Tin tức >> Kinh tế thế giới có liên quan

Cao su xanh: Biện pháp xanh cải thiện tác động của lốp xe đến môi trường

03/07/2023

Việc sử dụng cao su xanh và tái chế lốp xe đã hết tuổi thọ (ELT) có thể giảm thiểu tác động các-bon của ngành công nghiệp lốp xe. 


Phát thải các-bon từ lốp xe
Sự phát triển của phương tiện giao thông đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế nhưng mặt khác dẫn đến mức độ ô nhiễm ngày càng tăng. Ngành vận tải được cho là chiếm gần 1/4 lượng phát thải các-bon toàn cầu. Việc chuyển hướng sang các mẫu xe nhẹ, tiết kiệm nhiên liệu và xe điện (EV) có thể mang lại sự thay đổi cần thiết đối với ngành ô tô, nhưng việc áp dụng phổ biến chúng sẽ không diễn ra trong một sớm một chiều. Nhìn qua xe điện và ô tô hạng nhẹ, những người bảo vệ môi trường đã phát hiện ra lốp xe, bộ phận quan trọng nhất của phương tiện, là tác nhân gây ô nhiễm.
Những phát hiện gần đây của tổ chức Emissions Analytics cho thấy ô nhiễm từ lốp xe mòn còn tồi tệ hơn so với khí thải từ xe cộ. Các hạt vật chất có hại từ lốp xe cũng như phanh là một vấn đề môi trường đang gia tăng. Nhu cầu về xe điện ngày càng tăng, pin khiến chúng nặng hơn so với ô tô tiêu chuẩn, đồng thời các loại xe lớn, nặng như SUV, càng làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Ô nhiễm do hao mòn lốp xe hoàn toàn không được kiểm soát, không giống như khí thải đã được các nhà sản xuất ô tô giảm nhanh chóng do các quy định nghiêm ngặt về khí thải. Những chiếc ô tô mới hiện nay thải ra rất ít khí thải nhưng ngày càng có nhiều lo ngại về phát thải không thải khí (non–exhaust emissions, NEE), ảnh hưởng đến chất lượng không khí. NEE là các hạt được thải vào không khí do mòn phanh, mòn lốp, mòn mặt đường và tái phân tán bụi đường trong quá trình sử dụng phương tiện trên đường. Hiện tại không có luật nào về giới hạn hoặc giảm NEE. Những chất thải này được cho là cấu thành phần lớn các hạt bụi mịn từ giao thông đường bộ, 60% PM 2.5 và 73% PM10.
Báo cáo năm 2019 của Nhóm chuyên gia chất lượng không khí (Air Quality Expert Group, AQEG), Vương quốc Anh, khuyến nghị công nhận NEE từ giao thông đường bộ là nguồn tập trung các hạt vật chất trong không khí xung quanh, ngay cả đối với các phương tiện không có khí thải, chẳng hạn như xe điện. Các nhà nghiên cứu đề xuất biện pháp khắc phục ngắn hạn là lắp lốp xe chất lượng cao hơn, lốp xe được bơm căng đúng mức và giảm trọng lượng xe một cách hiệu quả như một cách để giảm NEE. Các nhà sản xuất lốp xe tập trung cho lốp xe có lực cản lăn thấp.
Những phát hiện đề cập ở trên thu hút sự quan tâm đến cách mà lốp xe, một thành phần chính trong quá trình phát triển phương tiện giao thông, thực sự có thể tạo ra hoặc phá vỡ các sáng kiến xanh của ngành ô tô. Một trong những trọng tâm chính của những đổi mới trong ngành lốp xe là giảm lực cản lăn của lốp xe để tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn và giảm lượng phát thải các-bon nhiều hơn. Lốp xe xanh với lực cản lăn thấp ra đời do nhận thức ngày càng tăng về việc chế tạo lốp xe thân thiện với môi trường và việc áp dụng đang được đẩy mạnh, với các thương hiệu lốp xe toàn cầu đáp ứng nhu cầu này.
Michelin Bắc Hoa Kỳ gần đây đã ra mắt sản phẩm lốp Michelin X One Line Energy T2, được cho là loại lốp xe moóc tiết kiệm nhiên liệu nhất cho đến nay, dành cho thị trường vận tải đường dài Bắc Hoa Kỳ. Loại lốp mới này giúp cải thiện độ mòn của gai lốp đồng thời tiết kiệm nhiên liệu và trọng lượng. Loại lốp này có thể tăng khả năng tiết kiệm nhiên liệu thông qua lực cản lăn thấp hơn 11% khi được sử dụng trong xe kéo và có thể tăng thu nhập bằng cách tăng trọng tải lên tới 130 kg. Lốp có thiết kế gai lốp giúp ngăn ngừa mài mòn không đều và kết hợp các hợp chất được thiết kế để cải thiện khả năng chống lại sự ăn mòn của lốp xe đã hết tuổi thọ. Hoa lốp hợp chất kép bao gồm lớp trên cùng giúp kiểm soát độ cứng và ứng suất của gai lốp để giảm mài mòn không đều và lớp dưới cùng tiết kiệm nhiên liệu giúp giảm thiểu nhiệt độ vỏ bên trong để có lực cản lăn thấp. Hoa lốp kết hợp với các rãnh siêu nhỏ định hướng, dẫn đến lốp định hướng trong nửa đầu tuổi thọ của lốp. Nằm dọc theo các đường gân trung tâm, ma trận với các bức tường ngoằn ngoèo lồng vào nhau để chống vặn vẹo.
Một hãng lốp xe toàn cầu khác, Continental cũng đã tung ra dòng lốp xe tải Conti EcoRegional. Dòng lốp mới có tính năng giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và cải thiện quãng đường đi được, do đó cho phép các nhà khai thác đội xe tăng đáng kể hiệu quả của các phương tiện trong vận tải khu vực. Dòng Conti EcoRegional HS3 và HD3 đảm bảo giảm lượng khí thải CO2 nhờ quy trình sản xuất mới kết hợp với thiết kế gai lốp cải tiến cho trục lái và hợp chất cao su được tối ưu hóa để giảm lực cản lăn cho trục truyền động. Conti EcoRegional HS3 được sản xuất bằng quy trình sản xuất Conti Diamond Technique mới và có kiểu bề mặt gai lốp được tối ưu hóa ở khu vực tiếp xúc với mặt đất với hình dạng rãnh gai lốp được sửa đổi, chiều rộng gai lốp giảm và công nghệ rãnh gai lốp W để mài mòn đặc biệt đồng đều. Lốp chạy với mẫu gai lốp đã được thử nghiệm của dòng Conti Hybrid Gen 3, nhưng sử dụng hợp chất gai lốp mới, cải tiến dưới dạng Công nghệ Conti InterLock. Nó được cho là tạo ra mức lực cản lăn thấp chưa từng có với cùng quãng đường đi được, đặc biệt là trên đường khu vực và đường cao tốc.
Tận dụng lốp xe cho sản phẩm cao su bền vững
Giảm chất thải có thể giúp ích rất nhiều trong việc giảm tác động các-bon của ngành công nghiệp lốp xe. Mỗi năm ước tính có khoảng 1,5 tỷ lốp xe hết tuổi thọ (end–of–life tyres, ELT) bị lãng phí và bị chôn lấp, ngành công nghiệp đang hướng tới tăng tỷ lệ tái chế lốp xe, bền vững và sử dụng phương pháp tái chế an toàn để hạn chế lượng phát thải các-bon. Các nhà sản xuất lốp xe bắt đầu kết hợp không những cao su sinh học vào lốp xe mà còn kết hợp lốp xe tái chế vào các sản phẩm phụ tùng ô tô.
Công ty hóa chất toàn cầu BASF và công ty công nghệ New Energy (Hungary), đã đạt được thỏa thuận về việc sử dụng dầu nhiệt phân có nguồn gốc từ lốp xe phế thải và cho một nghiên cứu khả thi chung. New Energy, chuyên về nhiệt phân lốp xe thải sẽ cung cấp cho BASF tới 4.000 tấn/năm dầu nhiệt phân có nguồn gốc từ lốp xe thải. BASF cung cấp dầu nhiệt phân của New Energy cho nhà máy ở Đức, thay thế các nguồn tài nguyên hóa thạch. Tỷ lệ nguyên liệu thô tái chế được phân bổ cho một số sản phẩm do BASF sản xuất bằng cách sử dụng phương pháp cân bằng khối lượng được kiểm toán của bên thứ ba. BASF cũng cho biết, các vật liệu mang hậu tố tên “Ccycled”, có các đặc tính giống hệt như những vật liệu được sản xuất từ nguyên liệu hóa thạch và được nhắm mục tiêu vào các bộ phận ô tô. Thỏa thuận này là một phần trong dự án ChemCycling của BASF, tập trung vào việc tái chế hóa học chất thải nhựa sau tiêu dùng ở quy mô công nghiệp.
Ngoài ra, BASF cho biết họ đang tận dụng cơ hội để tăng tỷ lệ tái chế cho ELT.  Đồng thời, BASF cũng đã đầu tư 16 triệu EUR vào Pyrum Innovations AG, một công ty sản xuất lốp xe phế thải nhiệt phân, có trụ sở tại Dillingen/Saar, Đức. Với khoản đầu tư này, BASF cho biết sẽ hỗ trợ mở rộng nhà máy nhiệt phân của Pyrum ở Dillingen và tiếp tục phát triển công nghệ này. Pyrum hiện đang vận hành một nhà máy nhiệt phân ELT có thể xử lý tới 10.000 tấn lốp/năm. Cho đến cuối năm 2022, hai dây chuyền sản xuất mới sẽ được bổ sung vào nhà máy hiện có. Phần lớn dầu nhiệt phân sẽ được BASF sử dụng. Thêm vào đó, Pyrum dự định xây dựng thêm nhà máy nhiệt phân lốp xe cùng với đối tác quan tâm. BASF và Pyrum dự đoán rằng năng lực sản xuất có thể lên tới 100.000 tấn dầu nhiệt phân có nguồn gốc từ lốp xe phế thải.
Những cải tiến dựa trên cao su lốp xe bền vững này đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về các giải pháp thân thiện với môi trường, đồng thời cải thiện tác động các-bon của ngành lốp xe.

Nguyễn Anh Nghĩa, nguồn: http://tapchicaosu.vn/2023/06/26/cao-su-xanh-bien-phap-xanh-cai-thien-tac-dong-cua-lop-xe-den-moi-truong/, ngày 26/6/2023 (HG trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>