Thông tin hội viên

Khu vực Tây Nguyên: Tiềm năng để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

05/08/2024

Với nguồn tài nguyên đất đai rộng lớn, lao động dồi dào và khí hậu, thời tiết phù hợp cho cây trồng, khu vực Tây Nguyên đang trở thành vùng tiềm năng để Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cùng các đơn vị thành viên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC).
 


Phát huy tài nguyên đất đai
Khu vực Tây Nguyên hiện có 12 đơn vị trực thuộc VRG, đứng chân ở 5 tỉnh Tây Nguyên với tổng diện tích trên 60.000 ha, bao gồm: Cao su Bảo Lâm (Lâm Đồng); Đồng Phú – Đăk Nông (Đăk Nông); Phước Hòa – Đăk Lăk, Krông Buk, Ea H’leo (Đăk Lăk); Cao su Chư Sê, Chư Prông, Mang Yang, Chư Păh (Gia Lai) và Cao su Kon Tum, Sa Thầy, Chư Mom Ray (Kon Tum). Trong số 12 đơn vị, diện tích chủ yếu ở 9 công ty trên địa bàn Đăk Lăk, Gia Lai và Kon Tum với tổng diện tích gần 60.000 ha, các đơn vị này hiện đang giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động, trong đó đa phần là lao động đồng bào dân tộc thiểu số. Đây chính là nguồn lợi tài nguyên vô cùng lớn lao, các đơn vị có thể phát huy để chuyển đổi cây trồng từ cây cao su kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị cao hơn.
Để hiện thực hóa điều này, vừa qua ông Phạm Hải Dương – Phó Tổng Giám đốc (TGĐ) VRG cùng Ban Quản lý kỹ thuật VRG đã có chuyến làm việc nắm tình hình, thực trạng ở một số đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên. Theo đó, ông Dương đánh giá cao tiềm năng của các đơn vị này trong việc triển khai dự án phát triển NNUDCNC. Ông Dương cho biết: “Tây Nguyên đang là khu vực có tiềm năng lớn trong việc phát triển NNUDCNC, hiện trên địa bàn đã có 3 đơn vị triển khai trồng các loại cây chuối cấy mô, khoai tây, bắp với tổng diện tích khoảng 500 ha. Khu vực này có diện tích đất khá lớn, nhiều hồ chứa nước, đập thủy lợi có thể tận dụng nguồn nước, điều kiện thời tiết cũng phù hợp với một số loại cây trồng”.
Hiện nay, quy hoạch sử dụng đất ở hầu hết các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên đều đã phê duyệt và công bố quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn 2050. Khi các tỉnh công bố quy hoạch sử dụng đất đã tích hợp cho thực hiện NNUDCNC, bao gồm lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi dưới các hình thức như: khu NNUDCNC, dự án NNUDCNC và vùng NNUDCNC tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, Nhà nước và nhiều địa phương có nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển NNUDCNC như giảm thuế, miễn tiền thuê đất, hỗ trợ vốn, vay ưu đãi và đào tạo nhân lực. Các chính sách đều được cụ thể hóa bằng nghị định, thông tư… tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện và tiếp cận.
Theo khảo sát của VRG, đến hết năm 2025, khu vực Tây Nguyên có thể chuyển đổi diện tích từ cây cao su sang NNUDCNC vào khoảng 2.382 ha, trong đó hiện nay đang có 500 ha. Giai đoạn từ năm 2026 – 2030 toàn vùng có khoảng 11.472 ha, trong đó hiện trạng có 2.382 ha, đất từ quy hoạch của địa phương 500 ha, đất từ luân canh là 2.945 ha, đất từ chuyển đổi cây trồng là 3.927 ha và nguồn đất từ xen canh 1.718 ha. Các công ty sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ diện tích đất xen canh, luân canh, đất cao su kém hiệu quả chuyển sang thực hiện NNUDCNC trong thời gian tới sẽ là Cao su Kon Tum, Chư Prông, Chư Sê, Mang Yang, Ea H’leo… những đơn vị này đang có lượng lớn diện tích luân canh, xen canh. Đồng thời, có nhiều hồ chứa, đập thủy lợi có thể khai thác nguồn nước phục vụ quanh năm.
Ông Nguyễn Hữu Lợi – TGĐ Cao su Kon Tum cho biết: “Sau khi rà soát, kiểm tra hiện trạng công ty chúng tôi có thể chuyển sang phát triển NNUDCNC vào năm tới gần 300 ha, đây là bước đầu để công ty thực hiện và đánh giá về hiệu quả cho những năm sau, đồng thời đúc kết những mặt được và chưa được để xây dựng những mô hình, dự án lớn hơn, hiệu quả lớn và ít rủi ro hơn”. Tuy vậy, các đơn vị Tây Nguyên cũng cần tính tới những khó khăn, thách thức phải đối diện như cơ chế của mỗi địa phương, cơ sở hạ tầng, giao thông, thời tiết… còn nhiều trở ngại. Lao động dồi dào, nhưng trình độ dân trí còn hạn chế, phong tục tập quán còn nhiều bất cập, đây chính là những rào cản mà các công ty cần tính tới trong quá trình triển khai thực hiện các dự án NNUDCNC.
Lực lượng lao động dồi dào
Thị trường lao động trong lĩnh vực thu hoạch, chế biến cao su đang dần thu hẹp do nguồn nhân lực trẻ có xu hướng dịch chuyển sang lĩnh vực khác. Chuyển đổi sang NNUDCNC với hệ thống máy móc, thiết bị tự động hóa là bước đi chiến lược mang tính tất yếu, điều này sẽ giúp VRG giảm nhu cầu lao động trực tiếp, nâng cao hiệu quả sản xuất và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, với khu vực Tây Nguyên cần tính tới phong tục, tập quán, thói quen của lao động là đồng bào các dân tộc thiểu số. Qua tìm hiểu, hiện các công ty trên địa bàn Tây Nguyên đang sử dụng lượng lớn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, hầu hết đều trên 50% tổng số lao động, có đơn vị tỷ lệ này trên 70% tổng số lao động, đây là lợi thế to lớn bởi nguồn lực này vừa trẻ và rẻ.
Theo lãnh đạo các đơn vị Tây Nguyên, nguồn lực lao động đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vừa là thế mạnh và cũng là khó khăn, bởi NNUDCNC ở một số khâu cần nhiều lao động, điều này thì địa phương có thể đáp ứng được với lực lượng lao động trẻ, khỏe và gắn bó với buôn làng. Tuy nhiên, đây cũng là khó khăn bởi trình độ nhận thức, tập quán sinh hoạt của bà con còn nhiều hạn chế. Dẫu vậy, VRG đang quản lý đội ngũ kỹ sư nông nghiệp lành nghề, có tinh thần cống hiến cao, sáng tạo, yêu nghề và gắn bó với ngành. Sự hiểu biết điều kiện thực tế, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp có thể giúp họ nắm bắt kỹ thuật và phương pháp canh tác mới khá dễ dàng, điều này có thể bù đắp những hạn chế do lực lượng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu.
Đối với vấn đề về nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu trong việc phát triển NNUDCNC, trong chuyến làm việc với các đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên, Ban Quản lý kỹ thuật cho rằng, VRG đảm bảo nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng về công nghệ cao trong nông nghiệp, đã đề xuất đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhân viên hiện tại, thu hút và tuyển dụng nhân tài chất lượng cao từ trường đại học và các tổ chức đào tạo chuyên ngành. VRG đã ban hành chương trình đào tạo nâng cao và cơ hội phát triển nghề nghiệp để khuyến khích sự theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao.

Văn Vĩnh, nguồn: http://tapchicaosu.vn/2024/07/31/khu-vuc-tay-nguyen-tiem-nang-de-phat-trien-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao/, ngày 31/7/2024 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>