Nhóm ngành cao su thiên nhiên ghi nhận mức tăng trưởng kết quả kinh doanh vượt trội trong quý IV năm 2024. Theo thống kê của Chứng khoán Phú Hưng, tốc độ tăng trưởng trung bình của nhóm này về doanh thu, lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 25%, 97% và 110% so với cùng kỳ. Các yếu tố thúc đẩy kết quả này bao gồm giá bán cao su bình quân quý IV năm 2024 tăng từ 30% – 40% so với cùng kỳ; Vườn cây tại Việt Nam, Lào, Cambodia đến chu kỳ khai thác chín muồi.
Ảnh minh họa
Chứng khoán Phú Hưng dự báo doanh nghiệp cao su nội địa sẽ duy trì khả năng tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm 2025 đến từ: Giá bán cao su loại SVR 10 dự phóng tăng trưởng ở mức 4% – 23% so với cùng kỳ đến ít nhất nửa sau năm 2025; Tận dụng lượng hàng tồn kho lớn vào cuối quý IV năm 2024. Thị trường tiêu thụ cao su nội địa hưởng lợi từ sự chuyển dịch đầu tư ngành săm lốp trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng. Giá cao su SVR 10 đang diễn biến theo kịch bản tích cực duy trì trên mức 2 USD/kg (>50.400 VND/kg). Trong tháng 01/2025, mức giá này đang ghi nhận tăng 24,5% so với bình quân quý I năm 2024.
Theo nhận định của Chứng khoán Phú Hưng, giá bán SVR 10 khả năng cao sẽ duy trì trên 1,8 USD/kg đến hết năm 2025 từ đó tiếp tục tạo mức tăng trưởng về giá bán cho các doanh nghiệp cao su của Việt Nam, nhờ các yếu tố hỗ trợ như nguồn cung cao su toàn cầu bị ảnh hưởng trong mùa khai thác cao điểm cuối 2024 và khó có thể cải thiện lập tức làm cho tình trạng thiếu hụt sẽ kéo dài đến mùa vụ khai thác mới từ tháng 6/2025 trở đi.
Ba nông trường cao su lớn là Thái Lan, Indonesia, Bờ Biển Ngà vốn đóng góp trên 60% nguồn cung cao su toàn cầu năm 2023 bị suy giảm sản lượng nghiêm trọng từ tháng 12/24 – 01/25 do thời tiết mưa bão lớn, dịch bệnh lá và giảm diện tích trồng. Theo chu kỳ sinh trưởng tự nhiên, cây cao su thường được khai thác đến tháng 1 hàng năm, sau đó ngừng cạo mủ từ 4 - 5 tháng để thay lá trước khi vào vụ khai thác mới. Vì vậy sản lượng mủ chỉ có thể dần được bổ sung trở lại từ tháng 6/2025 trở đi.
Nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu cao su duy trì ổn định do ngành công nghiệp ô tô tại 3 thị trường lớn gồm Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng với cả lĩnh vực tiêu thụ, sản xuất xe ô tô và lĩnh vực săm lốp. Thị trường ô tô toàn cầu dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025, theo S&P Global Mobility, doanh số bán xe dự kiến đạt 89,6 triệu xe, tăng 1,7% so với cùng kỳ, tương đương mức tăng trưởng năm 2024.
Sự kiện căng thẳng thương mại về việc Hoa Kỳ áp thuế nhập khẩu 25% hàng hóa từ Canada, Mexico và tăng thêm 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc từ ngày 04/02/2025 dự kiến sẽ không gây gián đoạn đến nhu cầu tiêu thụ mà chỉ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Theo đó, hoạt động sản xuất săm lốp tại Trung Quốc vẫn có khả năng tăng trưởng, ít bị ảnh hưởng khi Hoa Kỳ không là thị trường xuất khẩu trọng yếu. Theo dữ liệu Trung tâm Thương mại quốc tế về sản lượng xuất khẩu lốp của Trung Quốc đến các thị trường toàn cầu, thị phần xuất khẩu đến thị trường Hoa Kỳ đã giảm mạnh từ 15% vào năm 2018 xuống chỉ còn 3,6% vào năm 2024. Chuyển dịch sản xuất ngành lốp xe sang các thị trường tiềm năng trong đó có Việt Nam.
Thêm vào đó, căng thẳng thương mại sẽ giúp thị trường tiêu thụ cao su nội địa Việt Nam có thêm cơ hội từ làn sóng chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp sản xuất lốp xe hàng đầu thế giới. 2 tháng cuối năm 2024, tiếp tục có 2 dự án mở rộng lớn được thông báo với tổng công suất lốp xe tăng thêm 15 triệu lốp (Haohua Tire giai đoạn 2 – 10 triệu lốp và Kumho Tire giai đoạn 3 mở rộng – 5 triệu lốp), tương ứng 39% sản lượng lốp ô tô sản xuất tại Việt Nam năm 2023.
Thu Minh, nguồn: https://vneconomy.vn/cang-thang-thuong-mai-my-trung-tieu-thu-cao-su-noi-dia-viet-nam-them-co-hoi.htm, ngày 05/02/2025 (TN trích dẫn)