Thông tin hội viên

Hành trình phát triển gắn liền với an sinh xã hội

09/09/2024
Hành trình kiên trì của Cao su Chư Mom Ray
Khó khăn thúc đẩy ý chí vươn lên
Cách đây 17 năm, thực hiện chủ trương chuyển đổi rừng nghèo của Chính phủ để phát triển 100.000 ha cao su ở các tỉnh Tây Nguyên, góp phần tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương, củng cố an ninh – quốc phòng khu vực biên giới, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã chấp thuận thành lập Công ty TNHH MTV cao su Chư Mom Ray (Cao su Chư Mom Ray) để triển khai thực hiện dự án trồng cao su. UBND tỉnh Kon Tum đã giao cho Cao su Chư Mom Ray khảo sát và chuyển đổi đất trống, rừng nghèo để đầu tư phát triển cây cao su tại địa bàn xã Morai, huyện Sa Thầy (nay là huyện Ia H’Drai). Công ty đã khảo sát và chuyển đổi được gần 6.000 ha nằm dọc theo 30 km đường biên giới tiếp giáp tỉnh Ratanakiri, Campuchia.
Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang được VRG giao trách nhiệm là công ty mẹ để kịp thời điều động nguồn nhân lực cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật và nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án. Với 5 cán bộ đầu tiên (trong đó có 2 đảng viên) được điều động lên Cao su Chư Mom Ray trong lúc địa bàn của dự án hết sức khó khăn, hệ thống đường giao thông, nhà cửa khu dân cư hầu như không có, chỉ có 3 đồn biên phòng nằm lọt thỏm giữa cánh rừng hoang vắng, mùa mưa đường lầy lội. Cán bộ, công nhân viên phải dựng lán trại ở tạm, tận dụng nước mưa để sinh hoạt ăn uống, mùa nắng khô khốc, nguồn nước không có.
Ở phía Bắc sông Sa Thầy hầu hết nguồn nước bị nhiễm phèn và vôi. Địa hình rừng núi hiểm trở chia cắt, bom mìn, chất độc trong chiến tranh vẫn còn sót lại, bệnh sốt rét rừng tưởng chỉ còn trong quá khứ nay lại quay trở lại. Phía Tây sông Sa Thầy giáp với biên giới Campuchia chưa có cầu để qua lại, mùa mưa bị chia cắt. Trong những tình huống khẩn cấp phải nhờ đến ca nô của bộ đội biên phòng hỗ trợ, nhất là khi có người bệnh nặng, không có cách gì để vượt sông đưa về cấp cứu… Đó là thử thách đòi hỏi ý chí, sự nỗ lực và quyết tâm của cán bộ, đảng viên và lãnh đạo công ty, cộng với sự quan tâm và chỉ đạo của VRG, UBND tỉnh Kon Tum đã giúp công ty tổ chức triển khai thực hiện thành công dự án.
Hiện tại, Cao su Chư Mom Ray hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng, khai thác và chế biến cao su. Với diện tích cao su lên đến hơn 5.142 ha, trong đó có gần 4.800 ha đang khai thác, công ty đã không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Được trang bị hệ thống công nghệ hiện đại cùng với đội ngũ cán bộ, công nhân viên có tay nghề cao, công ty đã trở thành một trong những nhà cung cấp mủ cao su uy tín cả trong và ngoài nước.
Dây chuyền đóng gói sản phẩm tại Cao su
Chư Mom Ray. Ảnh: Thúy Liễu
Phát triển bền vững đi liền an sinh xã hội
Trong 7 tháng đầu năm 2024, công ty đã đạt được những kết quả ấn tượng trong hoạt động sản xuất và kinh doanh. Diện tích khai thác cao su đạt hơn 4.759 ha, sản lượng khai thác đạt 3.771 tấn, chiếm 42,38% kế hoạch sản lượng năm 2024 do VRG giao là 8.900 tấn. Đặc biệt, công tác chế biến cũng đạt được kết quả khả quan với sản lượng 3.550 tấn, đạt 38,17% kế hoạch năm.
Nhà máy chế biến mủ của công ty hiện có công suất 7.500 tấn/năm, được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn cột A và hệ thống quan trắc tự động liên tục kết nối với Sở TN–MT tỉnh Kon Tum. Đáng chú ý, nhà máy đã ứng dụng công nghệ Biomas, sử dụng nhiệt từ lò sấy thay thế nhiên liệu dầu DO, giúp giảm 20% chi phí nhiên liệu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Công nghệ này sử dụng phụ phẩm nông nghiệp như vỏ cà phê, vỏ hạt điều, thay thế cho nhiên liệu hóa thạch, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Hệ thống quản lý chất lượng của công ty được vận hành theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001–2015, ISO 14001:2015 và ISO/IEC 17025:2017, đảm bảo sản phẩm cao su thiên nhiên SVR10 đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, được khách hàng trong và ngoài nước tin tưởng. Chính những nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm đã giúp công ty duy trì được vị thế vững chắc trên thị trường cao su đầy cạnh tranh.
Bên cạnh đó, Cao su Chư Mom Ray luôn đặt người lao động lên hàng đầu, coi họ là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp. Với tổng số lao động lên đến 1.192 người, trong đó có 906 lao động là người dân tộc thiểu số (chiếm hơn 76%), công ty luôn chú trọng đến chế độ phúc lợi và an sinh xã hội cho người lao động. Bên cạnh đó, công ty cũng đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần và vật chất của công nhân thông qua các hoạt động hỗ trợ và chăm sóc y tế. Anh Phạm Duy Vương, Chủ tịch Công đoàn Cao su Chư Mom Ray cho biết, công đoàn công ty đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như hỗ trợ quà tặng cho công nhân mới tuyển dụng, thăm hỏi ốm đau, trợ cấp khó khăn, xây dựng các “thiết chế văn hóa”, trao tặng nhà “Mái ấm công đoàn”, tổ chức khám sức khỏe, khám phụ khoa và cấp phát thuốc cho nữ công nhân viên, cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao để nâng cao đời sống tinh thần của người lao động...
“Với những công nhân mới vào làm, công ty hỗ trợ cho họ tối đa từ bố trí chỗ ăn ở sinh hoạt đến những nhu yếu phẩm ban đầu như gạo, dầu ăn… Dịp Tết Nguyên đán hằng năm, công ty tổ chức ngày hội Bánh chưng xanh, mua heo về mổ thịt gói bánh chưng, mỗi công nhân không về quê sẽ nhận được một cặp bánh chưng và 2 kg thịt. Công ty thường xuyên phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất. Hằng tháng, những công nhân nào vượt mức sản lượng, có tay nghề khá giỏi được tổng giám đốc công ty và ban chấp hành công đoàn công ty tặng giấy khen và trao thưởng”, anh Vương cho biết. Ngoài ra, công ty cũng đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ cho con em công nhân, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình “Đông ấm cho em”, tuyên dương học sinh, sinh viên giỏi, tổ chức các hoạt động vui chơi tặng quà cho các cháu nhân dịp ngày Quốc tế thiếu nhi (01/6), tết trung thu… và các hoạt động thiện nguyện khác đã mang lại niềm vui và sự ấm áp cho hàng trăm em nhỏ, thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc của công ty.
Công ty cũng chú trọng đến việc phát triển bền vững, luôn gắn bó với cộng đồng địa phương và tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất không chỉ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống, tạo ra một môi trường làm việc xanh, sạch, đẹp cho người lao động.
Cao su Sa Thầy – khởi nguồn phát triển bền vững từ rừng xanh Tây Nguyên
Gần 20 năm trước, khi chính sách mở rộng diện tích cao su của Chính phủ bắt đầu được triển khai, những cánh rừng tại tỉnh Kon Tum, nơi miền núi Tây Nguyên hoang sơ, đã được chọn làm điểm khởi đầu cho một câu chuyện phát triển đầy cảm hứng. Năm 2006, sau nhiều cuộc thảo luận và chuẩn bị, Công ty CP Cao su Sa Thầy (Cao su Sa Thầy) chính thức ra đời, dưới sự bảo trợ của VRG và sự hợp tác của các công ty cao su hàng đầu như Đồng Phú, Mang Yang và Chư Păh. Kể từ khi thành lập, Cao su Sa Thầy đã nhanh chóng mở rộng diện tích trồng cao su, với mục tiêu góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và củng cố an ninh quốc phòng tại khu vực biên giới phía Tây của đất nước. Từ những vùng rừng nghèo, Cao su Sa Thầy đã biến chúng thành những vườn cao su xanh mướt, mang lại sự thay đổi đáng kể cho cả khu vực.
Những bước tiến vững chắc trong sản xuất
Nhìn lại năm 2023, dù phải đối mặt với nhiều thách thức, Cao su Sa Thầy vẫn duy trì được nhịp độ sản xuất ổn định và đạt được những con số ấn tượng. Trên diện tích hơn 5.286 ha cao su, công ty đã khai thác được hơn 11.000 tấn mủ, đạt hơn 117% kế hoạch, vượt xa mục tiêu ban đầu. Mỗi tấn mủ cao su không chỉ là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ từ người lao động mà còn là thành quả của sự quản lý chặt chẽ, khoa học trong từng khâu sản xuất. Các công đoạn từ chăm sóc vườn cây, phòng trừ sâu bệnh, đến thu hoạch mủ đều được thực hiện theo quy trình kỹ thuật hiện đại, đảm bảo chất lượng cao nhất cho sản phẩm. Đặc biệt, mủ SVR 10 được chế biến tại nhà máy của công ty luôn được khách hàng đánh giá cao về chất lượng, góp phần khẳng định uy tín của thương hiệu Cao su Sa Thầy trên thị trường. Công ty không chỉ tập trung vào sản xuất mà còn chú trọng đến việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn, giảm chi phí sản xuất và tối ưu hóa lợi nhuận. Năm 2023, tổng doanh thu của công ty đạt 366,6 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 65 tỉ đồng và đóng góp hơn 17 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước. Những con số này là minh chứng cho sự phát triển ổn định và bền vững của Cao su Sa Thầy trong ngành công nghiệp cao su.
Ảnh: Thúy Liễu
Sản xuất gắn liền an sinh xã hội
Bên cạnh những thành tựu trong sản xuất, Cao su Sa Thầy luôn coi trọng việc chăm lo đời sống cho người lao động. Đội ngũ hơn 1.200 cán bộ, công nhân viên của công ty, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số hơn 900 người, được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hộ lao động. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp các trang thiết bị bảo hộ lao động, công ty còn thực hiện các chế độ bồi dưỡng cho những công nhân làm việc trong môi trường độc hại, đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho họ. Điều đáng chú ý là công ty luôn quan tâm đến việc nâng cao thu nhập và điều kiện làm việc cho người lao động. Các lớp đào tạo tay nghề mới được tổ chức thường xuyên, giúp công nhân nâng cao kỹ năng, đáp ứng được yêu cầu công việc ngày càng cao.
Ngoài ra, Cao su Sa Thầy còn tích cực tham gia vào các hoạt động cộng đồng và an sinh xã hội. Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Tổng Giám đốc Cao su Sa Thầy cho biết, Sa Thầy là vùng giáp biên giới Campuchia nên công tác an ninh quốc phòng rất quan trọng, việc phát triển cây cao su, tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con tại khu vực này cũng là góp phần vào công tác này. “Ngoài làm công nhân cao su, người lao động còn phát triển kinh tế hộ gia đình như trồng thêm cây tiêu, cây điều, chăn nuôi… Trước khi thành lập công ty, giao thông tại đây rất khó khăn, công ty cũng đầu tư một số tuyến đường bê tông khoảng 12 km. Bên cạnh đó, các nông trường thuộc công ty đều có nhà trẻ để giữ con em của công nhân”, ông Thanh chia sẻ thêm.
Gia đình anh chị anh chị Lê Văn Tuấn (38 tuổi) và
Nguyễn Thị Thùy (40 tuổi, quê Thanh Hóa) bên căn nhà
được xây dựng năm 2021 sau hơn 10 năm
làm công nhân Cao su Sa Thầy. Ảnh: Thúy Liễu
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Cao su Sa Thầy đã đóng góp hơn 200 triệu đồng cho các hoạt động từ thiện và hỗ trợ phát triển cộng đồng tại địa phương, từ việc ủng hộ người nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng, đến các chương trình văn hóa, xã hội khác. Những hoạt động này không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà còn tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa công ty và cộng đồng địa phương.
Hướng đến tương lai
Với tầm nhìn xa và chiến lược phát triển bền vững, Cao su Sa Thầy đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo sự phát triển lâu dài. Năm 2022, công ty đã được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC–FM và chuỗi hành trình sản phẩm theo tiêu chuẩn PEFC–CoC, khẳng định cam kết của Sa Thầy trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trong giai đoạn từ 2023 – 2030, công ty đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao năng suất, cải tiến công nghệ sản xuất, và mở rộng quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo môi trường làm việc an toàn, và nâng cao đời sống người lao động cũng là những ưu tiên hàng đầu. Công ty cũng sẽ tiếp tục đầu tư vào các hoạt động quản lý rừng theo tiêu chuẩn quốc tế, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, và tăng cường sự tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Những nỗ lực này không chỉ giúp Cao su Sa Thầy duy trì vị thế trong ngành công nghiệp cao su mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của khu vực Tây Nguyên và cả nước. Với một hành trình đã đi qua đầy khó khăn nhưng cũng tràn đầy thành công, Cao su Sa Thầy đang sẵn sàng cho những thách thức và cơ hội mới trong tương lai.

Thúy Liễu, nguồn: https://thanhnien.vn/hanh-trinh-kien-tri-cua-cao-su-chu-mom-ray-1852409041549046.htm, https://thanhnien.vn/cao-su-sa-thay-khoi-nguon-phat-trien-ben-vung-tu-rung-xanh-tay-nguyen-18524090516324113.htm, ngày 05, 06/9/2024 (HG trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>