Hoạt động

Đối thoại chính sách các tiêu chuẩn lao động quốc tế về lao động trẻ em hướng tới minh bạch chuỗi cung ứng trong bối cảnh hội nhập quốc tế

23/09/2019

Sáng ngày 6/8/2019, tại TP. Hồ Chí Minh, đại diện Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam đã tham dự Hội thảo “Đối thoại chính sách các tiêu chuẩn lao động quốc tế về lao động trẻ em hướng tới minh bạch chuỗi cung ứng trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH ) đã phối hợp với Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức với sự tham gia hơn 100 đại biểu từ Đại sứ quán Mỹ, Anh, Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EURO Cham), nhiều bộ, ban, ngành, sở LĐTBXH các tỉnh, thành phía Nam, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trong nước… 


Bà Cao Thị Thanh Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế phát biểu tại hội thảo
Đây là Hội nghị để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, năng lực của các bên liên quan về các cam kết và nghĩa vụ quốc tế liên quan đến phòng chống lao động trẻ em trong bối cảnh hội nhập, đặc biệt là các cam kết quốc tế về thương mại, đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn tốt của quốc tế và Việt Nam về phòng ngừa lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng, hướng tới xây dựng các mô hình cơ sở sản xuất không có lao động trẻ em.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Cao Thị Thanh Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐTB&XH – cho biết, kết quả điều tra quốc gia năm 2012, Việt Nam có 1,75 triệu lao động trẻ em. Thực tế trên thế giới cho thấy hàng hóa được sản xuất với sự tham gia của lao động trẻ em khi được phát hiện ở bất cứ công đoạn nào sẽ gây thiệt hại cả về kinh tế và uy tín cho doanh nghiệp đó, thậm chí ngành hàng đó. Tuy nhiên, vẫn có thực tế là do lao động trẻ em có giá rẻ và nhiều trẻ em vẫn sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động nên người sử dụng lao động tận dụng lợi thế này để tăng cường lao động trẻ em.
Theo ông Đào Quang Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học Lao động & Xã hội, Bộ LĐTB&XH, Việt Nam đã tham gia một số Hiệp định Thương mại thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA); trong đó có quy định về việc loại bỏ một cách hiệu quả lao động trẻ em và cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Việt Nam đã nội luật hóa các cam kết quốc tế thông qua việc sửa đồi, bổ sung Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và các quy định khác có liên quan đến công ước 138 và Công ước 182 của ILO. Theo đó, tuồi lao động tối thiểu không được dưới 15; trẻ em dưới 18 tuồi không được phéo làm những công việc nguy hiểm; trẻ em từ 13 – 15 có thể làm việc mà không ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển và học hành; cấm sử dụng trẻ em dưới 18 tuổi vào các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.
Tại Phiên Thảo luận của Hội thảo, các đại biểu cũng đã tích cực đóng góp ý kiến xung quanh các vấn đề đề liên quan đến việc làm bền vững để chăm lo người lao động; các vấn đề lao động trẻ em cũng như các giải pháp phòng ngừa đối với lao động động trẻ em và đề xuất các giải pháp đề phòng không sử dụng lao động trẻ em. Đại diện IKEA cho biết doanh nghiệp có chính sách khắt khe về việc không sử dụng lao động trẻ trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Châu Âu. Tuy nhiên, IKEA cũng cho rằng còn nhiều rào cản mà doanh nghiệp chưa thể kiểm soát được các đối tác trong việc sử dụng lao động trẻ em. Còn phía VCCI khẳng định sẽ luôn là đơn vị đi đầu trong việc tuyên truyền cộng đồng doang nghiệp thực hiện chương trình nghị sự không sử dụng lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng. Đại diện Hiệp hội ngành mía đường Việt Nam cho rằng việc sử dụng lao động trẻ em là vấn nạn ở nước nào cũng có. Song, cần phải đánh giá khách quan về lao động trẻ em, từ đó, đưa ra các giải pháp cụ thể và phù hợp với Việt Nam – quốc gia chiếm tỷ lệ nông nghiệp hơn 80%. Vì vậy, cần xem xét các chính sách để giải quyết vấn đề trẻ em hiện nay, trong đó nên hướng tới giải pháp hỗ trợ cho lao động trẻ em. Ngoài ra, các đại biểu cũng đặt những câu hỏi về khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải; vai trò của Chính phủ và các quốc gia trong việc tham gia các chuỗi cung ứng và thực thi những hành động chống lại sử dụng lao động trẻ em…
Các đại biểu dự Hội nghị cho rằng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại tự do ngày càng sâu rộng của Việt Nam, việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trong các chuỗi cung ứng sẽ ngày càng được được quan tâm hơn, đặc biệt là vấn đề lao động trẻ em. Do đó, việc phòng ngừa, giảm thiểu và tiến tới chấm dứt lao động trẻ em phải được thay đổi từ nhận thức của chính các em, gia đình, cộng đồng và của cả doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, cần có sự tham gia thường xuyên, liên tục, bền vững, sự liên kết, phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng.

Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam tổng hợp (Hồng Vân) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>