Hoạt động

Hội thảo “Liên kết tiêu thụ sản phẩm cao su tiểu điền: Thực trạng và ý nghĩa đối với sản xuất cao su bền vững tại Việt Nam”

28/04/2021
Sáng ngày 27/4/2021, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã phối hợp với tổ chức Forest Trends và Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam (RRIV) tổ chức Hội thảo “Liên kết tiêu thụ sản phẩm cao su tiểu điền: Thực trạng và ý nghĩa đối với sản xuất cao su bền vững tại Việt Nam” tại TP. Hồ Chí Minh theo 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến. Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ hợp tác giữa VRA, Forest Trends và RRIV về việc thực hiện nghiên cứu “Liên kết giữa tiểu điền và doanh nghiệp trong chuỗi cung mủ và gỗ cao su”. Trong năm 2020, Nhóm nghiên cứu đã khảo sát tại Bình Phước, Quảng Trị và Kon Tum, sau đó xây dựng các báo cáo dựa trên kết quả thu thập thực địa và số liệu của ngành cao su.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), đại diện Sở NN&PTNT và Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị và Kon Tum; doanh nghiệp (DN), hội viên, và hộ tiểu điền từ 3 tỉnh Quảng Trị, Kon Tum, Bình Phước; các tổ chức dân sự xã hội và mô hình liên kết cùng các cơ quan báo chí đến đưa tin Hội thảo. Ngoài ra, Hội thảo còn nhận được sự quan tâm của các tổ chức cao su quốc tế và doanh nghiệp thu mua nước ngoài quan tâm đến sản xuất cao su bền vững tại Việt Nam qua nền tảng trực tuyến.
 
Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam 
 
– phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch VRA cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 265.000 hộ cao su tiểu điền, với diện tích 479.600 ha, tương đương 51% trong tổng diện tích cao su cả nước, và cung cấp trên 732.000 tấn mủ quy khô mỗi năm, chiếm gần 62% tổng sản lượng mủ được khai thác trên cả nước năm 2019. Vai trò của các hộ tiểu điền ngày càng lớn đối với các chuỗi cung cao su thiên nhiên và gỗ cao su, vì vậy, liên kết sản xuất giữa các hộ và doanh nghiệp sẽ mang ý nghĩa quan trọng trong chuỗi giá trị của toàn ngành. 
Tiến sỹ Tô Xuân Phúc – đại diện Tổ chức Forest Trends cho biết, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội thị trường rất lớn đối với cao su thiên nhiên có chứng chỉ bền vững. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới, ngành cần có những thay đổi căn bản nhằm đáp ứng xu thế của thị trường trong tương lai. Sự thay đổi này bắt đầu bằng việc thu thập và minh bạch hóa các thông tin về chuỗi cung hiện tại, xác định các tồn tại trong chuỗi và từ đó đưa ra các biện pháp khắc phục. 
Ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VRA cho biết, nhiều tín hiệu gần đây cho thấy yêu cầu của các thị trường xuất khẩu đã và đang tiếp tục thay đổi nhanh trong tương lai về chất lượng và tính hợp pháp cũng như nguồn gốc các sản phẩm ngày càng chặt chẽ hơn từ khía cạnh quản lý đến thị trường. Phát triển các mô hình liên kết giữa công ty cao su – hộ tiểu điền trong việc sản xuất cao su bền vững nên được phát triển và nhân rộng trong tương lai. Cam kết và trách nhiệm của người mua trong việc tiêu thụ sản phẩm có chứng chỉ với mức giá cao hơn mức giá thị trường so với các sản phẩm không có chứng chỉ, là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào sự thành công của mô hình và khích lệ các bên sản xuất.
Tiến sỹ Trần Thị Thúy Hoa – Chuyên gia RRIV cho biết, cao su tiểu điền đã trở thành một trong những hợp phần quan trọng nhất của ngành cao su hiện nay. Đặc biệt trong khâu sản xuất cao su thiên nhiên, lượng cung cao su tiểu điền chiếm trên 60% tổng lượng cung cao su thiên nhiên của cả nước, song đến nay phát triển cao su tiểu điền vẫn chủ yếu do tự phát. Mặc dù nhà nước và một số dự án, tổ chức đã và đang thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền, nhưng quy mô của các hoạt động này thường nhỏ, không đủ để đem lại những lợi ích thiết thực cho số đông các hộ tiểu điền. Thông tin về chuỗi cung nói chung, đặc biệt là các mối liên kết tiêu thụ cao su thiên nhiên và gỗ cao su tiểu điền với các cá nhân, tổ chức tiếp theo trong chuỗi cung hiện còn đang rất thiếu. Thông tin về cách thức xác định giá cả, chất lượng và cơ chế kiểm soát sản phẩm, hình thức thỏa thuận mua bán, vấn đề cạnh tranh trong thu mua giữa các bên, vai trò của chính quyền địa phương, cơ chế chính sách có liên quan tới vận hành của liên kết… đến nay vẫn rất hạn chế.
 
Nguồn: Báo cáo “Liên kết tiêu thụ cao su thiên nhiên từ hộ tiểu điền: Thực trạng và một số khía cạnh chính sách”
Về báo cáo “Liên kết tiêu thụ gỗ cao su từ hộ tiểu điền”, theo Tiến sỹ Nguyễn Vinh Quang – Chuyên gia Forest Trends, chuỗi cung gỗ cao su tiểu điền gần như tương đồng với chuỗi cung cao su thiên nhiên khi phần lớn giao dịch đều thông qua đại lý. Khâu trung gian này đóng vai trò quan trọng trong cung cấp gỗ cao su tiểu điền cho công ty chế biến, đặc biệt là công ty tư nhân.Tuy nhiên, việc đại lý phát triển tự phát, thu mua gỗ từ nhiều nguồn khác nhau và hầu như không có hệ thống quản lý lưu trữ thông tin đặc biệt là bản kê lâm sản để xác định nguồn gốc dẫn đến việc thiếu minh bạch, hạn chế khả năng truy xuất các hoạt động trong chuỗi cung.
Ngoài các báo cáo của chuyên gia, Hội thảo còn nhận được những chia sẻ từ các công ty có mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm cao su. Trong phần chia sẻ về mô hình liên kết nhóm hộ sản xuất cao su bền vững, ông Mai Chiếm Tuấn – Trưởng phòng kinh doanh Nhà máy Chế biến mủ Cao su Cam Lộ cho biết trong thời gian qua, vấn đề liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định cho các tiểu điền là điều được quan tâm hàng đầu, trong đó các mô hình liên kết mủ cao su được xem là một cách làm mới, tạo được sự liên kết chặt chẽ lâu dài từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Việc thành lập mô hình là hướng đi mới mở ra nhiều kỳ vọng thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân, tăng cường mối liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cao su trên địa bàn.
Ông Phạm Thành Nam – Quản lý Dự án Cà phê Nông lâm kết hợp nâng cao chất lượng rừng tại Lâm Đồng (SNV Cafe-REDD+) chia sẻ về mô hình liên kết hộ/nhóm hộ doanh nghiệp tiêu thụ cà phê bền vững tại Lâm Đồng trong Hội thảo. Ông cho biết, Dự án nhằm mục đích nâng cao chất lượng rừng, vừa trồng cà phê vừa bảo vệ rừng. Đồng thời, hỗ trợ các nông hộ trong việc thực hành khai thác, thu hoạch, bảo dưỡng… bằng cách cung cấp các mô-đun về Biện pháp Thực hành tốt hơn, đào tạo về nhận thức môi trường bao gồm bảo tồn và phát triển bền vững, bên cạnh đó nông dân còn có thể tiếp cận trực tiếp với các nhà máy hoặc kho hàng.
 
Mô hình liên kết Hộ/Nhóm hộ cao su tiểu điện tại Indonesia với sự hỗ trợ từ SNV
Trong phiên thảo luận, ông Nguyễn Vinh Quang cho biết theo thống kê hơn 80% hộ tiểu điền chỉ có diện tích từ 1 – 1,5 ha, đa số đều gặp hạn chế về kiến thức, khả năng đàm phán, năng lực về mặt kỹ thuật sản xuất sản phẩm có chất lượng tốt, tuân thủ mọi quy định hướng tới phát triển bền vững, xuất xứ có nguồn gốc, đảm bảo tính hợp pháp. Vì vậy, cần có những sự hỗ trợ từ các bên và một trong những mô hình đang hướng tới là vận động liên kết để hỗ trợ nhóm tiểu điền.
Đánh giá thực trạng hiện nay cũng như ý nghĩa của liên kết về khía cạnh hợp pháp và bền vững của sản phẩm, Tiến sỹ Trần Thị Thúy Hoa cho biết nền tảng kỹ thuật của cao su tiểu điền tại Việt Nam có nhiều lợi thế hơn như năng suất mủ cao tăng khả năng chống chịu trong thời kỳ giá thấp và đặc biệt các hộ sử dụng các giống mới đang được khuyến cáo gần đây nên khả năng trữ lượng gỗ khá tốt. Về tính hợp pháp, các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều nỗ lực, thể hiện qua tỷ lệ số hộ tiểu điền tại các địa phương được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất –một trong những hồ sơ quan trọng tiên quyết để bảo đảm được tính hợp pháp cho các sản phẩm. Các địa phương cũng đang tăng cường nâng cao tỷ lệ này hơn nữa để đảm bảo tính hợp pháp cho các hộ cao su tiểu điền phát triển trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, hạn chế khó khăn nằm ở vấn đề truy xuất vấn đề nguồn gốc. Hiện nay, vận chuyển mủ cao su tiển điền chưa được ghi chép rõ ràng, đây là vấn đề cần phải cải thiện để có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách rõ ràng.
Kết thúc Hội thảo, ông Tô Xuân Phúc kết luận ngành cao su có tiềm năng để nâng cao lợi thế của ngành, đặc biệt là mang lại giá trị về mặt kinh tế và xã hội cho ngành nói chung, các hộ tiểu điền nói riêng. Ông nhấn mạnh hướng sản xuất cao su bền vững là xu hướng tất yếu trong tương lai bởi đây là nhu cầu tất yếu của thị trường. Để đạt được tính bền vững trong tương lai cần phải đảm bảo sản phẩm hợp pháp, minh bạch về thông tin. Ngoài ra, cần thiết lập liên kết giữa các hộ tiểu điền với các công ty nhằm mang lại lợi ích kinh tế cho các hộ tiểu điền, đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận thông tin về mặt khoa học kỹ kỹ thuật hay thông tin thị trường. Đây là tiến trình góp phần vào việc phát triển cao su bền vững, gắn kết các hộ tiểu điền vào chuỗi cung phát triển cao su bền vững trong tương lai. “Kết quả nghiên cứu và Hội thảo chỉ là các bước đầu trên trong tiến trình thúc đẩy sản xuất cao su bền vững Việt Nam. Con đường này có thể có nhiều gập ghềnh, tuy nhiên, với sự đồng lòng và cam kết thực sự của các bên, ngành cao su của Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu này trong tương lai” – TS. Tô Xuân Phúc khẳng định.
 
Văn phòng HHCSVN
 


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>