Theo số liệu ước tính năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt trên 16,2 tỷ USD. Trong đó, riêng sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt gần 9 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này đạt trên 230 triệu USD. Ngoài ra, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam. Ngành gỗ Việt Nam đã xuất siêu khoảng 8,8 tỷ USD trong hoạt động xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tại thị trường Hoa Kỳ. Từ số liệu thống kê cho thấy, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ Việt Nam.
Nhờ lợi thế về nhân công, chi phí sản xuất và tay nghề, sản phẩm gỗ Việt luôn chiếm được niềm tin của khách hàng, đối tác. Các sản phẩm gỗ Việt vì thế chịu sự cạnh tranh rất lớn từ truyền thống (cạnh tranh về giá, hạn ngạch thuế quan) đến phi truyền thống như các vụ kiện điều tra chống bán phá giá, kiện truy xuất nguồn gốc xuất xứ C/O. Trong bối cảnh cạnh tranh, bảo hộ gia tăng, các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đối diện nhiều hơn với các vụ kiện phòng vệ thương mại thế hệ mới. Tại thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp gỗ xuất khẩu Việt Nam đã, đang và sẽ đối diện ngày càng nhiều hơn các vụ kiện phòng vệ thế hệ mới, phức tạp, tốn kém và nguy hiểm hơn.
Theo ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng, Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương: “Tính đến hết tháng 11, các mặt hàng xuất khẩu là đối tượng điều tra lên tới 271 vụ việc phòng vệ thương mại. Thị trường Hoa Kỳ là thị trường rất tiềm năng, trong đó, có các doanh nghiệp đối rất lớn sẽ tác rất lớn của nền kinh tế Việt Nam. Qua đó, rất có thể xảy ra cạnh tranh về chống phá giá, phòng vệ thương mại giữa hai quốc gia, hai nền kinh tế. Việt Nam cần phải gia tăng năng lực cạnh tranh, như sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm của các doanh nghiệp ở các thị trường nội địa Hoa Kỳ và các quốc gia khác tới Hoa Kỳ. Năng lực cạnh tranh là những yêu cầu phải đáp ứng được cho thị trường, như sản xuất phải minh bạch, rõ nguồn gốc, đáp ứng các quy định của quốc gia. Đồng thời, chúng ta phải nâng cao chất lượng, tăng khả năng cung ứng sản phẩm tới thị trường, mẫu mã sản phẩm đẹp, giá cả hợp lý. Việt Nam có thể đối mặt với rủi ro với tình trạng hàng hoá Trung Quốc núp bóng hàng hoá Việt Nam. Đây là một nguy cơ mà chúng ta có thể đối mặt với mặt hàng gỗ xuất khẩu tới Hoa Kỳ”.
Nguồn: https://danviet.vn/truc-tiep-toa-dam-phong-ve-thuong-mai-doi-voi-nganh-go-va-san-pham-go-cua-viet-nam-20241227084102269.htm, ngày 27/12/2024 (TN trích dẫn)