Tin tức

Việt Nam tích cực chuyển đổi xanh

19/02/2024

Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Việt Nam đã có cam kết rất mạnh mẽ đối với khí hậu toàn cầu và đã có những bước đi rất cụ thể.
 


Các tiêu chuẩn phát triển bền vững
Thế giới vừa trải qua tháng 01/2024 nóng nhất trong lịch sử, đánh dấu khoảng thời gian 12 tháng đầu tiên có nhiệt độ trung bình cao hơn 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Khảo sát này của cơ quan biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh báo sự nóng lên của trái đất và cũng đòi hỏi hành động của các quốc gia đối với khí hậu toàn cầu. Liên minh châu Âu hay Hoa Kỳ đã đặt ra các điều kiện mới về hàng hóa nhập khẩu để bảo vệ môi trường. Trong đó phải kể đến Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (gọi tắt là CBAM) của EU đã có hiệu lực. Cơ chế này quản lý lượng các-bon phát thải trong quá trình sản xuất của các mặt hàng nhập khẩu vào EU.
CBAM đã có hiệu lực từ 10/2023. Hàng hóa nhập khẩu vào thị trường châu Âu sẽ phải chịu thêm chi phí, chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ các-bon và làm cân bằng giá các-bon giữa các sản phẩm nội địa và nhập khẩu. Năm 2025, châu Âu và châu Mỹ sẽ kiểm soát đánh giá hàm lượng các-bon trong sản phẩm nhập khẩu. Nếu hàm lượng các-bon cao hơn quy định thì bắt buộc các nhà xuất khẩu phải nộp thêm thuế hoặc tín chỉ các-bon. Vào năm 2027, hàng hóa xuất khẩu vào châu Âu và châu Mỹ phải đáp ứng các tiêu chuẩn giảm phát thải nhà kính.
Các doanh nghiệp Việt đang chủ động
chuyển đổi xanh trong sản xuất
Doanh nghiệp Việt thay đổi để thích ứng
Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Việt Nam đã có những cam kết rất mạnh mẽ đối với khí hậu toàn cầu và đã có những bước đi rất cụ thể. Theo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 của Việt Nam đã được Chính phủ ban hành, đến năm 2030, tổng phát thải khí nhà kính quốc gia giảm 43,5%. Như vậy, 5 lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp, chất thải và công nghiệp sẽ phải cắt giảm mạnh lượng phát thải khí các-bon trong quá trình sản xuất. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt đang chủ động chuyển đổi xanh trong sản xuất để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh của cả nền kinh tế.
Hàng nghìn bóng đèn hồng ngoại dùng trong lò sấy giờ chỉ còn là đồ kỷ niệm. Hệ thống sấy nhiệt hơi nước dù đắt gấp 5 lần giàn sấy điện đã được mạnh dạn đầu tư thay thế cho lò sấy dùng bóng đèn hồng ngoại với lượng điện năng tiêu tốn tiết kiệm được 3/4 so với trước. Tiết kiệm được chi phí, tăng lợi nhuận và giảm thiểu được lượng phát thải nhà kính, lộ trình chuyển đổi xanh của Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, Bình Định đã được khởi động từ 5 năm nay. Ông Phan Công Hòa – Phó Giám đốc Nhà máy 1 – cho biết, công nhân giờ đã có thói quen chỉ bật điện ở những khu vực có người làm. Với dàn pin năng lượng mặt trời, hơn 3 năm qua, chi phí tiền điện tại nhà xưởng đã giảm từ 22 – 25 tỷ xuống còn 13 – 15 tỷ đồng/năm.
Sản xuất giảm phát thải khí nhà kính, “xanh hóa” chuỗi cung ứng của ngành gỗ đang là mệnh lệnh của thị trường. Việt Nam sẽ thành lập, tổ chức vận hành thí điểm từ năm tới và đến năm 2028 sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch các-bon. “Trong quá trình sản xuất là quá trình tiêu thụ năng lượng về điện, về các loại nguyên liệu hóa thạch và các nguyên liệu khác tạo ra vấn đề khí thải các-bon. Do đó, vấn đề hướng đến mục tiêu giảm phát thải là những mục tiêu sản xuất của các doanh nghiệp ngành gỗ”, ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết. Việt Nam có diện tích trồng rừng là hơn 4 triệu km2 tương đương với khối lượng gỗ sản xuất ra là hơn 40.000 m3 gỗ rừng trồng mỗi năm. Theo tính toán của quốc tế, con số này sẽ tương đương với việc hấp thụ từ 51 – 102 tấn các-bon/ha/m3 rừng trồng – một nguồn tín chỉ các-bon vô cùng lớn.
Việt Nam và chiến lược hành động cho tương lai xanh
Hoàn thành các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính sẽ không đơn giản nhưng đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp, địa phương, các ngành kinh tế chuyển mình với các chiến lược dài hạn hướng tới phát triển bền vững. Tại COP26, Việt Nam đã cùng 147 quốc gia trên thế giới cùng cam kết sẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Việt Nam không hề cam kết suông. Trong vòng 2 năm qua, Chính phủ cùng các Bộ, ngành, Tập đoàn và doanh nghiệp… đã hiện thực hóa bằng các tín chỉ các-bon, chi trả, mua bán giảm phát thải khí nhà kính ERPA và lớn hơn cả là chuyển đổi từ những nguồn năng lượng hoá thạch sang nguồn năng lượng xanh.
Theo lộ trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, Quy hoạch điện 8 đặt mục tiêu chuyển đổi 18 GW điện than vào năm 2030 sẽ được thay thế bằng 14 GW điện từ nguồn hóa khí lỏng (LNG) và 12 – 15 GW nguồn năng lượng tái tạo. LNG sẽ là năng lượng có tính “gối đầu” và giữ vai trò rất quan trọng khi mục tiêu LNG chiếm khoảng 25% tổng công suất nguồn điện. Tại hội nghị COP28, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải biến cam kết từ các hội nghị trước thành những hành động cụ thể, nhanh chóng, quyết liệt. Bà Michele Wee – Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhận định: “Kế hoạch huy động nguồn lực mà Thủ tướng Việt Nam công bố đã cho thấy được tất cả những khía cạnh cần thiết của chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam”. Theo bà Kitty Bu – Phó Chủ tịch Liên minh Năng lượng toàn cầu, vì người dân và hành tinh thì “Việt Nam đang đóng vai trò dẫn dắt khu vực, tạo ra hình mẫu cho cả cộng đồng quốc tế”.
Nhiều thỏa thuận hợp tác đã được các bộ, ngành ký kết với các đối tác phát triển, các định chế tài chính để có thể huy động nguồn lực hỗ trợ, đầu tư và triển khai các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hướng tới phát triển bền vững, phát thải các-bon thấp và tăng trưởng xanh. Việt Nam đang thay đổi, từ những hành động nhỏ nhất của mỗi người dân tới những chính sách lớn hơn của nhà nước vì một tương lai xanh và bền vững hơn.

Ban Thời sự, nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/viet-nam-tich-cuc-chuyen-doi-xanh-20240211220757718.htm, ngày 11/02/2024 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>