Hoạt động >> Hỗ trợ Hội viên

Hội nghị quốc tế ngành cao su tại Việt Nam: “Sẵn sàng cho “Bình thường mới” tiếp theo: Hướng đi tương lai cho ngành cao su”

11/01/2022

Ngày 17/12/2021, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã tổ chức Hội nghị quốc tế ngành cao su tại Việt Nam: “Sẵn sàng cho “Bình thường mới” tiếp theo: Hướng đi tương lai cho ngành cao su” trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2021. Tham dự Hội thảo có các đại diện lãnh đạo đến từ Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), các tổ chức nghiên cứu và phát triển và đông đảo doanh nghiệp (DN) cao su trong và ngoài nước.


Phát biểu chào mừng Hội nghị, bà Bùi Thị Thanh An – Phó Cục trưởng Cục XTTM cho biết ngành cao su nằm trong nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, kim ngạch luôn tăng trưởng trong những năm qua, đạt trên 2 tỷ USD. Hội nghị quốc tế ngành cao su tại Việt Nam năm 2021 là một trong những sự kiện XTTM trực tiếp được triển khai sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đây cũng là sự kiện mang tính thiết thực và hiệu quả, được Bộ Công Thương phê duyệt trong Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến Thương mại hàng năm.

Tại Hội nghị, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam – cho biết, đại dịch COVID-19 đã và đang làm thay đổi toàn diện cấu trúc xã hội, tạo nên những tác động đa chiều đến hầu hết mọi lĩnh vực, ngành nghề. Trong bối cảnh này, hoạt động sản xuất và xuất khẩu của ngành cao su thế giới cũng phải đối mặt với tác động của điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiếu nhân công và dịch bệnh nấm lá cao su ở một số nước sản xuất lớn cũng như tình trạng tắc nghẽn cảng biển. Những thách thức này đã tạo ra động lực thúc đẩy thực hiện các cam kết về phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và những nỗ lực hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon; cũng như ứng dụng chuyển đổi số để tìm ra các giải pháp cho tình trạng tắc nghẽn cảng biển và gián đoạn sản xuất. Đây cũng chính là những chủ đề được quan tâm nhằm thúc đẩy công cuộc phục hồi và phát triển trên các lĩnh vực, từng bước kiến tạo trạng thái Bình thường mới trong giai đoạn tiếp theo.
Ông Salvatore Pinizzotto, Tổng Thư ký, Tổ chức Nghiên cứu Cao su quốc tế (IRSG) đã có chia sẻ trực tuyến tại Hội nghị với báo cáo “Xu hướng và các tác động đối với ngành cao su toàn cầu trong tình hình mới”. Theo ông, biến đổi khí hậu đã và đang tác động lên hoạt động sản xuất cao su. Nhiệm vụ cấp bách là tìm ra cách thức bảo vệ và tăng trưởng bền vững hoạt động sản xuất cao su trên toàn cầu trong dài hạn, thích ứng và góp phần làm giảm tác động của biến đổi khí hậu. Các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu phải được triển khai trên cơ sở khoa học và hiểu biết chung về các thách thức đang đối mặt và cùng tìm ra giải pháp phù hợp. Ngoài ra, ông còn đưa ra một số khuyến nghị như cần hợp tác giữa các quốc gia và giữa các bên liên quan gồm Chính phủ, DN, viện nghiên cứu và tổ chức xã hội dân sự; cần đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trên toàn chuỗi cung ứng cao su, ở cả cấp độ DN và ngành hàng; cần xây dựng chiến lược phát triển thị trường.
Với bài trình bày “Thành tựu và triển vọng ngành cao su Việt Nam”, ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã khẳng định cao su là nông sản đầu tiên và duy nhất xây dựng và phát triển thành công Nhãn hiệu chứng nhận đã được bảo hộ tại 5 thị trường là Đài Loan, Ấn Độ, Lào, Trung Quốc, Campuchia. Ngành cao su Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội phát triển nhưng những thách thức về chất lượng, dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu và cạnh tranh gay gắt đang tác động đến ngành. Vì vậy, ngành cao su Việt Nam đang duy trì tốc độ tăng trưởng, gia tăng giá trị chuỗi sản phẩm và đang hướng đến sự phát triển bền vững ở toàn bộ chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu và nội địa về sản phẩm bền vững.
Ông Diệp Xuân Trường, Phó Trưởng Ban Công nghiệp, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho biết việc thực hiện chứng chỉ rừng đem lại các lợi ích bao gồm: Nâng cấp hệ thống quản lý trong các công ty thành viên; Tăng hiệu quả sản xuất; Giảm ảnh tác động đến môi trường và ngày càng cải thiện xã hội; Tạo dựng niềm tin của thị trường về cao su bền vững và truy xuất được nguồn gốc hợp pháp, nâng cao thương hiệu VRG; Tạo động lực và liên kết trong chuỗi cung ứng ngành cao su bền vững. Vì vậy, VRG sẽ tiếp tục duy trì, mở rộng diện tích đạt VFCS/PEFC-FM và nhà máy đạt PEFC-CoC, đồng thời thực hiện lộ trình tái kết nối với FSC để hướng đến việc đạt chứng chỉ FSC trong thời gian sớm nhất.
Chia sẻ về chủ đề Chuyển đổi số: Giải pháp cho ngành cao su hậu COVID-19, ông Suntara Jumreornvong, Phụ trách Dịch vụ số, TÜV SÜD Thái Lan cho biết chỉ 7% các nhà sản xuất có chiến lược chuyển đổi công nghiệp 4.0. Một nghiên cứu gần đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy rằng 84% lãnh đạo doanh nghiệp dự đoán Công nghiệp 4.0 sẽ làm xáo trộn mô hình hoạt động trong vài năm tới. Hiện nay, DN đối mặt với thách thức từ hệ thống lỗi thời và tính khả dụng, đồng thời, thiếu tính nhận diện trong chuỗi cung ứng và vận hành. Với phương pháp tiếp cận chuyển đổi Công nghiệp 4.0 của TÜV SÜD trải qua 3 giai đoạn (hình dung và đánh giá, phát triển và thể hiện, điều chỉnh quy mô và duy trì), TÜV SÜD mong muốn truyền cảm hứng về niềm tin vào công nghệ, thúc đẩy tiến bộ thông qua kiểm soát rủi ro liên quan đến công nghệ và thúc đẩy thay đổi.
Bà Phạm Thị Lan Hương, Trưởng ban Dịch vụ Logistics, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cũng có chia sẻ về giải pháp logistics trong xuất khẩu cao su. Theo bà, để đối phó với tình hình giá cước bất ổn cao tiếp tục trong 2022, nên xem xét khả năng thuê tàu rời đối với các lô hàng xuất khẩu số lượng lớn. Đồng thời, cần tái cấu trúc chuỗi cung ứng cao su theo mô hình tăng cường thu hút đầu tư FDI, trong nước về sản xuất cao su tổng hợp, sản xuất sản phẩm cao su dùng trong công nghiệp, y tế. Ngoài ra, các hiệp hội cần hợp tác để xây dựng lại sơ đồ chuỗi cung ứng cao su thiên nhiên và tổng hợp với các số liệu cập nhật để tìm giải pháp cắt giảm chi phí logistics.
 Một nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều quý đại biểu là Xu hướng giá cao su 2022 do ông DAR Wong, Giám đốc đầu tư, Công ty Tư vấn ALA trình bày. Ông cho biết trong quý I/2022, khả năng rất lớn thị trường sẽ phục hồi lại và giá cao su sẽ nằm ở khoảng 2.000 – 2.100 USD/tấn. Theo biểu đồ tháng, điểm kháng cự là 2,4 USD/kg, mức này có thể đạt được ở những tháng đầu tiên trong năm 2022. Từ tháng 6/2022 trở về sau thì khả năng rất lớn thị trường sẽ phục hồi với giá 3,8 USD/kg, miễn là đồng USD vẫn yếu. Dưới sự quản lý của chính quyền Tổng thống Biden, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục in tiền để đưa vào lưu thông, từ đó gây ra khủng hoảng tiền tệ và giá hàng hoá, trong đó có cao su sẽ quay lại cao. Nhìn chung, ông DAR Wong nhận định giá năm tới sẽ tăng lên khá mạnh, có nhiều hỗ trợ và sẽ nằm trong mức từ 2,1 – 3,8 USD/kg.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu tham dự đã đặt câu hỏi cho các diễn giả. Giải đáp những thắc mắc về chính sách giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành cao su ở các quốc gia, ông Salvatore Pinizzotto cho biết có rất ít quốc gia đề cập chính sách cho cao su khi xét đến tác động biến đổi khí hậu và cao su không phải là tác nhân đáng báo động. Chia sẻ về chiến lược chính của VRA đối với phát triển bền vững, ông Võ Hoàng An cho biết theo xu hướng xanh, phát triển bền vững là xu hướng của thế giới và ngành cao su không nằm ngoài xu hướng này. Cao su đã đi đầu trong các nông sản xây dựng nhãn hiệu chứng nhận đáp ứng tiêu chí kinh tế, xã hội và môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Là doanh nghiệp quốc doanh sản xuất cao su lớn nhất Việt Nam, VRG áp dụng giải pháp từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến, xuất khẩu, hướng đến tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế về chất lượng, bảo vệ môi trường, sản xuất xanh, sạch, trách nhiệm đầu tư, gắn kết cộng đồng. Ngoài ra, VRG sẽ thực hiện phương án quản lý rừng bền vững theo Thông tư 28 của Bộ NN&PTNT. Đồng thời, thực hiện chứng chỉ FSC và PEFC khi đủ điều kiện. Kết thúc phần hỏi đáp, các câu hỏi chưa được phản hồi tại Hội thảo sẽ được chuyển đến các diễn giả để giải đáp.
Văn phòng HHCSVN (Hiền Bùi)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>