Hoạt động >> Hoạt động khác

Tham dự Diễn đàn thương mại Việt Nam – EU: “EVFTA – Chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện”

08/08/2019

Ngày 30/7/2019, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Diễn đàn thương mại Việt Nam – EU với chủ đề: “EVFTA – Chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện” với sự tham gia của các đại diện Bộ ngành, địa phương, các tổ chức, Hiệp hội ngành hàng cũng như thu hút sự quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp trong nước đến tham dự.  


Diễn đàn lần này xoay quanh các vấn đề về cơ hội và thách thức mà các doanh nghiệp Việt cần phải nắm rõ để tận dụng những lợi thế to lớn từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) vừa được ký kết trong tháng 6 vừa qua.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam và EU đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1990. Trong gần 30 năm qua, quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai nước đã không ngừng phát triển. Các thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, trong vòng 18 năm (2000 – 2018), giá trị thương mại hai chiều giữa hai bên đã tăng hơn 13 lần từ khoảng 4,1 tỷ USD vào năm 2000 lên 55,84 tỷ USD vào năm 2018; trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt gần 41,9 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt hơn 13,9 tỷ USD. Hiện tại, các mặt hàng như dệt may, da giày, điện thoại di động, máy tính, nông sản,… được coi là những sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam khi xuất khẩu qua EU.
EU hiện là thị trường thứ 3 về xuất khẩu hàng hóa và đứng thứ 5 về vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, chỉ sau các nước Đông Á. Hiệp định EVFTA được ký kết đã tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (vốn chiếm đa số trong các doanh nghiệp Việt) khi gỡ bỏ các rào cản về thuế và rào cản khác cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường châu Âu.Tuy nhiên, việc tận dụng được các ưu đãi này đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác nhiều bên như Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội và sự tư vấn của các chuyên gia. Ngoài ra, EVFTA cũng đưa ra những yêu cầu, tiêu chuẩn cụ thể về hàng hóa để doanh nghiệp vừa và nhỏ căn cứ vào đó mà thực hiện. Điều này các doanh nghiệp lớn đã thực hiện từ lâu nên không phải chịu tác động nhiều. Nhưng cơ hội mà EVFTA đem lại cũng chính là thách thức. Tức là, nhất thiết doanh nghiệp phải chuẩn hóa quy trình sản xuất, thực hiện các quy định về lao động, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa xuất vào thị trường châu Âu. Trong đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông sản thực phẩm phải nỗ lực nhiều nhất vì thực tế hàng hóa trong lĩnh vực này chưa tạo được uy tín ở thị trường châu Âu. 
Theo bà Miriam Garcia Ferrer – Trưởng ban Kinh tế và Thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Thành viên đoàn đàm phán EU – đánh giá: Thời gian qua, thặng dư thương mại hai bên rất lớn nhưng chắc chắn sắp tới sẽ chuyển đổi thành các lợi ích chất lượng hơn nhờ hiệu ứng tích cực từ EVFTA. Bởi EVFTA là hiệp định toàn diện bao trùm ở tất cả các vấn đề thương mại, thuế, rào cản kỹ thuật… và đảm bảo lợi ích của các bên tham gia.Tuy nhiên, bà Miriam Garcia Ferrer cũng chỉ ra rằng, để hưởng các lợi thế về thuế quan cũng như gia tăng xuất khẩu vào EU thì các doanh nghiệp của Việt Nam phải nâng cao chất lượng và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của thị trường này.
Bà Nguyễn Sơn Trà – Phó trưởng phòng WTO và đàm phán thương mại, Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) – cũng cho biết, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, thủy sản, gỗ,… sẽ được giảm thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực. Chẳng hạn với thủy sản, ngay khi hiệp định có hiệu lực sẽ có gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0 – 22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6 – 22%, sẽ được giảm về 0%. Đây sẽ là lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu.
Bên cạnh cơ hội mở rộng thị trường, dưới góc nhìn từ doanh nghiệp và những cơ hội cho hàng hoá xuất khẩu và hợp tác song phương, ông Jean Jacques Bouflet – Phó chủ tịch EuroCham Việt Nam cũng đã đưa ra cảnh báo qui tắc xuất xứ hàng hóa sẽ chỉ áp dụng với các sản phẩm có nguồn gốc Việt Nam nên doanh nghiệp sẽ phải xem từng trường hợp cụ thể để được giảm thuế.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng C/O, Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng đưa ra nhấn mạnh về vấn đề này để các doanh nghiệp nắm rõ khi tận dụng các lợi thế từ EVFTA với 5 vấn đề mới sau: cơ chế chứng nhận xuất xứ, tạm dừng ưu đãi và quản lý lỗi hành chính, cơ chế xác minh xuất xứ, quy tắc xuất xứ và quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR). Doanh nghiệp sẽ có 2 cơ chế chứng nhận xuất xứ chủ động do tổ chức cấp hoặc tự chứng nhận xuất xứ bởi doanh nghiệp đủ điều kiện. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng cần lưu ý các trường hợp vi phạm liên quan đến việc tạm dừng ưu đãi và phải tăng cường hậu kiểm do EU sẽ xác minh hồ sơ trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau (không xác minh thực tế) trong khuôn khổ EVFTA. Ngoài ra, thông qua hiệp định này, hàng Việt Nam khi xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ cũng được hưởng ưu đãi thông qua quan hệ bắc cầu Liên minh hải quan giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU.
Thông qua EVFTA và EVIPA, dòng vốn từ EU sẽ có sự chuyển dịch vào Việt Nam và xu hướng đầu tư chính của châu Âu vào là năng lượng sạch và kinh doanh nông nghiệp sản xuất thực phẩm. Song song đó sẽ là các cơ hội hợp tác khác cho Việt Nam với Đức và Tây Ban Nha khi hai nước này cũng có nhiều doanh nghiệp đang muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Thu Hương tổng hợp)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>