Bà Phan Trần Hồng Vân – Phó Tổng Thư ký VRA, cho biết, Việt Nam và Campuchia có mối liên hệ chặt chẽ trong đầu tư và thương mại cao su thiên nhiên (CSTN). Campuchia là điểm đến quan trọng nhất của Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư, sản xuất CSTN và là nước xuất khẩu CSTN chính cho Việt Nam. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) là nhà đầu tư CSTN hàng đầu tại Campuchia, hiện có 16 dự án trồng cao su với diện tích gần 90.000 ha và 7 cơ sở chế biến tại Campuchia. Các công ty Việt Nam khác, cả công ty nhà nước và tư nhân, cũng đã đầu tư vào sản xuất CSTN tại Campuchia. Theo bà Vân, các công ty cao su Việt Nam hoạt động tại Việt Nam, Campuchia và Lào đang có những bước đi mạnh mẽ để tuân thủ các yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên, chuỗi cung cao su Việt Nam khá phức tạp, liên quan đến nhiều tầng thương lái và nhiều hộ tiểu điền, khả năng truy xuất nguồn gốc vẫn là một thách thức đáng kể.
Theo TS. Tô Xuân Phúc– tổ chức Forest Trends, một trong những khó khăn còn phải kể đến là tình trạng trộm cắp mủ cao su, đặc biệt là ở Lào, đang tạo ra rủi ro về tính hợp pháp của nguyên liệu. Để giải quyết vấn đề này, ông Trương Tất Đơ–Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết cần có sự phối hợp giữa các hộ tiểu điền, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Các hộ cần thành lập các tổ công tác nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu vùng trồng. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh tập huấn cho tiểu điền về việc ghi chép thông tin sản xuất và lưu trữ mủ cao su theo đúng tiêu chuẩn. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, ngành cao su Việt Nam và hai nước Campuchia và Lào có thể mất đi cơ hội xuất khẩu vào thị trường EU.
Ông Bounthong Bouahom – Chủ tịch Hiệp hội Cao su Lào cho biết, hiện các tiểu điền ở Lào vẫn chưa thực sự hiểu về Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) và khó khăn trong việc chứng minh quyền sở hữu đất. Tại Lào, chuỗi cung rất phức tạp bao gồm rất nhiều trung gian từ tiểu điền, đại lý đến thương lái. Về phía Campuchia, ông Nhean Sophea – Tổng cục Cao su Campuchia (GDR) cũng chia sẻ những khó khăn hiện đang gặp phải như tình hình giá cao su xuống thấp kỷ lục khiến nhiều vườn cao su bị bỏ hoang, nhà máy chế biến đóng cửa vì thiếu vốn và thay đổi nhân sự, tình trạng vườn cao su manh mún, nằm rải rác ở nhiều địa phương. Ngoài ra, các hộ tiểu điền hiện chưa có khả năng vận chuyển mủ về nhà máy khiến nguồn cung bị thiếu hụt. Do đó, đại diện của hai nước đề nghị có sự vào cuộc của Chính phủ/các tổ chức có liên quan đến ngành cao su để hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để phát triển các hệ thống truy xuất chuỗi cung ứng. Đồng thời, thường xuyên tổ chức Hội thảo tập huấn nâng cao kiến thức cho tiểu điền và các doanh nghiệp.
.jpg)
Bà Sophoan Phean – Giám đốc quốc gia của Oxfam tại Campuchia cho biết, Oxfam đang hợp tác chặt chẽ với Tổng cục Cao su Campuchia, các tổ chức trong nước và quốc tế để xây dựng Hướng dẫn về CSTN bền vững của Campuchia, bản địa hóa Sổ tay tham gia cộng đồng từ bối cảnh Việt Nam sang Campuchia, cung cấp đào tạo kỹ năng về kết nối cộng đồng và bình đẳng giới cho các công ty thành viên của VRG tại Campuchia và Việt Nam. Hơn nữa, Oxfam và các đối tác hỗ trợ các hộ tiểu điền cao su nâng cao khả năng đàm phán về giá bán với các thương lái, đồng thời tăng cường sự đoàn kết và chia sẻ kiến thức lẫn nhau.
Theo đại diện Preferred by Nature, tính hợp pháp của nguyên liệu bao gồm về đất đai, những quy định về đất rừng, những giá trị về bảo vệ môi trường, quyền sử dụng lao động và tuân thủ các yêu cầu về pháp luật. Vì vậy, các doanh nghiệp cần rà soát toàn bộ hồ sơ có liên quan để tránh gặp rủi ro trong quá trình thực hiện EUDR. Ông Nguyễn Vinh Quang – đại diện tổ chức Forest Trends cho biết tổ chức này đã phối hợp với VRA để xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hiện đáp ứng EUDR, trọng tâm hướng đến hộ tiểu điền, các đại lý/thương lái trung gian, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 4/2025. Nội dung tài liệu hướng dẫn dự kiến bao gồm định nghĩa liên quan, tóm tắt các yêu cầu EUDR, các bước chuẩn bị cho thu thập thông tin, thông tin cần thu thập và phương pháp, các bảng biểu mẫu cho thu thập thông tin.
Tính đến 2025, một số công ty cao su tại Việt Nam đã cơ bản đáp ứng EUDR. Có thể kể đến các công ty bao gồm cả công ty nhà nước và tư nhân, đang cố gắng đảm bảo chuỗi cung hợp pháp và có thể truy xuất. Công ty TNHH MTV SX TM DV Cao Su Mai Vĩnh, một công ty tư nhân tại Việt Nam hiện đang hợp tác với hơn 3.000 hộ tiểu điền để sản xuất CSTN tuân thủ EUDR. Công ty CP Đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI) đã xuất bán thử nghiệm 2 công hàng theo quy định của EUDR cho khách hàng châu Âu. Theo đại diện của Công ty CP Cao su Chư Sê Kampong Thom thuộc VRG do nhà nước sở hữu đã có mô hình thực hành tốt về tuân thủ EUDR toàn diện. Với 16.000 ha cao su tại Campuchia, công ty đã đầu tư mạnh vào công nghệ số để cải thiện quản lý vườn cây và tăng cường tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Hội thảo thu hút được đông đảo đại biểu tham dự
từ Việt Nam, Campuchia, Lào và các nước khác
Hội thảo cho thấy Việt Nam, Lào và Campuchia đã có những hành động để đáp ứng EUDR, tuy nhiên có rất ít nỗ lực tập trung vào các khía cạnh thương mại CSTN xuyên biên giới giữa các nước Mekong và đặc biệt là giữa Việt Nam và Campuchia. Việc thực hiện đáp ứng EUDR sẽ thúc đẩy sự thay đổi đáng kể trong cách thức sản xuất, cung ứng và thương mại cao su, đồng thời nâng cao tính bền vững trong chuỗi giá trị. Tuy nhiên, những người trồng cao su tiểu điền có nguy cơ bị thiệt thòi nếu không có khả năng thích ứng hoặc không được hỗ trợ đầy đủ. Điều này đòi hỏi những nỗ lực chung từ các bên liên quan, bao gồm cả chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ.
Hội thảo cơ bản đã hoàn thành được những mục tiêu đề ra và nhận được sự tham luận sôi nổi giữa các đại biểu của ba nước. Trong tương lai, cần thúc đẩy đối thoại hơn nữa giữa cơ quan chính phủ của ba nước trong việc sản xuất, đầu tư và thương mại giúp ngành cao su tự tin đáp ứng các quy định về phát triển bền vững xuyên biên giới.
Văn phòng HHCSVN tổng hợp (Thanh Ngân)