Hoạt động >> Hoạt động khác

Tham dự Hội thảo “Lộ trình chuyển đổi xanh & những điều doanh nghiệp cần biết”

08/05/2023

Ngày 14/4/2023, đại diện Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam đã tham dự Hội thảo “Lộ trình chuyển đổi xanh & những điều doanh nghiệp cần biết”. Hội thảo đã cung cấp thông tin, vấn đề quan trọng cần lưu tâm trong quá trình chuyển đổi cùng ý kiến chuyên gia về tín dụng xanh; tín chỉ các-bon, thị trường các-bon và các cơ chế trao đổi cần biết.
 


TS. Nguyễn Phương Nam, CEO Công ty tư vấn và dịch vụ đổi mới khí hậu Klinova chia sẻ tại Hội thảo, theo Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam do World Bank Group thực hiện, tổng nhu cầu tài chính tăng thêm của Việt Nam để xây dựng khả năng chống chịu và giảm phát thải khí nhà kính giai đoạn 2022 – 2040 là khoảng 368 tỷ USD, trong đó, tài chính nhằm thích ứng với tác động biến đổi khí hậu chiếm khoảng 4,7% GDP mỗi năm, tài chính nhằm khử các-bon chiếm 2,1% GDP mỗi năm. “Tài chính công không đủ cho các mục tiêu về thích ứng và giảm nhẹ. Theo lý thuyết và thực tiễn ở các nước đang phát triển cho thấy, khu vực tư nhân chiếm khoảng 60% đầu tư toàn cầu liên quan đến vấn đề khí hậu”, ông Nam phân tích. Bên cạnh việc góp phần bổ sung vào nguồn vốn thiếu hụt cho tài chính xanh, tài chính khí hậu, vai trò của khối tư nhân còn bao gồm việc nâng cao nhận thức, hiểu biết về hệ sinh thái khí hậu; biến thách thức thành cơ hội sản xuất, kinh doanh thông qua sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, xây dựng các hệ thống phòng tránh rủi ro trong quá trình hoạt động, đầu tư kinh phí phát triển vốn tự nhiên, ứng dụng khoa học công nghệ thân thiện với môi trường; đồng thời, đẩy mạnh việc đầu tư có trách nhiệm để phát triển bền vững thông qua các hình thức: cho vay xanh, trái phiếu xanh và thị trường các-bon.
Về tín dụng xanh và điều kiện tiếp cận, ông Vũ Chí Công – Đại diện Quỹ đầu tư Vinacapital cho biết, các quỹ đầu tư ngày càng quan tâm đến các yếu tố môi trường – xã hội và quản trị (gọi tắt là ESG) cũng như việc tuân thủ các cam kết quốc tế về khí hậu môi trường. Quỹ đầu tư cũng cân nhắc việc thoái vốn nếu nhận được bằng chứng về những vi phạm nghiêm trọng liên quan đến ESG và/hoặc doanh nghiệp không thực hiện quản trị các rủi ro liên quan đến ESG đã được xác định.
Về thị trường các-bon, ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia của Tổ chức Forest Trends cho biết, thị trường được hình thành bởi các chính sách/cơ chế của một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức, cho phép sự trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính hoặc kết quả giảm phát thải khí nhà kính được công nhận dưới dạng tín chỉ các-bon theo hình thức bắt buộc (quy định) hoặc tự nguyện. Thị trường bắt buộc và tự nguyện vận hành thông qua các công cụ về giá các-bon. Ở thị trường bắt buộc, công cụ bao gồm thuế các-bon (công cụ chính sách của Chính phủ áp dụng một mức thuế lên hoạt động phát thải khí nhà kính với mục tiêu tạo ra khuyến khích tài chính nhằm giảm phát thải) và hệ thống mua bán phát thải (hệ thống quy định mức giới hạn hoặc mức trần của tổng lượng phát thải khí nhà kính. Chính phủ sau đó phân bổ mức phát thải trần cho các đơn vị trong một giai đoạn nhất định, các đơn vị phát thải phải báo cáo kết quả giảm phát thải và có thể mua/bán hạn ngạch nếu vượt hoặc thấp hơn mức cho phép). Ở thị trường tự nguyện, công cụ là tín chỉ các-bon, ở đó các công ty, tổ chức có thể đầu tư hình thành tín chỉ và nguồn thu từ các-bon thông qua minh chứng việc giảm phát thải/hấp thụ các-bon so với mức phát thải ban đầu do các hoạt động đầu tư đem lại.
Các chuyên gia cũng nhận định, thách thức lớn đối với tài chính xanh, phát hành trái phiếu xanh ở Việt Nam là thiếu chính sách hướng dẫn, vì vậy, trong tương lai cần xây dựng các quy định, hướng dẫn, tiêu chí đánh giá liên quan nhằm thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này.

Văn phòng HHCSVN (Hương Giang) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>