Tin tức

ANRPC đối thoại với Ủy ban châu Âu tập trung vào EUDR

06/02/2024

Ngày 01/02/2024, Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) đã có buổi làm việc với Ủy ban châu Âu (EC) tại Kuala Lumpur, Malaysia. Trong khuôn khổ buổi làm việc, Ban Thư ký ANRPC đã nêu lên một số quan ngại của các nước thành viên về Luật chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) với phái đoàn của EC – dẫn đầu bởi bà Astrid Schomaker, Giám đốc Ngoại giao Xanh và Chủ nghĩa đa phương của Cơ quan Môi trường.


ANRPC tái khẳng định quan điểm trong lá thư chung gửi tới EU vào tháng 10/2023, trong đó có việc ANRPC hỗ trợ tính bền vững và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên một cách công bằng mà không tạo ra các rào cản thương mại không cần thiết và gây tổn hại cho cộng đồng địa phương. Ngoài ra, tổ chức này dẫn chứng, vườn cây cao su được Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) công nhận là “cây rừng”, đóng góp cho đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên, sinh kế địa phương và một loạt các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. ANRPC kêu gọi EU xem xét sâu hơn về vai trò của ngành cao su thiên nhiên (CSTN) và thiết lập các biện pháp để đảm bảo các hộ tiểu điền luôn là một mắt xích của chuỗi cung ứng toàn ngành cũng như thị trường cao su.

 
ANRPC cũng nhấn mạnh một số thách thức mà các hộ tiểu điền phải đối mặt, chẳng hạn như tình trạng giá cao su thấp kéo dài trong khi chi phí sản xuất tăng, xu hướng biến động cao do cao su thường được tính giá bằng USD, dịch bệnh trên cây cao su bùng phát, biến đổi khí hậu, việc hoạt động canh tác phụ thuộc nặng nề vào điều kiện khí hậu, tình trạng thiếu lao động và sự gia tăng các vườn cây bị bỏ hoang/không được thu hoạch ảnh hưởng đến các nước sản xuất truyền thống. Ngoài ra, ANRPC cũng đưa ra một số đề xuất để duy trì đối thoại với EU, trong đó có việc kiến nghị EU hỗ trợ thiết lập nền tảng đối thoại tương tự Hội nghị bàn tròn về Ca cao nhưng tập trung vào CSTN để giải quyết những lo ngại được nêu trong lá thư chung của ANRPC; Tổ chức các buổi họp mặt, làm việc giữa EC và ANRPC bằng nhiều hình thức để xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau trên con đường chung hướng tới thực hiện hiệu quả EUDR và lộ trình CTSN bền vững, tập trung vào các chủ đề: Chứng chỉ xanh cho CSTN và vườn cây cao su; Triển khai hiệu quả EUDR với các quốc gia thành viên ANRPC, và một số nội dung như thách thức của tiểu điền, hỗ trợ Kỹ thuật của EU có thể được thảo luận sâu hơn bằng cách mở rộng các chủ đề chung ở trên.
Đại diện phái đoàn của EC tại buổi làm việc, bà Schomaker cho biết dù ANRPC là tổ chức bao gồm các cơ quan Chính phủ các nước thành viên, tuy nhiên, EC đề xuất cách tiếp cận cấp quốc gia/từng gia khi thảo luận các yêu cầu và mối quan ngại về EUDR. Cách tiếp cận này được cho là hợp lý hóa sự phối hợp với tất cả các mặt hàng có liên quan trong EUDR, thay vì áp dụng cách tiếp cận một mặt hàng. Vì vậy, EC khuyến khích ANRPC tư vấn cho Chính phủ các nước thành viên tiến hành các cam kết riêng lẻ với EC về các vấn đề liên quan tới EUDR.
Đại diện EC cũng cho biết sẽ tìm hiểu về khả năng ANRPC tham gia nền tảng làm việc của EC hiện tại, tức đối thoại nhiều bên liên quan về nạn phá rừng, cũng như một loạt các cuộc đối thoại sẽ được tổ chức với hình thức thảo luận về nạn phá rừng, khả năng truy xuất nguồn gốc… Sau các chia sẻ của cả hai bên, dưới sự đề xuất của ANRPC, EC cam kết đưa ra phản hồi bằng văn bản sau khi thảo luận nội bộ về các yêu cầu được đưa ra.
Văn phòng HHCSVN (Hương Giang biên dịch), nguồn: ANRPC, ngày 02/02/2024


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>