuyển dịch chuỗi cung ứng CSTN toàn cầu.
Về kết quả thực hiện phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam, ông Huỳnh Tấn Siêu – Trưởng Ban Công nghiệp Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) báo cáo, đã có 32 công ty thành viên VRG xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững đạt hơn 279,3 ngàn ha đáp ứng theo thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018, 18 công ty thành viên được cấp chứng chỉ rừng bền vững theo VFCS/PEFC-FM với hơn 118,3 ngàn ha cao su, 37 nhà máy (chế biến cao su thiên nhiên, chế biến gỗ và sản phẩm công nghiệp cao su) được cấp chứng chỉ quản lý chuỗi hành trình sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế PEFC-CoC. Ông Phan Đỗ Trọng Nhân – Trưởng ban Phát triển bền vững Công ty TNHH SX Cao su Liên Anh cho biết, năm 2023, công ty trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên đạt chứng chỉ FSC cho mủ cao su tại Việt Nam. Năm 2024, công ty sẽ mở rộng thêm 400 ha và sẽ hoàn thành cấp chứng nhận tổng cộng là 1.000 ha. Về kế hoạch lâu dài, Công ty sẽ liên kết thêm nhiều hộ tiểu điền, hướng tới năm 2027 sẽ thực hiện mở rộng thêm 2.000 ha, nâng tổng diện tích được chứng nhận lên 3.000 ha. Công ty cũng đang thúc đẩy đảm bảo các yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm cao su từ thành phẩm đến khu vực trồng cây phải thống nhất và có tính hệ thống, quản lý truy xuất nguồn gốc bằng phần mềm để tiết kiệm thời gian hơn phương pháp thủ công và thích ứng với xu hướng thị trường. Ông Võ Hoàng An – Tổng Thư ký VRA cũng khuyến nghị, để thích ứng với sự chuyển mình của thị trường, ngành cao su Việt Nam cần được định hướng theo phát triển xanh và tuần hoàn, đảm bảo chất lượng đồng đều, tiếp tục phát triển thương hiệu, hướng đến giảm sự lệ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Về phía các hệ thống chứng nhận bền vững, ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO) cho biết Việt Nam đã đặt ra khung pháp lý và hành động mạnh mẽ để quản lý rừng bền vững và sử dụng các nguồn gỗ hợp pháp/được chứng nhận. VFCO và PEFC đang hợp tác để thực hiện các mục tiêu quản lý rừng bền vững của Việt Nam và đảm bảo tính hợp pháp, tính bền vững và tính toàn vẹn, phù hợp với các yêu cầu của EUDR. VFCO cũng khuyến nghị, các ngành hàng cần xây dựng sự sẵn sàng của các hộ tiểu điền và doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của EUDR. Bà Vũ Thị Quế Anh – đại diện FSC Việt Nam cho biết, bộ tiêu chí của FSC dành cho nhóm hộ xem các phụ lục là hướng dẫn thay vì là tài liệu bắt buộc nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tham gia hệ thống chứng nhận, và nếu tiểu điền không liên quan trực tiếp đến việc chuyển đổi rừng tự nhiên sau năm 1994 thì vẫn có thể đáp ứng được yêu cầu của bộ tiêu chí. FSC cũng sẽ tiếp tục cập nhật bộ tiêu chuẩn thường xuyên để thích ứng với xu hướng thị trường trong tương lai. Năm 2024, FSC đặt mục tiêu hoàn thiện bộ công cụ mà các doanh nghiệp có thể tham khảo, áp dụng để đáp ứng yêu cầu của EUDR.
Hội thảo cũng có sự tham gia của Công ty TNHH Koltiva – đơn vị cung cấp các giải pháp chuyển đổi số nhằm nâng cao tính minh bạch, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm ngành nông nghiệp. Để thích ứng với các quy định mới như EUDR, công ty khuyến nghị các doanh nghiệp ngành cao su có thể áp dụng các mô hình như: Nhà chế biến sử dụng ứng dụng khảo sát và hệ thống theo mô hình phần mềm dưới dạng dịch vụ; Mô hình kết hợp để khảo sát giữa đội ngũ của nhà chế biến và nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba; Thuê hoàn toàn dịch vụ bên thứ ba để triển khai. Đối với việc lập bản đồ vùng trồng, nên tận dụng một cách hiệu quả chi phí lập bản đồ để bao phủ các khu vực chính cung cấp cao su trước khi mở rộng ra các khu vực khác.
Quang cảnh Hội nghị
Bên cạnh đó, chủ đề về xu hướng giá và các động lực trên thị trường cao su cho năm 2024 cũng rất được quan tâm. Chia sẻ về chủ đề này, ông Jom Jacob, Chuyên gia phân tích và Nhà đồng sáng lập công ty thông tin thị trường cao su WhatNext cho biết giá CSTN có thể tăng trở lại khi nguồn cung thế giới trở nên khan hiếm vào cuối quý I năm 2024. Giá dự kiến sẽ giảm nhẹ khi nguồn cung cải thiện trong quý IV năm 2024, và mặc dù nguồn cung có thể cải thiện trong quý IV năm 2024 do yếu tố thuận lợi theo mùa vụ, nhưng nhu cầu tiềm năng tăng lên có thể sẽ hạn chế lượng hàng sẵn có trên thị trường. Nhu cầu từ Hoa Kỳ và châu Âu có thể sẽ lấy lại sức mạnh vào quý cuối năm 2024 khi các Ngân hàng Trung ương bắt đầu cắt giảm lãi suất và hoạt động kinh tế để phục hồi đà tăng trưởng. Trung Quốc cũng có thể hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế ở các nước tiên tiến ở phương Tây vì xuất khẩu của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào thị trường Hoa Kỳ và châu Âu. Triển vọng về nhu cầu có thể dẫn đến việc các công ty lốp xe mua CSTN trong quý IV năm 2024. Trong trường hợp nhu cầu tăng mạnh, giá có thể duy trì đà tăng ngay cả trong quý IV năm 2024.
Văn phòng HHCSVN (Hương Giang)