Thông tin hội viên

Ấm no theo những vườn cao su

29/07/2024

Để có cuộc sống ấm no như hôm nay, những thế hệ đi trước đã không tiếc mồ hôi, công sức để biến vùng đất hoang hóa thành những vườn cây cao su xanh tốt. Không những thế, họ quyết tâm vỡ đất, lập làng, đánh thức “mỏ vàng” trên đất Tây Nguyên.
 


Không chỉ phủ xanh đất trống, đồi trọc, cây cao su còn góp phần thay đổi cuộc sống của người dân. Nhiều người đã trở thành triệu phú, tỷ phú nhờ loại cây trồng này. Ông Phạm Đình Luyến – Tổng Giám đốc Công ty Cao su Chư Păh khẳng định: “Chủ trương đưa cao su lên trồng ở Tây Nguyên không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập, thực hiện các chính sách an sinh xã hội mà còn giúp người dân tiếp cận với cách chăm sóc, thu hoạch mủ cao su, từ đó mở rộng diện tích cao su tiểu điền để có cuộc sống no đủ hơn”. Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 1.500 ha cao su tiểu điền. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, vườn cao su tiểu điền đạt năng suất mủ tương đương với các công ty cao su. Cùng với đó, cao su tiểu điền đã giải quyết việc làm cho hơn 4 ngàn lao động địa phương.
Người dân xã Đăk Tơ Ver, Hà Tây (huyện Chư Păh) cho biết, qua quá trình trồng cao su, không tốn công và dễ chăm sóc hơn so với cây cà phê, hồ tiêu, chanh dây. Hiểu rõ những lợi thế mà cây cao su mang lại, Gia Lai đã có nhiều chính sách cụ thể để phát triển loại cây này. Ngày 28/12/2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 871/QĐ–UBND về việc phê duyệt quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Cùng với đó, tỉnh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ người dân tộc thiểu số trồng cao su tiểu điền. Trong đó, làng Mrăh (xã Kdang, huyện Đak Đoa) là một trong những ngôi làng được tỉnh lựa chọn triển khai thực hiện Dự án trồng cao su tiểu điền. Một trong những hộ được hưởng lợi từ dự án này, cho biết trước đây, gia đình có 2 ha cao su tiểu điền do Nhà nước hỗ trợ. Những năm 2010 – 2012, giá mủ cao su trên thị trường tăng lên 20 – 30 ngàn đồng/kg, có thời điểm lên 45 ngàn đồng/kg. Nhờ vậy, hộ đã trả lại đủ vốn do Nhà nước đầu tư. Thời gian gần đây, giá mủ cao su bắt đầu tăng, củng cố niềm tin của hộ vào việc canh tác cây cao su.
Ông Nguyễn Văn Lừng – Phó Trưởng phòng Kỹ thuật (Công ty CP Cao su Quốc Cường Gia Lai) cho biết: “Công ty đang quản lý khoảng 1.376,2 ha cao su, trong đó, diện tích đưa vào khai thác mủ khoảng 1.231 ha. Hiện đơn vị có 250 công nhân có việc làm ổn định; vào mùa cao điểm cạo mủ thì có khoảng trên 300 lao động. Đơn vị có 3 đội sản xuất nằm dọc quốc lộ 14C”. Công ty cũng đã xây dựng được 157 căn nhà cho công nhân với diện tích mỗi căn khoảng 40 m2, đảm bảo cho gia đình có 3 – 4 người sinh sống, kéo điện thắp sáng, khoan giếng cấp nước sinh hoạt miễn phí. Ngoài ra, trên địa bàn còn có nhà giữ trẻ, trạm y tế chăm sóc sức khỏe cho công nhân. “Công ty thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số nhằm tạo nguồn sinh kế tăng thu nhập, đảm bảo quốc phòng an ninh, thực hiện chính sách xây dựng một biên cương ổn định phát triển mạnh về kinh tế tạo vành đai sống với các khu dân cư dọc biên giới”, ông Lừng thông tin.
Ông Lê Văn Tuấn – Chủ tịch UBND xã Ia Púchthông tin: Trên địa bàn xã có hơn 9.000 ha cao su của 5 công ty. Các công ty này đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm bình quân khoảng 2%/năm. Các công ty cao su thường xuyên hỗ trợ địa phương xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cải tạo đất mở rộng diện tích lúa nước.
Binh đoàn 15 là đơn vị thực hiện nhiệm vụ quốc phòng kết hợp với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, xây dựng dân cư, xã hội trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Hiện nay, Binh đoàn 15 thực hiện nhiệm vụ tại 271 thôn, làng thuộc 41 xã, 9 huyện, thành phố của 4 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình và Bình Định. Binh đoàn thường xuyên tạo việc làm với thu nhập ổn định cho hơn 16.000 lao động, trong đó, 60% là người dân tộc thiểu số. Với phương châm phát triển cao su ở đâu đưa người dân và hình thành cụm dân cư ở đó, đến nay, đơn vị đã xây dựng 266 cụm điểm dân cư trên vành đai biên giới.
Ngoài ra, Binh đoàn 15 còn xây dựng 1 bệnh viện quân y và 10 bệnh xá để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người lao động. Cùng với đó, Binh đoàn xây dựng 11 trường mẫu giáo với 130 điểm trường và 332 nhóm với 223 lớp chăm sóc và giáo dục gần 7.000 trẻ mầm non. Đặc biệt, từ năm 2002 đến nay, Binh đoàn đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới, làm đường giao thông, kéo điện, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi. Trong quá trình tái canh cây cao su, đơn vị đã cho người dân mượn gần 1 ngàn ha đất để trồng lúa và các loại cây ngắn ngày.
Cũng như một số cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh, cây cao su đã trải qua nhiều thăng trầm, lúc giá tăng nhưng cũng có khi rớt giá. Việc này đồng nghĩa với diện tích cao su tăng-giảm theo thời gian. Ông Võ Toàn Thắng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prôngcho hay: “Chúng tôi rất mừng là vào thời điểm giá mủ cao su xuống thấp, nhưng các công nhân của đơn vị vẫn không bỏ vườn cây. Điều này khẳng định cây cao su đã có vị trí và thế đứng trong ngành nông lâm nghiệp của tỉnh. Khi cao su xuống giá, để giữ chân công nhân, chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp như tiết kiệm chi, quản lý chặt đầu ra, tiết giảm chi phí gián tiếp để tập trung nâng cao đời sống cho người lao động. Thời gian gần đây, cao su đã tăng giá, chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì các kế hoạch quản lý để đảm bảo nâng cao thu nhập cho người lao động”.
Tây Nguyên là vùng chuyên canh cao su lớn thứ hai của cả nước, sau Đông Nam Bộ. Dù thuộc sở hữu doanh nghiệp hay cao su tiểu điền thì sự đóng góp của cây cao su vào việc tăng trưởng kinh tế của tỉnh là thể phủ nhận. Trên thực tế, cây cao su được trồng đến đâu thì cơ sở hạ tầng được xây dựng đến, góp phần hình thành diện mạo nông thôn mới trong các vùng chuyên canh cao su. Ông Đoàn Ngọc Có – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Việc phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh những năm qua đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động là người dân tộc thiểu số tại các địa phương và có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh”.
Những năm gần đây, giá mủ cao su ở mức thấp, lợi nhuận không cao, nhất là những diện tích cao su trên những chân đất kém phát triển, hiệu quả thấp. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030 thì Gia Lai chỉ giữ lại những diện tích cao su trên những chân đất phù hợp với điều kiện thời tiết, cho năng suất cao. Dự kiến đến năm 2030, diện tích cao su giảm còn 60.000 ha. Theo tính toán của các chuyên gia, cây cao su có thời gian kiến thiết cơ bản 6 năm, chi phí đầu tư cho cả chu kỳ này khoảng 60 triệu đồng/ha.
Với giá mủ cao su trong thời điểm hiện nay, sau khi trừ chi phí, mỗi héc ta cao su thu lãi ròng gần 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trở ngại là chất lượng cao su nguyên liệu vùng Tây Nguyên chưa đồng đều, nhất là từ nguồn cao su tiểu điền do nông hộ quản lý. Hiện nay, giá gỗ cao su già cỗi ở Tây Nguyên đang ở mốc hơn 100 triệu đồng/ha đã tạo nguồn thu không nhỏ cho người trồng khi hết thời kỳ kinh doanh lấy mủ. Ngoài ra, cao su có thể trồng xen với các cây khác hoặc cây rừng và kết hợp chăn nuôi, giúp tăng thu nhập, giảm rủi ro khi giá biến động và duy trì sự đa dạng sinh học. Cây cao su thu hút khí phát thải và tăng trữ lượng các-bon, góp phần chống biến đổi khí hậu. Cao su cũng là loại cây trồng thân thiện môi trường, không làm giảm nguồn nước và sử dụng ít phân bón, ít hóa chất phòng trừ sâu bệnh so với cây trồng khác.
Tiến sĩ Phan Việt Hà – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Với kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 3 tỷ USD, cao su được xem là một trong những cây trồng chủ lực trong chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam và các tỉnh Tây Nguyên”. Ngoài ra, cao su được xem là cây trồng đa mục đích nên diện tích cao su còn được xem là diện tích rừng và có tiềm năng rất lớn trong thu nhập lâu dài như thu hoạch gỗ cuối chu kỳ khai thác hay có thể tạo thu nhập từ tín chỉ các-bon trong tương lai. “Do cao su là sản phẩm cần chế biến tập trung nên việc liên kết trong sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ là rất cần thiết để đảm bảo hiệu quả sản xuất cao nhất. Ngoài ra, do giá nhiều biến động và cao su là cây trồng dài ngày nên cần có sự cam kết và hỗ trợ giữa các bên, đặc biệt là doanh nghiệp và người dân để cùng nhau phát triển cây cao su theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, người dân và chính quyền địa phương cần nghiên cứu xây dựng các mô hình xen canh các loại cây trồng trong vườn cao su”, Tiến sĩ Phan Việt Hà cho biết thêm.

Vĩnh Hoàng – Nguyễn Diệp, https://baogialai.com.vn/am-no-theo-nhung-vuon-cao-su-ky-1-nhung-trieu-phu-nguoi-dan-toc-thieu-so-post286438.html, https://baogialai.com.vn/am-no-theo-nhung-vuon-cao-su-ky-cuoi-giu-vung-su-menh-phat-trien-kinh-te-tren-tay-nguyen-post286444.html, ngày 24 & 26/7/2024 (HG tổng hợp) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>