Hoạt động

Tham gia Hội thảo trực tuyến: “Mở khóa chuỗi hành trình sản phẩm có chứng chỉ PEFC dành cho đồ gỗ”

11/01/2022

Ngày 9 – 10/12/2021, đại diện Văn phòng HHCSVN đã tham dự buổi Hội thảo: “Mở khóa chuỗi hành trình sản phẩm có chứng chỉ PEFC dành cho đồ gỗ” do Hệ thống chứng chỉ rừng quốc tế (PEFC) tổ chức. 


Buổi hội thảo được đặc biệt thiết kế dành cho tất cả các công ty sơ chế, tinh chế, sản xuất; các công ty thương mại nội địa và quốc tế dành cho gỗ và đồ gỗ; cùng các đơn vị có liên quan, nhằm cung cấp thông tin chuyên sâu về những yêu cầu trong hệ thống quản lý và 2 phương pháp thực hiện Chứng nhận Chuỗi Hành trình sản phẩm PEFC (PEFC-CoC). Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng sẽ trao đổi về việc sử dụng nhãn PEFC – ý nghĩa và những lý do vì sao các công ty nên sử dụng nhãn.

Chứng nhận PEFC-CoC dành cho đồ gỗ là cơ chế cung cấp thông tin chính xác, xác minh được sản phẩm có nguồn gốc từ rừng và cây đến từ rừng được quản lý bền vững, có chứng chỉ PEFC; hoặc sử dụng nguyên liệu tái chế các nguồn được PEFC kiểm soát. Mô hình CoC có thể được giải thích là đơn vị tiếp nhận thông tin khai báo từ nhà cung ứng và chuyển khai báo đó đến khách hàng. Để đảm bảo quá trình triển khai và duy trì các quy trình trong chuỗi hành trình sản phẩm (CoC) được thực hiện chính xác, đơn vị phải vận hành một hệ thống quản lý phù hợp với các yêu cầu được PEFC quy định. Mô hình CoC có thể được mô tả trong sơ đồ phía dưới.
Mỗi đơn vị xây dựng CoC đều cần ứng dụng hệ thống quản lý, tuy nhiên, trong 1 đơn vị có thể tồn tại các quy trình CoC khác nhau và tài liệu có thể đi từ quy trình này sang quy trình tiếp theo. Trong yêu cầu về hệ thống quản lý, đơn vị phải tài liệu hóa các quy trình CoC thành văn bản. Trách nhiệm và quyền hạn đối với CoC cũng cần được định nghĩa cụ thể, các nội dung về cam kết chịu trách nhiệm thực hiện và duy trì những yêu cầu của chuỗi hành trình sản phẩm cần tuân theo tiêu chuẩn PEFC, ngoài ra còn cần ghi nhận nguồn nhân sự để thực hiện và duy trì CoC; quy định chức năng và quyền hạn của đội ngũ nhân viên liên quan tới CoC. Bên cạnh đó, phải thực hiện và duy trì việc lưu trữ hồ sơ liên quan đến CoC ít nhất 5 năm để cung cấp bằng chứng về sự tuân thủ các quy định trong tiêu chuẩn PEFC, cũng như tính hiệu quả và hiệu suất của chứng nhận. Ngoài ra, các yếu tố như quản lý nguồn nhân sự, kiểm tra và kiểm soát (đánh giá nội bộ); khiếu nại, vấn đề xã hội, sức khỏe và an toàn cũng là những yêu cầu tối thiểu trong bộ tiêu chuẩn về hệ thống quản lý PEFC-CoC.
Hiện nay, có 2 phương pháp để thực hiện CoC là phương pháp phân chia cơ học và phương pháp tính phần trăm. Phương pháp phân chia cơ học được áp dụng cho các tổ chức muốn đảm bảo nguyên liệu/sản phẩm có chứng nhận không bị trộn lẫn với những nguyên liệu/sản phẩm khác, hoặc muốn đảm bảo các nguyên liệu/sản phẩm có chứng nhận được xác định rõ ràng trong suốt quá trình sản xuất. Trong khi đó, phương pháp tỷ lệ phần trăm áp dụng cho tổ chức có sự trộn lẫn giữa nguyên liệu/sản phẩm có chứng nhận với các loại nguyên liệu khác. Căn cứ vào cách quản lý nguyên liệu và vận hành sản xuất, mỗi tổ chức sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp.
Là một phần bắt buộc trong chứng nhận PEFC-CoC, Hệ thống giải trình trách nhiệm (DDS) được xây dựng nhằm giảm thiểu nguy cơ gỗ được khai thác từ những nguồn bất hợp pháp và cho phép các đơn vị chứng minh sự tuân thủ với những quy định bắt buộc (ví dụ Quy định về Gỗ của Liên minh Châu Âu). Khi áp dụng DDS, các tổ chức cần đặc biệt lưu ý đối với các nguồn cung nguyên liệu không rõ xuất xứ, có xuất xứ bất hợp pháp hay gây tranh cãi.
Kết luận về buổi hội thảo, thông qua các chia sẻ từ chuyên gia của PEFC, các công ty, tổ chức và doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm gỗ có thể phần nào hiểu rõ hơn về bộ tiêu chuẩn cũng như quy trình đánh giá và phương pháp thực hiện PEFC-CoC, nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về môi trường, xã hội và kinh tế cũng như bảo vệ hệ sinh thái thông qua việc cung cấp nguyên liệu có nguồn gốc và quản lý rừng có trách nhiệm.
Văn phòng HHCSVN (An Trịnh)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>