.png)
Trong khuôn khổ sự kiện, Tổ Thư ký ANRPC (ANSEC) đã trình bày khái quát về các định nghĩa dữ liệu được áp dụng trong các ấn phẩm của ANRPC, dựa trên Sổ tay Số liệu thống kê (Handbook of Statistics), làm rõ phương pháp thu thập dữ liệu về sản lượng, tiêu thụ, thương mại và tồn kho. Diện tích cao su nói chung và diện tích trưởng thành nói riêng được ước tính dựa trên: thông tin sẵn có từ năm trước, diện tích trồng mới trong 7 năm vừa qua, hoạt động trồng mới và thanh lý trong năm hiện tại. Ước tính sản lượng và năng suất giữa các quốc gia khác nhau, phụ thuộc vào phương pháp canh tác và giống, dẫn đến yêu cầu về tính trung bình dữ liệu diện tích theo độ tuổi cây để có cái nhìn chính xác hơn về năng suất. Định nghĩa về tiểu điền (smallholdings) đã được làm rõ, với quy mô trung bình tại các quốc gia khác nhau dao động từ 0,5 đến 3,6 ha.
Các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (CSTN) lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia cũng tham gia chia sẻ về các phương pháp thu thập và ước tính sản lượng. Nhập khẩu CSTN của Trung Quốc năm 2024 giảm so với cùng kỳ, khoảng 80% cao su được sử dụng trong sản xuất lốp xe và các ngành như xây dựng và y tế. Dự báo tiêu thụ tại nước này sẽ giảm trong 5 năm tới do đầu tư vào cơ sở sản xuất nước ngoài tại Thái Lan, Việt Nam và Mexico. Công thức ước tính tiêu thụ của nước này kết hợp nhập khẩu, xuất khẩu, sản lượng trong nước và tồn kho cuối năm để đảm bảo độ chính xác. Ấn Độ đã cải tiến công tác thu thập dữ liệu từ năm 2021 nhờ ứng dụng Rubik, giúp thu thập thông tin về diện tích và phương thức sản xuất. Khu vực tiểu điền chiếm phần lớn diện tích (92%) và sản lượng (93%). Chính phủ cũng hỗ trợ miền Đông Bắc với các chính sách trồng mới và tái canh, trong khi ngành lốp xe ô tô chiếm tỷ lệ lớn trong tổng mức tiêu thụ. Indonesia thu thập dữ liệu diện tích qua cán bộ nông nghiệp tại địa phương và triển khai các chương trình hỗ trợ nông dân tái canh, trồng mới. Dữ liệu sản lượng được thu thập từ nông dân và được cơ quan quản lý cấp tỉnh rà soát, dữ liệu xuất nhập khẩu được thu thập từ hải quan và xử lý bởi các cơ quan thống kê.
Trong khi đó, tại Malaysia, diện tích tiểu điền vẫn chiếm phần lớn (90%), còn lại là đại điền. Dữ liệu được thu thập từ các cơ quan và bộ ngành khác nhau, nhưng thông tin về diện tích trồng mới và thanh lý vẫn còn thiếu hụt. Ước tính diện tích cao su tổng thể dựa trên số liệu năm trước, diện tích trồng mới và thanh lý. Sri Lanka cũng tính toán diện tích theo phương pháp trên, trong khi tính toán sản lượng dựa trên xuất khẩu và tình hình sản xuất, chế biến cao su nguyên liệu. Tại Thái Lan, ba cơ quan chính chịu trách nhiệm thu thập dữ liệu ngành cao su (diện tích, sản lượng, xuất nhập khẩu, tồn kho) gồm Văn phòng Kinh tế nông nghiệp, Cơ quan Quản lý lao động, và Hội đồng Vườn cây cao su. Dữ liệu tiêu thụ được thu thập từ các nhà máy chế biến. Các quốc gia trên cũng chú trọng vào cải thiện quy trình thu thập dữ liệu để nâng cao độ chính xác trong ước tính. Tại Campuchia, bắt đầu từ năm 2025, cán bộ nông nghiệp sẽ tăng cường thu thập thông tin, khắc phục thách thức về độ chính xác của dữ liệu, đặc biệt là đối với các hộ tiểu điền.
Số liệu về diện tích, sản lượng và năng suất cao su Việt Nam được VRA thu thập từ các cơ quan nhà nước như Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê và Sở Nông nghiệp các tỉnh. Ngành chế biến cao su, đặc biệt là sản xuất lốp xe và găng tay y tế, đã thúc đẩy tiêu thụ CSTN trong nước. Ngành lốp xe tăng trưởng khoảng 5% - 6% mỗi năm, trong khi ngành găng tay y tế có mức tăng mạnh từ 10% - 15%. Trong 5 năm tới, tiêu thụ CSTN tại Việt Nam dự báo sẽ tăng từ 8% - 10% hàng năm nhờ vào gia tăng công suất ngành lốp xe và chế biến cao su. Việt Nam cũng đang trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu cao su lớn ở khu vực ASEAN, góp phần phát triển kinh tế và thu ngoại tệ từ xuất khẩu cao su sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, ngành cao su dự kiến sẽ phát triển mạnh mẽ, nhờ áp dụng phương pháp canh tác tiên tiến và giống cây trồng năng suất cao. Các ngành công nghiệp sử dụng CSTN như giày dép và sản phẩm y tế sẽ duy trì nhu cầu ổn định. Đồng thời, giảm nhập khẩu cao su và nâng cao năng lực chế biến trong nước sẽ tạo lợi thế cạnh tranh. Các chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển bền vững và công nghệ mới trong trồng trọt, chế biến sẽ thúc đẩy sự phát triển toàn diện của ngành CSTN trong tương lai.
.png)
Bên cạnh đó, ANSEC đã trình bày về các yếu tố ảnh hưởng đến cung – cầu CSTN thông qua phân tích tình huống, đặc biệt chú trọng vào các rủi ro dự báo như biến đổi khí hậu, sự lây lan dịch bệnh và nguồn lao động. Những yếu tố này tác động đến cả cung – cầu, với những yếu tố như khí hậu, lao động, công nghệ và các yếu tố xã hội - kinh tế. Trung Quốc đã đề xuất kết hợp các yếu tố như độ tuổi cây và tác động của bệnh hại cây trồng vào phân tích nguồn cung, trong khi ANSEC giải thích về phân tích độ nhạy, tập trung vào các tác động của biến đổi khí hậu và tăng trưởng GDP. Ấn Độ và Sri Lanka cũng đã đề cập đến khó khăn trong việc thu thập dữ liệu chính xác về nhu cầu do các bên liên quan không nộp báo cáo đúng hạn. Việt Nam yêu cầu làm rõ hơn về các mô hình phân tích độ nhạy, trong khi Thái Lan đề xuất ANSEC nghiên cứu sử dụng dữ liệu công khai từ các nguồn khác.
.jpg)
Các phân tích rủi ro đã chỉ ra rằng chính sách thuế quan, sự thay đổi trong quy định nhập cư của Hoa Kỳ và tác động đến nền kinh tế toàn cầu có thể tạo ra rủi ro giảm cho nhu cầu CSTN. Bên cạnh đó, các sự kiện thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu cũng sẽ làm gián đoạn nguồn cung. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ tại Trung Quốc có thể làm tăng nhu cầu đối với CSTN. Phân tích độ nhạy về triển vọng ngắn hạn đã chỉ ra các rủi ro giảm đối với nhu cầu CSTN khi GDP tăng trưởng không đều giữa các khu vực trên toàn cầu, trong khi biến đổi khí hậu có thể làm giảm sản lượng tại các khu vực trồng cao su truyền thống.
Dự báo sản lượng và tiêu thụ CSTN của AMC, báo cáo định kỳ cho ANSEC, sử dụng cả phương pháp lạc quan và tiêu cực, và được kiểm tra độ tin cậy thông qua sai lệch phần trăm giữa số liệu thực tế và dự báo trước đó. Độ tin cậy của các dự báo phụ thuộc vào việc đánh giá thành phần không chắc chắn và sự phát triển các kịch bản “What if” để đánh giá tác động của rủi ro. Cuối cùng, ANSEC cũng tiếp tục xem xét thông tin từ các cơ quan nghiên cứu tại Lào và Bờ Biển Ngà để ước tính tiềm năng cung cấp CSTN từ các quốc gia ngoài ANRPC, đồng thời mở rộng các cuộc thảo luận về cung – cầu trong nhóm chuyên gia phân tích.
Văn phòng HHCSVN tổng hợp (Diệu Bùi)