Hội thảo do ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT và ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ chủ trì với sự tham dự của đại diện các Cơ quan liên quan của Bộ NN&PTNT; Uỷ ban nhân dân các tỉnh/thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long; đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP.Cần Thơ; các chuyên gia trong lĩnh vực phát triển thương hiệu từ các Viện, Trường Đại học liên quan; các Hiệp hội ngành hàng nông lâm thủy sản chủ lực và các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông lâm thủy sản.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội thảo
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết mục đích chính của buổi Hội thảo là tham vấn ý kiến và trao đổi với các chuyên gia, các doanh nghiệp nhằm đưa ra chiến lược cụ thể để phát huy được giá trị sản phẩm và định hướng, quản lý nhãn hiệu và thương hiệu cấp quốc gia. Trong đó, Thứ trưởng nêu ra 3 vấn đề cần thảo luận: thứ nhất, kế hoạch tổng thể của quốc gia; thứ hai, cơ chế phát triển thương hiệu; thứ ba, cơ chế quản lý thương hiệu.
Qua báo cáo đánh giá thực trạng và định hướng hoàn thiện chính sách pháp luật thúc đẩy xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), cho biết năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm ngành nông nghiệp đạt 53,01 tỷ USD. Hiện nay, Việt Nam duy trì 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 nhóm mặt hàng (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, cà phê, gạo, rau quả, hạt điều) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD, góp phần đưa nông sản Việt Nam có mặt tại hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới. Mặc dù đạt được những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, nhưng có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác.
Việc xây dựng thương hiệu cho nông sản có vai trò rất lớn trong việc gia tăng giá trị và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng của sản phẩm truyền thống, sản phẩm bản địa, góp phần nâng cao vị thế và giá trị của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Trong đó, định hướng phát triển thương hiệu nông sản có thể tập trung vào ba hướng tiếp cận chính: Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu vùng, miền, địa phương, xây dựng thương hiệu quốc gia.
Hiện nay, mới chỉ có 02 sản phẩm trong tổng số 13 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam gồm: Nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) “Cao su Việt Nam” (Hiệp hội Cao su Việt Nam làm chủ sở hữu) và NHCN “Gạo Việt Nam” (Bộ NN&PTNT làm chủ sở hữu). Các sản phẩm còn lại như cà phê, tôm, cá tra... đang trong quá trình xây dựng. Nói về thực trạng hiện nay, Việt Nam chưa có chính sách riêng nào để hỗ trợ cho việc phát triển thương hiệu nông sản. Mặc dù thông qua công tác tuyên truyền và các chương trình hiện nay ở các Bộ, ngành và địa phương, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã tích cực, chủ động trong việc đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu nông sản, nhưng việc phát triển các thương hiệu mạnh (ở cả 3 nhóm sản phẩm quốc gia, vùng và địa phương) đều còn hạn chế. Vì vậy, việc xây dựng một cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu cho nông sản đảm bảo phù hợp với các chủ trương, chính sách, cơ sở pháp lý liên quan và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết.
Phát biểu trực tuyến tại Hội thảo, ông Võ Hoàng An, Tổng Thư ký VRA, giới thiệu khái quát về thực trạng của việc sản xuất, tiêu thụ cao su thiên nhiên (CSTN). Theo yêu cầu của thị trường, việc sản xuất và xuất khẩu CSTN của Việt Nam bao gồm cả tiêu thụ nội địa đều theo tiêu chuẩn cao su quốc tế phù hợp theo từng chủng loại. Hầu hết các doanh nghiệp lớn sản xuất, xuất khẩu cao su đều đảm bảo chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn CSTN quốc tế. Từ năm 2013 đến nay, thị trường đòi hỏi các nhà sản xuất sản phẩm phải có truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chí về phát triển bền vững. Nhận thấy tầm quan trọng, VRA đã nỗ lực để xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cao su Việt Nam. Từ cuối năm 2014, NHCN “Cao su Việt Nam/Viet Nam Rubber” đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ trong nước, ngoài ra, Hiệp hội đã đăng ký bảo hộ tại thị trường nước ngoài, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu cao su trọng điểm của Việt Nam: Ấn Độ, Đài Loan, Trung Quốc, Lào và Campuchia. Đến hết năm 2023, VRA đánh dấu chặng đường 8 năm vận hành với nhiều kết quả tích cực, với 21 doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng NHCN “Cao su Việt Nam” cho 96 sản phẩm thuộc 33 nhà máy.
21 doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng NHCN “Cao su Việt Nam”
Ông Võ Hoàng An chia sẻ thêm về quy chế quản lý và quy trình thẩm định để cấp quyền sử dụng NHCN. Trên cơ sở đánh giá hồ sơ tài liệu và thẩm định thực địa nhà máy theo quy trình sản xuất từ nguồn mủ nguyên liệu, các công đoạn chế biến tại nhà máy cho đến hệ thống quản lý chất lượng, Hiệp hội sẽ cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Giấy chứng nhận nhãn hiệu có giá trị trong 3 năm, mỗi năm giám sát định kỳ, hết 3 năm thẩm định đánh giá gia hạn mới. Tuy nhiên, hiện nay thách thức trong việc phát triển NHCN là từ khu vực sản xuất cao su tiểu điền, chiếm đến 60% sản lượng CSTN. Đây là một quá trình liên tục và lâu dài cần rất nhiều nguồn lực để bảo đảm sự ổn định và đồng đều, đáp ứng được các tiêu chí truy xuất nguồn gốc, phát triển bền vững phù hợp theo xu hướng hiện nay. Điều này cần có sự tham gia của cả hệ thống, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cần có cơ chế chính sách phù hợp hỗ trợ cho các doanh nghiệp từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Thanh Nam thống nhất phải có thương hiệu và cơ chế pháp lý quản lý nhãn hiệu, thương hiệu nông sản để bảo vệ giá trị sản phẩm của Việt Nam trong bối cảnh xu thế tiêu dùng đa chiều và đối mặt với sự cạnh tranh của các nước. Theo đó, Thứ trưởng đề nghị các Viện và Cục có liên quan tham mưu và biên soạn để xây dựng nghị định về quản lý và phát triển thương hiệu nông sản để trình Chính phủ. Thứ trưởng khẳng định, nhãn hiệu nông sản Việt Nam bắt đầu từ tiêu chuẩn, quy chuẩn và truy xuất nguồn gốc. Việc xây dựng nghị định thương hiệu, nhãn hiệu nông sản phải theo chuỗi giá trị nông sản từ khâu chọn giống, gieo trồng đến lúc ra sản phẩm, đăng ký chất lượng quốc gia và quốc tế. Từ đó, phân định rõ được cơ chế quản lý của các bộ phận địa phương, từng cơ quan bộ, ngành. Bộ NN&PTNT dự kiến thời gian hoàn thành nghị định qua năm 2025,trong thời gian này, đề nghị Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, đặc biệt chủ lực là các hiệp hội ngành hàng chọn ra, xác định rõ một số sản phẩm chủ lực để thực hiện trước trên quan điểm nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu doanh nghiệp phải hài hòa, không đối chọi nhau làm triệt tiêu nhau.
Văn phòng HHCSVN tổng hợp (Thanh Vân)