Hoạt động

VRA: Tham dự Hội thảo trực tuyến Công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức

14/09/2021

Ngày 18/8/2021, Văn phòng Hiệp hội đã cử đại diện tham dự Hội thảo trực tuyến Công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức do World Trade Center – Becamex phối hợp với TÜV SÜD tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này.


  

Giáo sư, Tiến sỹ Detlef Zuehlke đã chia sẻ về cách thức nước Đức - quốc gia khởi nguồn của khái niệm Công nghiệp 4.0 (CN 4.0) - đã từng bước ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ để thay đổi dần phương thức sản xuất. Theo Giáo sư, CN 4.0 ở nước Đức không phải là cuộc cách mạng đưa Internet phổ cập trên toàn xã hội, mà là việc sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình tự động hóa các khâu sản xuất trong một dây chuyền sản phẩm hay toàn nhà máy. Như vậy, cuộc cách mạng CN 4.0 ở Đức bắt đầu từ quá trình tự động hóa sản xuất để giảm giá thành thông qua giảm chi phí tiêu hao nguyên liệu đầu vào và chi phí nhân công, nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận tối đa cho cổ đông của các công ty. CN 4.0 cung ứng những giải pháp mới trong tổ chức sản xuất công nghiệp với hệ thống máy móc, kho bãi và hàng hóa được kết nối thông qua mạng Internet, tạo ra hệ thống nhà máy sản xuất thông minh, về cơ bản kiểm soát lẫn nhau và tự điều phối mà không cần bất kỳ sự can thiệp thủ công nào.
Ông Suntara Jumreornvong – Đại diện TUV SUD Thái Lan khẳng định Chỉ số sẵn sàng tiếp cận CN 4.0 đã được phát triển để giải quyết những thách thức của các quốc gia trong bối cảnh mới. Hiện nay, trên thế giới, có khá nhiều các chỉ số đánh giá khả năng sẵn sàng với CN 4.0 như: Chỉ số Đánh giá năng suất iBench 4.0 của Đài Loan (Manufacturing Industry Productivity Again, iBench 4.0), Chỉ số Đổi mới kỹ thuật số của Đức (Digital Innovation Quotient, DIQ), Chỉ số Sẵn sàng cho Công nghiệp thông minh của Singapore (Smart Industry Readiness Index, SIRI)... Trong đó, SIRI được Diễn đàn Kinh tế thế giới công nhận là tiêu chuẩn toàn cầu cho Chuyển đổi CN 4.0 và đã được hơn 400 tổ chức trên toàn thế giới áp dụng để bắt đầu, mở rộng quy mô và duy trì sự chuyển đổi. SIRI chia mức độ phức tạp của CN 4.0 thành 16 khía cạnh và đo lường mức độ trưởng thành của cơ sở sản xuất (Ma trận đánh giá). Phân tích khoảng cách ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm có tác động lớn nhất (Ma trận ưu tiên). Ma trận ưu tiên của SIRI sẽ giúp DN tập trung vào 3 – 4 khía cạnh hàng đầu tạo ra nhiều tác động nhất, vì vậy SIRI được thiết kế để giúp các DN thuộc mọi quy mô (SMEs) và chỉ tốn kém đối với các DN đầu tư vào tất cả các lĩnh vực.
Cũng trong buổi Hội thảo, người tham dự còn được ông Kang Shin Won, Nguyên Giám đốc R&D Samsung, giới thiệu mô hình Thành phố thông minh (Smart city) của Hàn Quốc. Tùy thuộc vào mức độ phát triển kinh tế, đô thị và điều kiện của mỗi quốc gia, Thành phố thông minh được tiếp cận và định nghĩa theo nhiều cách khác nhau. Đối với các nước phát triển là sáng kiến tư nhân với mục tiêu tái tạo đô thị. Các nước mới nổi dùng phương pháp công cộng nhằm nâng cao cạnh tranh quốc gia, đô thị hóa, chính sách và kích thích kinh tế. Hàn Quốc xác định Thành phố Thông minh là một nền tảng để cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao tính bền vững của các thành phố và dự báo các ngành công nghiệp mới bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến của CN 4.0. Hiện tại, nước này đang thí điểm 2 thành phố là Busan và Sejong với các lĩnh vực được cải tiến như di chuyển, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, năng lượng, nước, quản trị, việc làm, robot, sự an toàn…
Chia sẻ tại Hội thảo, Ông Phạm Tuấn Anh – CIO Trung tâm Sáng tạo và Sản xuất Thông minh, Becamex IDC cho biết Việt Nam hiện đứng thứ 29 trong Bảng xếp hạng kỹ năng dành cho những nhà phát triển toàn cầu, theo báo cáo Skill Value năm 2019; thứ 23 của Hackerank và top 6 của Topcode. Việt Nam cũng đứng thứ 13 trong số 50 quốc gia số hàng đầu TSGI, đứng thứ 5 trong chỉ số dịch vụ toàn cầu (sau Ấn Độ, Malaysia và Indonesia) và đứng thứ 18 trong top 100 điểm đến gia công phần mềm hàng đầu. Chia sẻ về cơ hội của Việt Nam đối với CN 4.0, ông Tuấn Anh cho biết thị trường công nghiệp 4.0 tại Việt Nam đang tăng rất nhanh và chưa trưởng thành, trong đó lợi thế lớn là có lực lượng lao động trẻ trong lĩnh vực CNTT.
Công nghiệp 4.0 không đơn thuần chỉ là cuộc cách mạng công nghệ mà còn là tiêu chuẩn quốc tế, luật lệ quốc tế, giáo dục, trách nhiệm môi trường, niềm tin, thương mại mở và tầm nhìn chính trị.Ông Phạm Tuấn Anh khẳng định việc cần làm hiện nay là phải xây dựng chiến lược quốc gia để tiến tới mảng giải pháp phần mềm và phát triển thương hiệu quốc gia, thay vì tiếp tục để ngành gia công phần mềm chiếm tỷ trọng lớn. Đồng thời, cần hỗ trợcác công ty khởi nghiệp (start-up) phần cứng để phát triển sản xuất OEM (sản xuất thiết bị gốc), ODM (thiết kế sản phẩm gốc) và hướng tới OBM (sản xuất thương hiệu gốc).
Văn phòng HHCS tổng hợp (Vân Quỳnh)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>