Hoạt động >> Hỗ trợ Hội viên

Khảo sát về mức độ sẵn sàng đáp ứng Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) của Doanh nghiệp cao su

09/10/2024

Hiệp hội Cao su Việt Nam tiến hành thực hiện khảo sát về mức độ sẵn sàng đáp ứng EUDR nhằm nắm bắt tình hình khó khăn, thách thức cũng như nhu cầu tiếp cận các thông tin, phương pháp thích ứng và các kiến nghị của Hội viên, DN ngành cao su.


Liên minh châu Âu (EU) là đối tác có cơ cấu kinh tế không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam và là thị trường có sức mua lớn thứ hai thế giới. EU cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam và có thể giúp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản... Đối với ngành cao su Việt Nam, bao gồm các nhóm mặt hàng cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su, gỗ và sản phẩm gỗ cao su, tuy EU không phải thị trường xuất khẩu dẫn đầu nhưng vẫn là khách hàng quan trọng. Kể từ khi được công bố, Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) đã trở thành chủ đề được đặc biệt quan tâm do những tác động và thay đổi mà quy định này đặt ra cho các quốc gia đối tác thương mại, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sang EU. Khi thời điểm EUDR đi vào hiệu lực đang gần kề, bên cạnh những ý kiến ủng hộ, cam kết tuân thủ quy định, thị trường cũng nhận được những phản hồi về thách thức được đặt ra cho các bên trong chuỗi cung ứng, những đề nghị làm rõ các yêu cầu, chi tiết của quy định.

Trong bối cảnh trên, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) tiến hành thực hiện khảo sát về mức độ sẵn sàng đáp ứng EUDR nhằm nắm bắt tình hình khó khăn, thách thức cũng như nhu cầu tiếp cận các thông tin, phương pháp thích ứng và các kiến nghị của Hội viên, DN ngành cao su. Hoạt động này sẽ tạo tiền đề để Hiệp hội tăng cường các hoạt động hỗ trợ và phản ánh các thách thức của ngành cao su trong việc đáp ứng EUDR đến các cơ quan Bộ, ngành.
Hầu hết các DN tham gia khảo sát phản hồi đã biết về EUDR. Các DN có vườn cây, nhà máy hiện đang trong quá trình chuẩn bị hoặc đã chuẩn bị đầy đủ, trong khi đó, một số DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh cho biết không trực tiếp thực hiện các biện pháp thích ứng và cần tìm kiếm các đơn vị sản xuất có thể đáp ứng với quy định. Do tính chất phức tạp, manh mún của chuỗi cung ứng, việc thích ứng EUDR khó có thể được thực hiện đơn lẻ mà cần sự phối hợp của nhiều bên. Vì vậy, các DN ngành cao su cũng đã liên hệ, hợp tác với đơn vị tư vấn hoặc khách hàng là các nhà sản xuất sản phẩm hoặc đơn vị cung ứng nguồn nguyên liệu để trao đổi về phương pháp hoặc công nghệ thích ứng với quy định mới. Ngoài ra, một số DN ngành cao su đã bước đầu triển khai số hóa, chuẩn hóa hệ thống hồ sơ, tài liệu và dữ liệu bản đồ số cho vùng trồng, vườn cây công ty, xây dựng hệ thống truy xuất sản phẩm đến vườn cây.
Các DN quốc doanh và các DN đạt các chứng chỉ bền vững có kinh nghiệm hơn trong quá trình này, vì vậy có lợi thế trong việc tìm hiểu, từng bước cải thiện quá trình số hóa dữ liệu, cung cấp hồ sơ truy xuất nguồn gốc đáp ứng với quy định. Để đáp ứng yêu cầu về tuân thủ luật pháp, DN cũng tiến hành rà soát nguồn gốc, ranh giới và giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, theo định hướng của Chính phủ, DN ngành cao su Việt Nam đang tích cực thực hiện các giải pháp phát triển bền vững thông qua các chứng chỉ rừng bền vững quốc gia (VFCO) và quốc tế (PEFC, FSC). Các bên trong chuỗi cung, đặc biệt là DN sản xuất, đã tập trung đầu tư tài chính và nhân lực cho các hệ thống này trong một thời gian dài để có những mô hình sản xuất cao su bền vững. Tuy nhiên, một đặc điểm của EUDR và cách EU xây dựng quy định này là chưa có một danh sách cố định các nội dung hay hoạt động cần thực hiện, cũng không có chứng nhận toàn ngành nào cho EUDR, điều này sẽ gây thêm nhiều áp lực đối với DN trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Tính tới tháng 8/2024, các chứng chỉ bền vững nổi bật như PEFC và FSC đã cập nhật các tiêu chí, tiêu chuẩn trong hệ thống để phù hợp với thực tiễn và thích ứng với yêu cầu của EUDR, tuy nhiên, vẫn cần thời gian để các đơn vị được cấp chứng nhận tìm hiểu và thích ứng với các điểm đổi mới.
Đối với nguồn nguyên liệu tiểu điền, một số DN đã phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền các quy định EUDR tới người dân, tuy nhiên, đa phần người dân vẫn còn hạn chế hiểu biết về quy định để phối hợp cung cấp thông tin về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vị trí địa lý, thông tin quyền sở hữu đất… Ngoài ra, việc xây dựng và nâng cao năng lực cho nguồn lao động, các bên trong ngành, cũng là hoạt động cần thiết để toàn ngành đáp ứng với EUDR. Các DN ngành cao su đã tổ chức các chương trình đào tạo cho cán bộ, nhân viên về yêu cầu của EUDR và cách tuân thủ quy định này.
Theo ý kiến khảo sát, đa số DN tham gia khảo sát cho biết khó khăn lớn nhất trong việc tuân thủ EUDR là theo dõi chuỗi cung ứng và thiếu thông tin chi tiết về quy định (như hướng dẫn cụ thể từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xếp hạng mức độ rủi ro của quốc gia, các giải pháp công nghệ được EU công nhận…). Ngành cao su Việt Nam có chuỗi cung phức tạp và manh mún do chưa có sự quản lý chặt chẽ đối với các bên, đặc biệt là hộ tiểu điền. Hiện nay, hơn 60% nguồn cung cao su thiên nhiên đến từ hơn 260 ngàn hộ tiểu điền khắp cả nước. Vì vậy, các hộ tiểu điền cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi EUDR được áp dụng do quá trình thẩm định yêu cầu nhiều hồ sơ, giấy tờ liên quan và tốn kém. Phần lớn DN tham gia bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được các hỗ trợ từ Bộ ngành, chính quyền địa phương trong việc hướng dẫn chi tiết và kịp thời quy trình thực hiện để đáp ứng các yêu cầu của EUDR.
Với vai trò hỗ trợ Hội viên, DN ngành cao su, Hiệp hội đã xây dựng Chương trình hành động hỗ trợ Hội viên đáp ứng EUDR trong khuôn khổ Khung Kế hoạch hành động thích ứng với EUDR của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Công văn 5179/BNN-HTQT ngày 01/8/2023) với các nội dung chính bao gồm Tuyên truyền và nâng cao nhận thức thông qua các kênh truyền thông chính thức như website, bản tin điện tử và các văn bản hướng dẫn; Phối hợp với các NGO hỗ trợ Hội viên trong việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cao su, từ khâu sản xuất đến chế biến và xuất khẩu; Đối thoại chính sách và kết nối Bộ, ngành; Thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Từ kiến nghị của Hội viên thông qua hoạt động khảo sát, Hiệp hội sẽ tiếp tục đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự thảo và ban hành tài liệu kỹ thuật hướng dẫn cho ngành cao su. Đồng thời, đề nghị Nhà nước nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ DN và nâng cao năng lực tiểu điền trong việc thích ứng với EUDR, đặc biệt là về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, Hiệp hội cử đại diện tham gia các Nhóm công tác liên quan của Bộ nhằm chia sẻ thông tin và kịp thời phản ánh các thách thức của ngành cao su trong việc đáp ứng EUDR đến với Bộ, ngành.
Để đảm bảo tất cả các bên liên quan trong chuỗi cung ứng cùng tham gia vào các hoạt động chuyển đổi thích ứng với EUDR, ngành cao su cần sự hỗ trợ từ Bộ, ngành, chính quyền địa phương để cùng xây dựng giải pháp đồng hành cùng DN và tiểu điền thực hiện hiệu quả và kịp thời các hoạt động đáp ứng yêu cầu mới của thị trường.
Văn phòng HHCSVN tổng hợp (Diệu Bùi)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>