Hoạt động

Tham dự Diễn đàn trực tuyến “Chuyển đổi số của doanh nghiệp ngành gỗ: Thực trạng, Mức độ sẵn sàng & Giải pháp”

11/01/2022

Ngày 15/12/2021, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã cử đại diện tham dự Diễn đàn trực tuyến "Chuyển đổi số của doanh nghiệp ngành gỗ: Thực trạng, mức độ sẵn sàng và giải pháp".


Đây là hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh (HAWA) và Quỹ châu Á tại Việt Nam tổ chức.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy – Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đánh giá, các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ là nhóm sản xuất nỗ lực rất cao trong chủ động tìm phương án chuyển đổi số. Khi gặp khó khăn trong việc tương tác trong chuỗi cung ứng, khách hàng… để thúc đẩy các hoạt động về thương mại, DN đã tìm cách liên lạc vận hành chuỗi cung ứng trong bối cảnh giãn cách và nhiều khu vực bị phong tỏa. Các DN cũng cố gắng tương tác với khách hàng ở nhiều nước trên thế giới cì không thể đi lại trực tiếp. Tuy nhiên, bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho rằng những tương tác đó còn tự phát, chưa có sự lan tỏa đồng đều với giữa các DN với nhau nên hiệu quả chưa được mong muốn như lãnh đạo các hiệp hội ngành gỗ.
Ông Nguyễn Chánh Phương – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HAWA đánh giá, đến nay chuyển đổi số ngành gỗ chưa thực sự tích cực. So với các nước đang phát triển như Đức, Trung Quốc, Ba Lan, Việt Nam vẫn đang ở phía sau khá nhiều. Trong bản đồ xuất khẩu gỗ thế giới, ngành gỗ Việt có vị trí tương đối nhưng sự đóng góp của chuyển đổi số, công nghệ cao vào kết quả này chưa nhiều, chưa làm thay đổi cục diện của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam.
Ông Nguyễn Hoài Bảo – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Scansia Pacific cho biết, dịch COVID-19 là động lực và bắt buộc DN phải thay đổi. Sản xuất gỗ có không ít thử thách về công nghệ đòi hỏi kiểm soát đồng bộ hóa cao. Chuyển đổi số giúp DN kiểm soát sự đồng bộ nhanh chóng, chính xác nhất đồng thời kiểm soát chi phí trong sản xuất.
Ông Amit Sharma – Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu mức độ sẵn sàng chuyển đổi số ngành gỗ Việt Nam, chuyên gia tại Singapore – cho biết, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU tiếp tục là 5 thị trường quan trọng nhất của Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 9,3 tỷ USD, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong số đó, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường rất lớn đối với ngành gỗ Việt Nam. Lâm sản là một trong số ít các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cả về sản lượng và giá trị do Covid-19 ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, về lâu dài, ảnh hưởng của dịch Covid-19 buộc DN ngành gỗ phải tìm hướng đi mới.
Kết luận tại buổi Hội thảo, ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – nhận định, năng lực cạnh tranh của DN ngành gỗ vẫn đang ở mức thấp so với các DN ngành khác. Mặc dù các DN ngành gỗ ra đời lâu, nhưng năng lực quản trị của các DN ngành gỗ còn thấp, đặc biệt là hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ trong hệ thống quản trị còn rất non trẻ. Ông Lập kỳ vọng các DN trong ngành sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị và hỗ trợ tổ chức sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng cao. Trong thời gian tới, các Hiệp hội Ngành gỗ sẽ tổ chức diện rộng cho các DN để đưa nội dung chuyển đổi số phát triển, nâng cao vị thế của DN Việt trên nền tảng công nghệ 4.0 và nâng cao nền tảng quản trị DN.
Văn phòng HHCSVN (Hiền Bùi tổng hợp)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>