Hoạt động

Tham dự Hội nghị đối thoại lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động (sửa đổi)

08/08/2019

Ngày 11/4/2019, Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam đã cử đại diện tham dự Hội  nghị đối thoại lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động (sửa đổi) do Ban quản lý chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành doanh nghiệp giai đoạn 2015 – 2020 – Bộ Tư pháp tổ chức. 


Hội nghị do ông Nguyễn Hồng Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp chủ trì, với sự góp mặt của các hiệp hội doanh nghiệp, luật sư, giảng viên về luật…
Sau 5 năm thi hành, doanh nghiệp, người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn đã phản ánh nhiều vướng mắc, bất cập xuất phát từ việc áp dụng các điều luật trong Bộ luật Lao động. Cộng đồng doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ luật Lao động cần sớm được sửa đổi, bổ sung các quy định về hợp đồng lao động, tiền lương, làm thêm giờ, tuyển dụng và quản lý lao động nhằm tạo khung pháp lý thông thoáng hơn, linh hoạt hơn cho doanh nghiệp về lao động để tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh. Trước đòi hỏi của thực tiễn, Bộ luật Lao động cần được sửa đổi toàn diện để đảm bảo thực thi hiệu quả trong thực tế áp dụng và tạo môi trường pháp lý linh hoạt hơn cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bộ LĐ-TBXH đã được Thủ tướng Chính phủ phân công chủ trì soạn thảo Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), gồm 17 chương, 221 điều, giảm 21 điều so với Bộ luật Lao động hiện hành và sửa đổi, bổ sung khoảng 171 điều.
Hội nghị tập trung nghe đề xuất và thảo luận về những vấn đề như góp ý việc mở rộng giờ làm thêm, lao động làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài, điều chỉnh tăng tuổi  nghỉ hưu và cơ chế giải quyết tranh chấp lao động…Theo đó, các đại biểu cho rằng, dù sử dụng phương pháp nào để giải quyết các tranh chấp thì đều phải trên cơ sở mối quan hệ bình đẳng giữa người lao động và người sử dụng lao động. Đa số các đại biểu góp ý Luật nên được cụ thể hóa hơn, điều chỉnh các điều mục vào vị trí phù hợp hơn, bên cạnh đó, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền rà soát lại những bất cập trong Bộ luật lao động và sửa đổi cho phù hợp như những vấn đề liên quan hợp đồng lao động, giờ làm thêm, hành vi người lao động không được phép làm cũng như tăng cường vai trò của các tổ chức đại diện lao động. Ngược lại, đề nghị bổ sung luật phạt vi phạm khi doanh nghiệp, cơ quan được trao quyền lạm quyền trong thực thi Luật.  
Hiện Dự thảo Bộ luật lao động đang được đăng tải rộng rãi để lấy ý kiến đóng góp của người dân. Dự kiến, cuối năm 2019 sẽ được Quốc hội thảo luận để thông qua.

Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Vân Quỳnh) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>