Tin tức >> Tin cao su trong nước

Tiềm năng thương mại hóa tín chỉ các-bon rừng cao su

08/04/2024

Sản xuất đảm bảo an toàn môi trường là yêu cầu của các thị trường nhập khẩu hàng hóa Việt Nam hiện nay. Đây cũng là vấn đề toàn cầu được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá sẽ trở thành xu thế tất yếu trong cạnh tranh thời gian tới.
 


Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ các-bon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng (thường được gọi là REDD+) và tăng cường lưu trữ các-bon thông qua trồng và tái tạo rừng. Đây là tiền đề để các diện tích rừng Việt Nam phát huy tác dụng, cũng như hiệu quả kinh tế, song song với bảo vệ môi trường. Trên tinh thần này, các diện tích sản xuất lâm nghiệp, bảo gồm rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, và cả rừng phát triển kinh tế như rừng cao su cũng có nhiều tiềm năng thương mại tín chỉ các-bon. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2023, diện tích cao su cả nước ước đạt hơn 908,9 ngàn ha, có xu hướng giảm gần 9.700 ha so với năm 2022 (918,6 ha), do sự cạnh tranh của các loại cây có giá trị cao khác. Tuy nhiên, diện tích giảm này cũng không có sự tác động lớn đối với diện tích rừng cao su, nơi đang có nhiều tiềm năng mang lại giá trị kinh tế kép ngay trong nội sinh.
Theo ông Trần Công Kha, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), nhằm đạt được tăng trưởng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, trong năm 2024, VRG góp phần xây dựng nền kinh tế các-bon thấp, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, thực hiện chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo hệ thống VFCS/PEFC-FM và chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm (PEFC–CoC), tái kết nối với Hội đồng quản lý rừng (FSC). Theo đó, VRG tập trung phát triển 40 – 45% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất tại Việt Nam đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững (VFCS/PEFC–FM) và 75 – 80% nhà máy chế biến mủ cao su tại Việt Nam đạt chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm (PEFC–CoC).
Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Bên cạnh đó, VRG tập trung nghiên cứu, tìm hiểu thông tin và đánh giá trữ lượng các-bon của rừng cao su để hướng tới thương mại hóa. Theo đó, VRG hướng tới tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm xả thải và chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh/năng lượng tái tạo, áp dụng các giải pháp tiết kiệm nguyên nhiên liệu sử dụng trong sản xuất, giảm thiểu chất thải ra môi trường, triển khai các giải pháp chuyển đổi, sử dụng các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo vào hoạt động sản xuất như năng lượng mặt trời, Biomass... Các đơn vị thuộc VRG cũng tận dụng, tái sử dụng chất thải nhằm thúc đẩy giảm phát thải CO2 và kinh tế tuần hoàn.
“Đồng thời, VRG thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế bằng cách tiếp tục đề xuất kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan hữu quan xem xét công nhận đối với các diện tích cao su có chứng nhận quản lý rừng bền vững theo VFCS/PEFC–FM được hưởng dịch vụ môi trường rừng. VRG cũng thúc đẩy, hướng dẫn, giám sát các đơn vị thành viên thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường hiện hành, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Quy chế quản lý, thu gom rác, khơi thông cống, trồng cây, tập huấn, tuyên truyền, và bảo vệ môi trường của Tập đoàn”, ông Trần Công Kha cho biết thêm.
Đánh giá về tiềm năng các-bon từ rừng, gồm có rừng cao su, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, các loại rừng của Việt Nam điều có khả năng hấp thụ các-bon tốt. Nếu triển khai thực hiện dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng nói chung, tại rừng cao su nói riêng trên toàn quốc, mỗi năm người trồng rừng sẽ có thêm nguồn tài chính đáng kể, bền vững phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, giúp giảm áp lực cho ngân sách nhà nước đầu tư vào ngành lâm nghiệp. Khi có thêm nguồn thu từ rừng sẽ tạo thêm động lực cho người dân làm cho rừng giàu lên để nhận được tiền nhiều hơn, góp phần phát huy tinh thần trách nhiệm và nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ rừng, nâng cao giá trị kinh tế từ các loại rừng, góp phần duy trì, phát huy truyền thống văn hóa của cộng đồng dân cư địa phương. Thu nhập từ bán tín chỉ các-bon được thống kê là một nguồn thu nhập đáng kể của các ngành hàng có liên quan tới trồng rừng và phát triển kinh tế rừng, trong đó có rừng cao su. Đây cũng là một lợi thế cạnh tranh trong giá thành khi phát triển rừng cao su theo hướng tín chỉ rừng bền vững.
Theo Đại diện Tập đoàn VRG, vừa qua, Bộ Nông nghiệp Thái Lan đã khuyến khích những người trồng cao su tại quốc gia này nâng cao trữ lượng tín chỉ các-bon để có thể tăng thêm thu nhập. Theo đó, nông dân Thái Lan được đăng ký tham gia Chương trình giảm phát thải tự nguyện của Thái Lan (T–VER), mà cây cao su có khả năng lưu trữ các-bon cao, đặc biệt là trong 5 năm trước khi khai thác mủ cao su. Nông dân trồng cao su có thể tạo thu nhập từ việc bán tín chỉ các-bon trước khi khai thác. Ngoài ra, có thể giảm lượng khí thải các-bon hơn nữa bằng cách giảm sử dụng hóa chất và nhiên liệu, điều chỉnh các phương pháp sản xuất và vận chuyển. Nguồn lợi tín chỉ các-bon từ rừng cao su là rất lớn, người trồng cao su Việt Nam cũng có thể áp dụng để phát triển kinh tế kép. Điều này vừa tạo thêm thu nhập cho người trồng cao su, cũng là yếu tố giúp giảm giá thành sản xuất cao su và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Hồng Nhung, nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/tiem-nang-thuong-mai-hoa-tinchi-carbon-rung-cao-su-20240401153633838.htm, ngày 01/4/2024 (HG trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>