Tham gia hội thảo còn có đại diện các cơ quan Chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội dân sự / tổ chức phi chính phủ trong nước, doanh nghiệp (DN), hiệp hội, liên đoàn lao động, hội luật sư…
Theo kết quả khảo sát và thu thập thông tin, trong đợt bùng phát COVID-19 lần thứ 4, hầu hết người lao động bị nghỉ việc tạm thời hoặc vĩnh viễn, đặc biệt là ở các thành phố. Thu nhập người lao động bị giảm, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn và bán lẻ... Chính phủ đã thực hiện một số chính sách hỗ trợ như: phân phối 2 gói bảo trợ xã hội theo Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020 (62 nghìn tỷ đồng) và Nghị quyết 68/NQ-CP trong năm 2021 (26 nghìn tỷ đồng); Thiết lập các khu cách ly đối với F1, tăng cường tự cách ly tại gia đình và cộng đồng, tăng cường kiểm soát, cấp thuốc & tư vấn điều trị F0 tại nhà; Thực hiện Chương trình tiêm chủng miễn phí trên toàn quốc. Ngoài ra, các tổ chức dân sự/phi chính phủ đã tích cực hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Nhận dạng những thách thức, khảo sát cho thấy ảnh hưởng của đại dịch đã làm thiếu hụt nguồn lao động tập trung tại các nhà máy/xưởng chế biến; sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như việc các nhà máy tạm thời đóng cửa đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài chuyển sang tìm kiếm đơn hàng khác hoặc chuyển đơn hàng cho đối tác khác; DN gặp khó khăn do yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch mà vẫn duy trì sản xuất kinh doanh…Về bảo trợ xã hội và an sinh xã hội, hiện nay không có quy định bắt buộc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về bảo trợ xã hội đối với các DN tại Việt Nam. Các DN đang hỗ trợ cộng đồng thông qua 3 dạng chính: trợ cấp, trợ cấp bằng hiện vật và các chương trình tình nguyện của nhân viên. Việc triển khai các hoạt động an sinh xã hội vẫn chưa thực sự hiệu quả, ngoại trừ các DN lớn.
Theo bà Vũ Nguyệt Minh – Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), IOM đã hỗ trợ người lao động di cư bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trở về và tái hòa nhập an toàn tại địa phương, nâng cao kỹ năng, đào tạo tay nghề... Đối với người lao động ở nước ngoài, IOM phối hợp cơ quan quản lý cửa khẩu để thúc đẩy mở cửa, hỗ trợ lao động hồi hương, đặc biệt đối với đối tượng ko được sự ưu tiên của chính phủ, hỗ trợ di cư an toàn, hợp tác với tổ chức đánh giá, nghiên cứu nhu cầu di cư…Ông Trương Đức Trọng, đại diện VCCI Việt Nam cho biết, kỳ vọng năm 2022, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội gần 350.000 tỷ trong 2 năm sẽ hỗ trợ tăng trưởng trung bình 6,5 – 7,0% trong giai đoạn 2021 – 2025. Tuy nhiên, việc cụ thể hóa Nghị quyết, cũng như năng lực thực thi chính sách sao cho hiệu quả mà không làm mất ổn định nền kinh tế vĩ mô là những thách thức mà Chính phủ cần lưu tâm trong quá trình triển khai.
Nguồn: Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; Vietnambiz.vn
Còn theo bà Phùng Thị Thu Hà – đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc Việt Nam (UNDP Việt Nam), từ năm 2019, Việt Nam đã thực hiện Chương trình hành động quốc gia (NAP) về Kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Namđể bảo vệ quyền con người trước các tác động tiêu cực từ hoạt động kinh doanh của DN, và phù hợp với Nguyên tắc hướng dẫn của Liên hợp quốc về Kinh doanh và Quyền con người. Bộ Tư pháp đang xây dựng Đề án “Ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam”, trong đó các lĩnh vực trọng tâm dự kiến sẽ là: (1) Đầu tư có trách nhiệm và chất lượng cao, (2) Bảo vệ môi trường, (3) Quan hệ lao động và các tiêu chuẩn lao động, (4) Quyền của các nhóm dễ bị tổn thương (như phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, LGBTIQ, trẻ em), (5) Quyền của người tiêu dùng. Theo lộ trình, sau khi thực hiện các tham vấn song và đa phương, học hỏi kinh nghiệm quốc tế về phát triển NAP, dự kiến quý I/2023 sẽ trình Thủ tướng chính phủ ký ban hành.
Văn phòng HHCSVN tổng hợp (Vân Quỳnh)