Hoạt động

Tổ chức tham quan học tập tại một số Hội viên, doanh nghiệp cao su tại Đồng Nai

09/03/2021

Ngày 22/01/2021, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã có chuyến tham quan thực địa tại một số đơn vị hội viên và doanh nghiệp ngành cao su trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, bao gồm Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai (TCT CS Đồng Nai), Công ty Cổ phần Chỉ sợi Cao su V.R.G SADO (Công ty SADO) và Công ty TNHH Nam Long (Công ty Nam Long).


Đây là hoạt động nhằm tạo điều kiện cho các cán bộ trẻ của VRA tìm hiểu thực tế về quy trình sản xuất, từ vườn cây đến nhà máy và từ nguyên liệu thô (mủ cao su) đến sản phẩm cuối cùng (chỉ thun, găng tay).

Tại TCT CS Đồng Nai, Đoàn VRA đã ghé thăm và được cung cấp thông tin về vườn ươm giống, vườn kiến thiết cơ bản (KTCB) và vườn khai thác của Công ty. Theo đó, TCT CS Đồng Nai có vườn giống tập trung cơ cấu cây giống tái canh – trồng mới cho năm 2021 với diện tích lên đến gần 25ha với ưu tiên lựa chọn, phát triển cơ cấu giống theo khuyến cáo của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và phương pháp canh tác phù hợp với thổ nhưỡng địa bàn Đồng Nai. Vườn ươm chú trọng nâng cao mật độ đồng đều của vườn cây và tập trung chăm sóc những năm đầu tiên để đảm bảo cây giống đạt chuẩn, đem lại năng suất cao. Hàng năm, TCT được VRG đánh giá cao, là một trong những đơn vị đi đầu về tái canh trồng mới và sản xuất cây giống. Tại vườn cây KTCB, với định hướng phát triển bền vững, TCT CS Đồng Nai đã áp dụng các tập quán canh tác bền vững như hạn chế cày xới để giữ nguyên hiện trạng đất, chống xói mòn. TCT cũng tích cực áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào các khâu trồng, chăm sóc, khai thác cao su và liên tục đổi mới. Ngoài ra, VRA còn tham quan nhà máy chế biến mủ cao su, bao gồm nhà máy chế biến mủ khối và mủ latex cũng như phòng quản lý chất lượng của TCT (đã được cấp chứng nhận VILAS), qua đó tìm hiểu về các quy trình và các tiêu chí đánh giá trong quá trình sản xuất mủ cao su, từ khâu tiếp nhận và lấy mẫu kiểm tra chất lượng, tới các khâu xử lý và hoàn thiện thành phẩm, lưu trữ mẫu.
Đoàn tham quan trạm thu mủ
 của TCT Cao su Đồng Nai
VRA tiếp tục tham quan Công ty SADO với nhà máy có diện tích 4,1 ha tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Hiện tại, SADO có dây chuyền sản xuất chỉ sợi cao su và chỉ thun bọc vật liệu dệt và   được chế biến từ nguyên liệu chính là cao su thiên nhiên (75 – 80% là mủ latex MA). Sản phẩm này là nguyên liệu đầu vào quan trọng trong sản xuất thun bản, thun luồn, thun tròn, su bọc chỉ phục vụ cho ngành may mặc; dệt đai ghế sopha trong sản phẩm nội thất; băng đeo thể thao; làm dây bện đàn hồi, tã lót và nhiều ứng dụng khác…
Với quyết tâm xây dựng và phát triển để sớm trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp chỉ sợi cao su tại Việt Nam và trên thế giới, việc kiểm soát kỹ lưỡng đối với nguyên liệu thô được thực hiện liên tục tại công ty SADO. Công ty cũng có phòng quản lý chất lượng sản phẩm nhằm tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt để xác định các đặc tính kỹ thuật của thành phẩm đáp ứng được các yêu cầu về độ co giãn, độ bền và khả năng chịu nhiệt cao… theo tiêu chuẩn ISO 2321 cho chỉ cao su. Theo số liệu ghi nhận của Công ty, có tới hơn 60% sản phẩm được xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới.
Một số sản phẩm tiêu dùng có sử dụng chỉ thun
Ngoài Công ty SADO, VRA còn làm việc với Công ty Nam Long nhằm quan sát quy trình sản xuất găng tay cao su và tìm hiểu tình hình sản xuất của Công ty trong bối cảnh nhu cầu găng tay đang gia tăng mạnh. Theo đó, hiện tại Công ty đang có dây chuyền sản xuất sử dụng 100% mủ cao su latex thiên nhiên (chiếm tỷ trọng khoảng 90% thành phần nguyên liệu), với dây chuyền sản xuất khép kín và trải qua các khâu hoàn thiện giúp găng tay thành phẩm đạt được yêu cầu. Mỗi tháng dây chuyền xuất xưởng được khoảng 5 triệu đôi găng tay cao su để đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước.Sản phẩm đầu ra của Công ty cũng được kiểm định chất lượng và kiểm tra cơ học để đáp ứng các yêu cầu của khách hàng trong nước và quốc tế. Công ty cũng dự định mở rộng xây dựng dây chuyền sản xuất găng tay từ cao su nitrile (một loại cao su tổng hợp) để đáp ứng các nhu cầu gia tăng trên thế giới khi găng tay nitrile được ưa chuộng hơn găng tay cao su thiên nhiên do không chứa thành phần gây dị ứng.
Dây chuyền sản xuất găng tay.
Nguồn: Hình chụp trên trang web của Công ty
Thông qua chuyến tham quan thực tế, các cán bộ trẻ của VRA đã hiểu hơn về chuỗi cung ứng từ cao su thiên nhiên đến sản phẩm cao su, từ đó có thể xây dựng các chương trình hỗ trợ thiết thực cho Hội viên và doanh nghiệp ngành cao su trong năm 2021.

Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Hương Giang)



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>