Các nhà sản xuất và chế biến gỗ quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu lâm sản ngày càng tăng trên toàn cầu, cũng như tạo sinh kế cho người lao động và đóng góp cho nền kinh tế. Các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs) được ước tính cung cấp hơn 50% tổng số việc làm liên quan đến rừng, con số này ở một số quốc gia lên đến 80 – 90%. Ngoài ra, MSMEs là những nhà cung cấp chính cho thị trường nội địa và thị trường khu vực ở các vùng sản xuất gỗ nhiệt đới. Với các đặc điểm trên, MSMEs trong ngành lâm nghiệp là mắt xích quan trọng trong công cuộc đảm bảo việc sử dụng tài nguyên rừng là hợp pháp và bền vững trong tương lai. Để hiểu rõ hơn về các chiến lược hỗ trợ MSMEs hướng tới mục tiêu trên, Chương trình Thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) của FAO-EU và Viện Lâm nghiệp Châu Âu (EFI) đã tổ chức hội thảo trực tuyến “Việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ hoạt động hợp pháp và bền vững đã cải thiện quản trị rừng và sinh kế như thế nào?”.
Đại diện các doanh nghiệp tham gia các dự án do FAO và EFI hỗ trợ đã có phần chia sẻ về các hoạt động và lợi thế khi tham gia dự án. Ông Wichat Prathanrat, đại diện Hiệp hội Gỗ tái chế Thái Lan (Reclaimed Timer Association – RTA) cho biết, gỗ tái chế được nhiều MSMEs tại quận tự quản Baan Thi (gần Chang Mai, Thái Lan) sử dụng để làm đồ nội thất và thủ công mỹ nghệ. Đây là nguyên liệu quan trọng đối với nền kinh tế địa phương và hoạt động sản xuất các sản phẩm trên tạo ra nhiều việc làm cần thiết cũng như bảo tồn nghệ thuật, văn hóa. Tuy nhiên, trước đây, gỗ tái chế không được coi là nguồn gỗ hợp pháp. RTA đã làm việc với các nhà hoạch định chính sách nhằm điều chỉnh quy định và công nhận đây là nguồn nguyên liệu hợp pháp, đảm bảo nguồn cung cho MSMEs tại địa phương. Ông Lê Phi Chiến, giám đốc Công ty CP Mộc Đan Phượng và Công ty TNHH đồ gỗ Bách Việt (nằm trong làng nghề mộc Liên Hà) cho biết, qua sự hỗ trợ của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) và EFI, doanh nghiệp đã được tạo điều kiện liên kết với các đơn vị, làng nghề khác cùng hợp tác mở showroom giới thiệu sản phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ 4.0; tiến tới liên kết hộ gia đình nhằm sản xuất sản phẩm chất lượng cao; đồng thời xây dựng năng lực sản xuất đáp ứng xuất khẩu.
Với chủ đề thảo luận đầu tiên, các chuyên gia trong ngành đã chia sẻ tình hình xây dựng năng lực cho MSMEs tại mỗi quốc gia và kết quả đạt được. Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIFORES cho biết, thông qua các dự án hỗ trợ của FAO và EFI, MSMEs tại Việt Nam đã được tạo điều kiện xem xét và điều chỉnh không gian sản xuất; chú trọng khâu thiết kế, tiếp thị sản phẩm; đồng thời mở rộng được thị trường, có được những đơn hàng lớn với các khách hàng lớn. Ông Peter Zormelo, Trưởng Ban Phát triển Công Thương (TIDD) của Hội đồng Lâm nghiệp Ghana đã phát biểu về những nỗ lực của ngành lâm nghiệp nước này để điều chỉnh cơ cấu ngành, kết nối tất cả các bên liên quan trong ngành cùng đồng thuận phát triển chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp. Tới thời điểm hiện tại, ngành lâm nghiệp Ghana đã bước đầu thành công trong việc xây dựng liên kết giữa các doanh nghiệp; doanh nghiệp gỗ lớn sẽ cung cấp phần gỗ không dùng cho xuất khẩu tới MSEMs tại địa phương, từ đó giảm hao hụt nguyên liệu và đem lại lợi nhuận. Ghana cũng đang từng bước xây dựng, điều chỉnh và áp dụng chính sách để đảm bảo tính hợp pháp, bền vững cũng như đảm bảo đáp ứng nguồn cung cho thị trường nội địa. Tại Bờ Biển Ngà, theo chia sẻ từ ông Laurent Ayemou, chuyên gia độc lập về MSMEs và cựu Quản lý dự án của Hiệp hội tình nguyện viên phục vụ quốc tế (AVSI), ngành lâm nghiệp tại nước này đã ghi nhận sự gia tăng năng lực cạnh tranh cho 245 MSEMs tham gia các dự án. Hoạt động sản xuất của MSEMs được triển khai có tổ chức hơn; liên kết giữa các doanh nghiệp được thiết lập và sinh kế người dân được cải thiện. Tương tự như Ghana, Bờ Biển Ngà đã dần đảm bảo được nguồn cung gỗ nguyên liệu cho khối doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Trao đổi thêm về nhu cầu chính thức hóa trong lĩnh vực lâm nghiệp, các chuyên gia đã thảo luận về cách tích hợp MSMEs vào chuỗi cung ứng hợp pháp và hỗ trợ đối tượng này vượt qua rào cản đối với việc chính thức hóa. Ông Peter Zormelo giải thích rằng việc đảm bảo MSMEs được tiếp cận đầy đủ với các nguyên liệu thô hợp pháp đóng vai trò nền tảng cho việc theo đuổi tính hợp pháp và chính thức hóa. Tại Ghana, TIDD đã thành lập Mạng lưới Thương mại gỗ nội địa nhằm kết nối doanh nghiệp; liên kết MSMEs và các bên liên quan. Kết nối MSMEs với doanh nghiệp lớn hơn; thúc đẩy trao đổi thông tin và kinh nghiệm cũng là hoạt động được VIFORES đẩy mạnh tại Việt Nam, ông Ngô Sỹ Hoài cho biết. VIFORES đã triển khai các hoạt động đào tạo, hướng dẫn doanh nghiệp về các chương trình đảm bảo gỗ hợp pháp; hướng dẫn MSMEs tham gia các hội chợ thương mại trực tuyến và trực tiếp nhằm tạo điều kiện cho đối tượng này tiếp cận thị trường xuất khẩu. Về mặt thách thức, theo bà Alejandra Ospitia, Giám đốc điều hành của Liên đoàn các nhà kinh doanh lâm nghiệp ở Colombia (FEDEMADERAS), sự không chắc chắn về mặt pháp lý và những thay đổi trong quy định là trở ngại cho mà các MSMEs tại Colombia đã phải đối mặt. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, ngành lâm nghiệp Colombia cũng đã nhận được hỗ trợ từ Bộ Môi trường và các tổ chức như FAO, EFI trong việc công nhận tính pháp lý và đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Doanh nghiệp tại Colombia cũng được hỗ trợ, đào tạo để chuyển đổi số; và nhiều dự án xây dựng chính sách xã hội và chính sách bình đẳng giới cho MSMEs đã được hoàn thành. Phiên thảo luận cũng đã xác định một số chiến lược để vượt qua những rào cản đối với việc chính thức hóa trong ngành lâm nghiệp, bao gồm làm rõ các quy định pháp lý; tổ chức đào tạo; đẩy mạnh hợp tác công tư bên cạnh sửa đổi các chính sách thuế và tài khóa để nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp. Các diễn giả cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các hiệp hội ngành hàng trong việc phát triển liên kết giữa các bên trong ngành.
Tại phiên bế mạc, bà Valerie Merckx, Trưởng bộ phận FLEGT và REDD (Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng) tại EFI, phát biểu rằng MSMEs nên được đào tạo, khuyến khích áp dụng các phương pháp tìm nguồn cung ứng và chế biến hợp pháp, bền vững; tuân thủ các khuôn khổ pháp lý được điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh riêng của họ. Việc hỗ trợ MSMEs đang trở thành yếu tố thiết yếu để phát triển nền kinh tế nông thôn; đảm bảo việc làm, sinh kế cũng như tính bền vững tại các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Văn phòng HHCSVN tổng hợp (Hương Giang)